(Baonghean) - Báo Nghệ An có một đội ngũ cộng tác viên đông đảo với những khả năng chuyên biệt, đã góp phần không nhỏ giúp cho thông tin trên các trang báo thêm phần phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Nhiều cộng tác viên gắn bó lâu năm đã tâm sự rằng, đến với tờ báo Đảng tỉnh nhà là bởi muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho xã hội...

Nói lên tiếng nói của cộng đồng mình...

Đây là chia sẻ của Vi Văn Chôồng, cộng tác viên "ruột" của tờ Nghệ An Miền núi - Cuối tuần. Vi Văn Chôồng sinh năm 1983, quê bản Đình, xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Trưởng phòng Miền núi - Cuối tuần Báo Nghệ An, nhà báo Thùy Vinh đã có lần tâm sự rằng: "Người làm báo là phải chấp nhận vất vả, song đối với Vi Văn Chôồng thì phải vất vả hơn rất nhiều, bởi thị lực của Chôồng quá kém...". Chôồng làm báo vất vả là vậy nhưng lại có khá nhiều bài viết thực sự chất lượng và đã để lại dấu ấn trong chuyên mục nhỏ "Dân bản nói" trên tờ Nghệ An Cuối tuần gắn tên tác giả Hữu Vi (bút danh của Vi Văn Chôồng). Ở chuyên mục này, với cách viết ngắn gọn, giản đơn, nhưng dễ hiểu, dễ nhớ và các vấn đề nêu trong bài viết đều rất sát thực, cần thiết với cuộc sống đồng bào vùng cao. Mới đây, ngày 15/12/2013, Chôồng viết bài "Phải nhớ kiểm dịch" nói về việc các cán bộ triển khai dự án chăn nuôi bò còn thiếu trách nhiệm, đưa bò bị dịch về bản khiến nhân dân bị một phen "hú vía". Chỉ với khoảng trên 400 từ nhưng bài viết thực sự là một tiếng chuông cảnh báo, để các cán bộ chức năng liên quan phải suy nghĩ, nhìn nhận lại bản thân...
 
images906601_t_c_nghi_p___m__ng_x_n____nh_xu_n_ho_ng.jpgCTV Vi Văn Chôồng tác nghiệp ở Mường Xén. Ảnh: Xuân Hoàng
 
Vi Văn Chôồng tâm sự rằng, nhờ tự học từ nhỏ và được ông nội kèm cặp nên lên 5 tuổi đã đọc thông viết thạo. Khi đi học vì mắt kém không nhìn rõ bảng, phải tốc ký theo kịp lời cô giáo giảng nên chữ viết vô cùng xấu. Từ năm học cấp 2, Chôồng đã đọc, tập viết báo theo "kiểu" của báo Thiếu niên tiền phong và rơi nước mắt vì hạnh phúc khi có bài đăng năm đang học lớp 8. Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2001, Chôồng thi hỏng, ở nhà làm rẫy. Đến năm 2005 thi đỗ vào Trường viết Văn Nguyễn Du. Kinh tế gia đình Chôồng chẳng lấy gì làm sung túc, nên anh không giấu diếm rằng trong thời gian ở nhà làm rẫy vẫn thường xuyên cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam trong các chuyên mục văn học thiếu nhi, văn hóa Thái. Kể cả đến khi đi học, Vi Văn Chôồng vẫn cộng tác cho những tờ báo ở Hà Nội với mục tiêu là có đủ tiền trang trải việc học, đỡ gánh nặng cho gia đình. Thế rồi, viết báo đã trở thành niềm đam mê từ lúc nào không biết. Và đến tháng 12/2011, anh đã trở thành cộng tác viên của Báo Nghệ An. 
 
Tôi đã hỏi: Điều gì khiến bạn gắn bó với chuyên mục "Dân bản nói"? Vi Văn Chôồng trả lời: “Tôi cố gắng mang đến cho bạn đọc những gì chân thực nhất đang diễn ra ở miền núi cao. Điều quan trọng nhất của báo chí vẫn là sự thật, sự chắt lọc và tính nhân bản. Người vùng cao lâu nay vẫn bị nhìn nhận là người “đồng bào”, cách tiếp cận này vô hình chung đã làm mất đi tiếng nói của chính họ. Là người cầm bút miền núi thì phải nói lên chính tiếng nói của cộng đồng mình, đây là mong muốn lớn nhất của tôi”... 
 
Tôi muốn kể về miền xa xôi biên giới... 
 
Thượng úy Bùi Hải Thượng, công tác tại Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã trải lòng như vậy khi được hỏi về lý do thôi thúc anh gắn bó với các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Nghệ An. 
 
