(Baonghean) - Công trình nước tự chảy ở các huyện miền núi không những giải quyết nước sinh hoạt hàng ngày cho đồng bào, nhiều nơi bà con còn sử dụng nguồn nước này để chăn nuôi, trồng trọt... Tuy nhiên, chỉ 18,5% trong tổng số 437 công trình hoạt động có hiệu quả (theo đánh giá của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh) thì quả quá ít ỏi, lãng phí lớn. Vì vậy, vấn đề nâng cao chất lượng công tác quản lý, vận hành, sử dụng các công trình nước sinh hoạt nơi đây cần sớm được quan tâm.

Tại huyện Kỳ Sơn, sau trận lũ lớn năm 2011, đã có 60% số công trình nước sinh hoạt tự chảy hư hỏng. Những công trình hư hỏng nhẹ thì các xã có thể huy động người dân góp sức tự khắc phục, nhưng đối với những công trình hư hỏng nặng, nguồn kinh phí sửa chữa lên đến hàng trăm triệu đồng thì quá trình khắc phục không hề đơn giản, và cấp xã cũng đành... bó tay. Chính vì thế, nhiều địa phương đành đứng nhìn công trình hoang phế, để khát vẫn hoàn khát. Những xã như Huồi Tụ, Phà Đánh hay Keng Đu vào mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau thì nỗi lo thiếu nước còn lo hơn thiếu cái ăn.
 
images1168886__dsc0102.jpgThiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, học sinh Trường THCS xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) phải đi xuống khe xách từng can nước về đổ vào bể để dự trữ.
 
Ngoài những nguyên nhân mà ở bài 1 chúng tôi đã có nhắc đến, còn một số nguyên nhân khác mang tính cụ thể, điển hình đối với một số công trình tại địa bàn miền núi. Chẳng hạn, ở xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn), có 22 bể nước sinh hoạt, trong đó có đến 3/4 số bể đã xuống cấp trầm trọng. Riêng số còn lại không có nước mà nguyên nhân là do nguồn nước đầu nguồn thấp hơn các công trình chứa nước nên đường dẫn và bể chứa luôn trong tình trạng “khô như rang”. Bên cạnh đó, một số khe suối giờ đang trong tình trạng cạn dần nguồn nước bởi rừng đầu nguồn bị chặt phá một cách cạn kiệt, ví như khe Y Bun từng được xem như là “cứu tinh” của bà con Huồi Tụ thì giờ đây lượng nước đã hụt đi rất nhiều.
 
Hay tại Anh Sơn, chỉ có 3/8 công trình nước còn hoạt động, những công trình còn lại hư hỏng, bỏ hoang mà nguyên nhân là do quá trình khảo sát, đầu tư dự án nước sạch chưa đánh giá hết khả năng cấp nước của công trình và nguồn nước, quá trình duy tu, bảo dưỡng thiếu vốn… Ngoài ra, theo ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Anh Sơn thì phần lớn các công trình này duy trì mô hình quản lý cộng đồng, không có ban duy tu, bảo dưỡng, nên quản lý vận hành yếu; ý thức bảo vệ công trình của địa phương, người dân chưa tốt, việc giám sát của cấp liên quan không đồng bộ. Còn ở huyện Quỳ Châu, trong số 28 công trình nước sinh hoạt chỉ còn 15 công trình còn sử dụng được.
 
Theo đánh giá thì các công trình trên đều sử dụng theo hình thức nhóm hộ, vì vậy nhiều người tự tiện đục đường ống để lắp vòi dẫn nước vào nhà làm cho nguồn nước tới bể yếu, có khi không có. Nếu như đối với các công trình thủy lợi đã có pháp lệnh xử phạt thì đối với công trình nước tự chảy lại chưa, vì vậy cũng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở… Trong khi, đối với các công trình đã hư hỏng trên địa bàn huyện, theo tính toán nếu tu sửa cũng phải mất trên 20 tỷ đồng, trong khi hiện nay nguồn kinh phí của huyện chưa có.  
 
Công trình nước sinh hoạt tại bản Cà Moong, xã Lượng Minh (Tương Dương) bỏ hoang lâu nay.
 
