Sáng 20/12 tại Hà Nội diễn ra Đại hội Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam. Hiệp hội ra đời nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết số 29NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo. Hiệp hội ra đời nhằm để các trường ĐH, CĐ trên cả nước chia sẻ những kinh nghiệm, vấn đề cần giải quyết của giáo dục ĐH nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà nói chung.

ptt_dam_1_szpx.jpg
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Hiện nay, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới là không cao. Năng suất lao động của nước ta so với nhiều nước còn thấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực của Việt Nam chưa cao. Nhiều tổ chức đã nghiên cứu khi phân nguồn nhân lực ra làm 3 tầng: Quản lý và thực hiện các công việc một cách gián tiếp, kỹ thuật cao, lao động phổ thông. Kết quả cho thấy, có đến 80% nguồn nhân lực làm quản lý và thực hiện các công việc một cách gián tiếp chưa đủ kỹ năng để làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Hơn 60% số kỹ sư và người thực hiện công việc chuyên môn ở trình độ không đủ kỹ năng. Còn lại 20% lao động giản đơn cũng không đủ kỹ năng. Số liệu thống kê này cho thấy, bất cập về nguồn nhân lực được đào tạo ở cấp học cao hơn.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng có yếu tố quyết định đối với sự phát triển của mọi quốc gia. Việt Nam muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải thu hẹp khoảng cách về chất lượng so với các nước và phải có những bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh khi hội nhập với thế giới.

Muốn đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là Việt Nam cần khuyến khích các nhiều trường ĐH tham gia vào phân tầng, xếp hạng so với các trường ở trong khu vực cũng như thế giới. Việc làm này nhằm giúp các trường biết được năng lực đào tạo của họ đang ở đâu, cần phải có những bước làm đột phá nào để đổi mới chất lượng. Những tiêu chí để các phân tầng, xếp hạng các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam cũng phải tuân theo tiêu chí đánh giá căn bản của thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nhiệm vụ của các trường ĐH, CĐ là phải đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu xã hội và hội nhập với thế giới. Để thực hiện nhiệm vụ này, không còn con đường nào khác là phải thực hiện Tự chủ ĐH.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục Đại học (ĐH) công lập. Theo đó, 2014-2017, thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn đối với 4 trường đại học: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Ngoại thương và ĐH Hà Nội. Việc thí điểm đổi mới này nhằm hướng tới tự chủ toàn diện cho các trường ĐH, CĐ trong cả nước.

“Ngoài 4 trường được thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, Chính phủ khuyến khích những trường ĐH nào có đủ điều kiện thì có thể làm đề án trình Chính phủ xem xét. Đây là việc làm cần phát động rộng rãi trong Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Các trường không thể lấy hết lý do này, nguyên nhân khác để muốn được Nhà nước bao cấp mãi” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Ngân sách Nhà nước đầu tư cho các trường ĐH, CĐ chỉ có hạn và không thể cứ bao cấp cho các trường mãi nên nếu các trường cứ trông chờ vào nguồn ngân sách thì chất lượng đào tạo không thể nâng cao được. Tự chủ ĐH không có nghĩa là sẽ buông lỏng quản lý và không có chính sách cho đối tượng sinh viên nghèo. Chúng ta sẽ có chính sách khuyến tài đối với sinh viên nghèo và họ đều được hỗ trợ khi cần thiết.

Sắp tới, cơ quan Nhà nước sẽ thực hiện theo cơ chế “đặt hàng” các trường ĐH. Nếu đối tượng là sinh viên thuộc diện gia đình chính sách cần được hỗ trợ thì cơ quan Nhà nước sẽ “đặt hàng” các trường để hỗ trợ các đối tượng đó. Ngoài ra, nếu cơ quan Nhà nước cần đào tạo đối tượng, ngành nghề nào thì Nhà nước cần “đặt hàng” các trường ĐH để đào tạo. Còn lại, cơ bản các trường ĐH phải tự chủ về tài chính và hướng tới hạch toán tương tự như các doanh nghiệp. Đây là một thách thức lớn nhưng cũng không có sự lựa chọn đối với các trường ĐH, CĐ. Bên cạnh tự chủ về tài chính, các trường cần phải tự chủ về học thuật.

Theo cơ chế tự chủ, các trường ĐH, CĐ hãy cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh cũng như có thể hợp tác, cùng nhau khắc phục những yếu kém, khiếm khuyết để đổi mới chất lượng đào tạo. Khi thực hiện tự chủ, các trường cũng nên chấp nhận cơ chế “đào thải”./.

Theo VOV