Bùi Hải Thượng sinh năm 1977, nhập ngũ tháng 10/1995. Là cán bộ của lực lượng bộ đội biên phòng nên anh thường xuyên có những chuyến công tác trên biên giới. Bởi vậy, anh mong muốn chuyển tải những việc làm, những hoạt động thường ngày của cán bộ, chiến sỹ các đơn vị biên phòng của tỉnh và cuộc sống của bà con các dân tộc đến với mọi người. Để thực hiện hoài bão của mình anh đã tập viết báo, và bắt đầu từ năm 2000 thì có bài viết được đăng trên báo Nghệ An. Để hiểu và có thêm kỹ năng nghề báo, năm 2006, Hải Thượng đã theo học lớp Đại học Báo chí do Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức. Chúng tôi quen nhau thời điểm đó, và tôi luôn nhớ về người bạn học mang trên mình đôi quân hàm xanh có nụ cười thật hiền. Với Bùi Hải Thượng, Báo Nghệ An thực sự cây cầu nối để anh có thể chuyển tải những gì mắt thấy, tai nghe trên miền xa xôi biên giới. Để từ đó mọi người hiểu hơn về công việc, những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng. Đồng thời, cổ vũ động viên tinh thần cán bộ, chiến sỹ biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc... 
 
CTV - Thượng úy BĐBP Bùi Hải Thượng. Ảnh: N.L
 
Trên các ấn phẩm của Báo Nghệ An, bút danh Hải Thượng thường gắn với với các trang Quốc phòng, Pháp luật, Miền núi - Cuối tuần. Và đúng như tâm niệm của Hải Thượng, các bài viết của anh gắn với các chiến sỹ biên phòng và đồng bào các dân tộc vùng cao. Như ngày 15/12/2013, Hải Thượng có bài viết nói về cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch gắn bó với địa phương cơ sở để vừa hỗ trợ nâng cao đời sống nhân dân, vừa làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền nơi biên giới. Đến ngày 29/12/2013, Hải Thượng lại có bài về già Lầu Chá Xía làm giàu bằng chính sức lao động của mình trên vùng đất khó Huồi Khí, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn... Những bài viết của Hải Thượng ngắn gọn, câu từ mộc mạc, thường kèm với những chùm ảnh sát đúng chủ đề, qua đó khẳng định tính chân thực của thông tin, khiến độc giả hết sức tin cậy. Với trên 10 năm là cộng tác viên Báo Nghệ An, mặc dù không có thẻ nhà báo nhưng anh tự hào bởi các đơn vị, các địa bàn trên biên giới, mọi người đã nhớ Hải Thượng là một người làm báo, không ít đồng bào các dân tộc đã gọi anh là "nhà báo"...
 
Bày tỏ chính kiến trước những vấn đề báo nêu...
 
Đây là tâm tư của Luật sư Nguyễn Trọng Hải (sinh năm 1976, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 2001) - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự (địa chỉ tại số 28, Đinh Lễ, TP.Vinh). Nguyễn Trọng Hải tâm sự, anh tiếp cận với báo Nghệ An từ khá sớm, thông qua người cha, là ông Nguyễn Trọng Hữu - một đảng viên có trên 50 tuổi Đảng. Cụ Nguyễn Trọng Hữu thường đặt riêng tại gia đình các ấn phẩm báo chí của Đảng như tờ Nhân Dân, Nghệ An..., nên từ khi còn là học sinh trung học, anh thường đi nhận báo và hình thành thói quen đọc báo, thích viết báo. Vậy nhưng, chỉ đến năm 2007, khi là giáo viên bộ môn Luật của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh thì mới chính thức viết bài gửi báo.
 
CTV - Luật sư Nguyễn Trọng Hải. Ảnh: N.L
 
Qua trò chuyện, Nguyễn Trọng Hải cho rằng tần suất xuất hiện trên báo Nghệ An của mình không dày như nhiều cộng tác viên khác. Điều này đúng, nhưng những bài viết của anh khá sắc sảo, có tính hấp dẫn nên được nhiều độc giả biết đến thông qua các chuyên mục giải đáp về pháp luật và bình luận thể thao. Là luật sư, Nguyễn Trọng Hải có quan điểm cá nhân rất rõ ràng trước các vấn đề "nóng" của xã hội, kể cả những vấn đề nhạy cảm. Như trong thời gian qua, khi vấn đề tôn giáo nóng lên, anh đã không ngần ngại viết bài phân tích, bình luận bày tỏ quan điểm cá nhân trên tinh thần đảm bảo đúng quy định của pháp luật để góp phần thay đổi nhận thức của xã hội. Với Nguyễn Trọng Hải, Báo Nghệ An trong thời gian qua có những sự đổi mới rõ nét với nhiều chuyên trang, chuyên mục, bài viết liên quan đến mọi mặt của xã hội nên đã cung cấp cho các luật sư nhiều thông tin thực sự bổ ích phục vụ công tác chuyên môn. Và anh nói rằng: "Việc cộng tác với báo đơn giản là thể hiện vai trò của luật sư với xã hội, đồng thời, là để bày tỏ chính kiến và sự phản biện với những vấn đề báo chí phản ánh...".
 
Nhật Lân