Từ thực tế trên cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các công trình nước sinh hoạt tập trung chưa hiệu quả hoặc đã ngưng hoạt động một phần do lâu nay hầu như không có người được giao trách nhiệm quản lý, vận hành. Sau khi các công trình này được đầu tư xây dựng xong, được bàn giao cho chính quyền xã, sau đó xã giao cho bản, hoặc một nhóm người quản lý và đối tượng sử dụng trực tiếp chính là người dân. Thế nhưng, theo tìm hiểu, do không có chi phí về duy tu, bảo dưỡng cũng như tiền công cho người được giao nhiệm vụ trông coi nên lâu dần nhóm người được giao bảo quản công trình cũng để mặc. Việc thu phí bảo trì các công trình nước sinh hoạt cộng đồng tại các địa phương chưa được chính quyền và người dân quan tâm đúng mức và thực hiện chưa hiệu quả, nhiều xã chưa thành lập được tổ quản lý, dẫn đến công trình bị hư hỏng, xuống cấp không được sửa chữa kịp thời.
 
Hơn nữa, phần lớn các công trình chưa được cải tiến về công nghệ kỹ thuật, khâu khảo sát thiết kế và xây dựng không đảm bảo chất lượng, nhất là các công trình thuộc địa bàn các xã, bản vùng sâu nên ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Cùng với đó, ý thức của người dân trong việc gìn giữ, tham gia bảo vệ các công trình cấp nước còn hạn chế. Mặc dù, hàng năm cơ quan chức năng đều mở các lớp tập huấn để giúp người dân có thêm kiến thức về bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, quản lý các công trình cấp nước, nhưng dường như mọi người dân đều “bỏ ngoài tai”, khiến các công trình nhanh chóng bị xuống cấp. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào người dân quan tâm đến công trình nước sinh hoạt thì ở đó phát huy hiệu quả về cả mặt chất lượng công trình và nguồn nước về bể (như ở bài 2 đã nói).
 
Khi được hỏi về nỗ lực khắc phục cụ thể, chính quyền, các địa phương đều cho rằng chuyện lãng phí công trình là chuyện “biết đấy”, nhưng hiện vẫn “lực bất tòng tâm” vì việc này sửa chữa trước hết cần một lượng kinh phí lớn. Tuy nhiên, các giải pháp cũng đã được một số nơi tính đến.  Ví như ở Anh Sơn, theo ông Nguyễn Hữu Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện thì: Huyện đang tập trung hình thành bộ máy quản lý có hiệu quả theo hai hướng: Một là, sẽ triển khai chuyển giao cho các công ty, doanh nghiệp ngành nước quản lý. Tuy nhiên, điều này huyện không hoàn toàn chủ động vì phải lệ thuộc vào nhu cầu của đối tác, doanh nghiệp.
 
Hướng thứ 2 là hình thành các tổ hợp tác quản lý để cụ thể hóa trách nhiệm vận hành các công trình, đề ra các quy chế như: thu phí dịch vụ theo quy định hợp pháp, bảo dưỡng công trình đối với các công trình nước sạch cộng đồng. Bên cạnh đó, huyện tập trung huy động vốn để nâng cấp, cải tạo, phát huy hiệu quả các công trình theo nhiều phương thức như huy động vốn doanh nghiệp, dự án, vốn Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư… Ông Phan Bùi Mỹ - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho biết: Để phát huy hiệu quả của các công trình cấp nước tập trung vùng miền núi, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó dự trù kinh phí sửa chữa, khắc phục.
 
Trước thực trạng các công trình tốn tiền tỷ mà bỏ hoang, không chỉ gây lãng phí nguồn vốn đầu tư lớn của nhà nước, mà người dân lại không được thụ hưởng những lợi ích từ sự hỗ trợ thiết thực đó, rất cần có sự vào cuộc thực sự của chính quyền các cấp và các ban, ngành liên quan. Trong đó nhiệm vụ hàng đầu chính là tăng cường kiểm tra, khẩn trương rà soát tất cả các công trình nước sinh hoạt tập trung trên toàn địa bàn các huyện miền núi, trong đó tập trung đánh giá chính xác chất lượng và hiệu quả sử dụng trên thực tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân ý nghĩa, tầm quan trọng của các công trình nước sạch đối với việc cải thiện nâng cao đời sống. Đồng thời, cần sớm ban hành quy chế quản lý, sử dụng đối với các công trình nước sinh hoạt, thực hiện có hiệu quả công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên… Có như vậy những nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cũng như các tổ chức mới thực sự hiệu quả, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng sử dụng nước sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng miền núi.
 
Đ.Cường – X.Hoàng