(Baonghean) - Chiều tháng Năm, dọc con đường từ ngã ba Khe Kiền vào đến bản Lưu Phong (Lưu Kiền, Tương Dương), cái nắng nóng khiến chúng tôi cảm thấy ngột ngạt và bức bối. Xa xa hai bên đường hiện lên những nương rẫy của bà con dân tộc Thái còn nham nhở những vết cháy sém. Có những rẫy đã được đốt từ lâu, có những rẫy đang nghi ngút khói. Anh bạn người Thái đi cùng thông báo với chúng tôi một cách ngắn gọn: “Mùa đốt rẫy lại đến”.
Thấy chúng tôi có vẻ tò mò, anh đưa chúng tôi lên một mảnh rẫy ở bản Khe Kiền. Từ đường nhìn lên có vẻ rất gần nhưng cũng phải cuốc bộ mất mười lăm phút. Chúng tôi trò chuyện với vợ chồng người Thái đang lúi húi gom cây cối đã khô được đốn hạ cách đây mấy tháng để chuẩn bị đốt. Thấy có người lạ, vợ chồng anh có vẻ e ngại.
Qua vài lời tâm sự, anh cho biết: Anh là Lô Văn Long và vợ là Quang Thị Liên, hai vợ chồng anh quê ở xã Yên Tĩnh (Tương Dương) lên đây định cư đã được 3 năm. 3 năm cũng là thời gian anh đốt được 3 cái rẫy. Anh bảo rằng: “Thời gian đầu mới lên bản Khe Kiền không có đất, vợ chồng ta phải đi đốt rẫy cách đây cả nửa ngày đi bộ. Bây giờ được phân đất, giao rừng ta mới đốt rẫy này để sản xuất”.
Chúng tôi hỏi rằng, người ta giao rừng cho mình mà năm nào mình cũng đốt để làm rẫy như vậy thì đến khi hết đất lấy đâu mà làm nữa? Anh Long bảo: “Đến lúc đó, rẫy cũ tốt rồi lại đốt tiếp. Mà khu đất này cũng là của ông bà thông gia để lại”. Khi nghe chúng tôi hỏi: “Sao lúc đốt rẫy, không gom tất cả lại một chỗ để đốt mà phải rải ra từng đống khắp nơi như vậy? Làm thế dễ gây ra cháy rừng lắm đấy”. Chị Quang Thị Liên đứng gần đó nói: “Phải đốt như vậy để chỗ nào đất cũng có tí mùn chứ không thì chỗ tốt chỗ không. Nếu có cháy lan ra thì cũng một tí thôi”. Nhìn những đợt gió Lào thổi rát trên đồi cao, chúng tôi chợt thấy lo lắng, chỉ một đốm lửa nhỏ lan ra thôi cũng đủ thiêu rụi khu rừng gần đó chứ nói gì đến “một tí” như lời chị Liên.
Chúng tôi tiếp tục ngược vào bản Xoóng Con, hai bên đường là những ngọn đồi lớn đã được người dân khai phá để trồng vụ ngô mới. Tìm lên khu rẫy gần đường để gặp những người dân đang làm cỏ ngô. Những cây ngô đang lớn bằng gang tay không được bón phân đạm sau lớp đất bạc màu phát triển yếu ớt trong cái nắng chói chang. Cả một khu rừng rộng chừng 3ha đang bắt đầu phủ màu xanh mới nhưng phía trên rẫy ngô vẫn còn nguyên một màu vàng sạm do lửa bén đến lúc đốt rẫy. Chúng tôi gặp vợ chồng anh Lô Văn Toòng và Vi Thị Vinh khi anh chị đang ngồi nghỉ ngơi. Nghe chúng tôi muốn đi tìm hiểu về mùa rẫy mới, anh Toòng cho biết: “Cái rẫy này đã làm được một mùa rồi. Năm ngoái mới đốt trồng ngô còn tốt chứ sang đến năm nay đã bắt đầu xấu đi nhiều rồi. Chắc sang năm lại đi làm rẫy mới thôi”.
Nỗi vất vả vì suốt ngày lam lũ trên rừng núi khiến gương mặt anh Toòng càng khắc khổ hơn. Anh bảo rằng: Khu đất rẫy rộng lớn này là của 3 hộ chung nhau để làm. Cực khổ lắm nhưng thu hoạch có được là bao. Làm rẫy nào cũng được mùa đầu. Lúc đó đất đai còn màu mỡ nên cây phát triển, còn sang mùa thứ hai là muốn bỏ rồi. Từ lúc lập gia đình tới nay anh cũng không nhớ nổi mình đã trải qua bao nhiêu lần đốt rẫy mới, chỉ biết rằng lúc nào đất không sản xuất được nữa thì bỏ thôi.
Khi chúng tôi hỏi: “Sao anh không bón phân, đạm cho đất để sử dụng được lâu dài? Cứ đốt rừng làm rẫy mãi thế này lỡ cháy sang rừng phòng hộ là vi phạm pháp luật đấy”. Anh bảo rằng: “Ai cũng biết là vi phạm nhưng không làm rẫy mới thì lấy gì mà ăn. Bây giờ Nhà nước giao rừng cho mình sản xuất rồi mà không làm được gì, cứ đi đốt hết rẫy này sang rẫy khác để trồng cây vậy thôi. Lúc nào hết đất rừng của mình lại quay về rẫy cũ. Các anh bảo, ở đồi núi dốc như thế này làm sao bón phân được. Cứ bón vào mà gặp mưa lớn nó cũng trôi hết”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Vi Văn Phúc - cán bộ rừng phòng hộ tuyến Lưu Kiền cho hay: “Vào mùa hanh khô này, bà con dân bản bắt đầu đốt rẫy để chuẩn bị trồng trọt. Đây là tập quán sản xuất bao đời của bà con. Năm nào đơn vị cũng phối hợp để tuyên truyền giáo dục nhân dân một số nguy hại của việc đốt rừng làm rẫy như tăng nguy cơ cháy rừng, mất dần diện tích cây rừng, nhưng chỉ hạn chế được phần nào. Cũng may, đến nay hộ nào cũng đốt trên đất rừng được giao để sản xuất, chưa xảy ra trường hợp cháy lan sang rừng phòng hộ”.
Đào Thọ
(Kỳ Sơn)