Một ngày Đông, cái lạnh tràn về trên khắp núi rừng miền Tây, chúng tôi đặt chân lên bản làng người Mông ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn). Phía bên kia bản Nậm Khiên 1 là những rừng cọ bạt ngàn đang mùa trĩu quả.
Ông Lầu Nhìa Xồng - Trưởng bản hồ hởi bảo: “Ông bà, bố mẹ chúng tôi kể lại rằng rừng cọ có từ khi người Mông chưa về định cư lập nghiệp ở rừng núi này. Có những cây tuổi đời còn hơn cả tuổi bố mẹ tôi đấy. Cây già chết đi, cây con lại mọc lên, cứ thế đời này sang đời khác thôi”.
Trên rừng cọ hơn 2 ha này, những tán cọ xòe ra như những chiếc ô lớn. Phảng phất trong gió là mùi hương của quả cọ đang mùa thu hoạch. Xa xa, thấp thoáng trong ánh sáng nhạt nhòa là những đứa trẻ người Mông đang buộc mấy con trâu vào dưới gốc cọ để tranh thủ hái từng chùm quả về ăn.
Anh Lầu Bá Súa trú ở bản Nậm Khiên 1 cho hay, đã bao đời người đi qua nhưng rừng cọ này vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống của nhân dân bản Nậm Khiên. Những ngày mưa ngày nắng, khi cái chuồng trâu, chuồng bò chưa làm xong, bà con thường đưa trâu bò ra đây để chúng nghỉ ngơi. Những tán cọ đan xen vào nhau che kín cả một vùng rộng lớn, mưa nắng không lọt xuống được. Trong những lần lên rẫy hay đi xa của người Mông, trong hành trang của họ có một thứ không thể thiếu là cơm và thức ăn đựng sẵn trong lá cọ. Theo kinh nghiệm của các cụ cao tuổi trong bản thì thức ăn được gói trong lá cọ sẽ giữ được lâu hơn và có mùi vị thơm hơn.
Trên những cây cọ đang trĩu quả, anh Lầu Bá Súa chọn một số cây rồi hái ít quả mang về ăn. Anh chọn những cây có tán lá tròn, rộng để hái quả. Chúng tôi nhìn mãi không ra là loại cây tán nhỏ và cây tán to thì quả nó khác nhau ở chỗ nào. Thấy vẻ thắc mắc của chúng tôi, anh Súa cười bảo: “Cọ cũng có 2 loại, loại cây tán lá nhỏ thì quả nó mu sẽ mỏng và ăn có vị đắng hơn. Còn loại tán lá to thì quả có mu dày và ăn ngọt, thơm hơn”.
Những quả cọ được anh đưa về bỏ vào một nồi nước nóng đã chuẩn bị sẵn. Theo anh Súa, khi om cọ, nếu nước nguội quá cọ sẽ không chín, còn nóng quá sẽ làm cho quả mềm nhũn không ngon. Do đó, người om cần biết nhiệt độ nước và thời gian om để quả cọ khi vớt ra ăn vừa ngon. Sau 10 phút, anh vớt cọ ra, chúng tôi ngồi thưởng thức một cách ngon lành.
Thú thực mà nói, chưa bao giờ chúng tôi được thưởng thức một bữa cọ ngon lành đến thế. Hương vị thơm ngát phả vào mũi cộng với vị béo ngậy của cọ làm chúng tôi ngây ngất. “Những ngày mưa, bà con thường ra rừng lấy quả về ngồi nhâm nhi bên bếp lửa, có khi không phải ăn cơm nữa đấy” - vợ anh Súa ngồi bên cũng chen vào nói vui.
Những ngày đầu mùa cọ, khắp các ngả bản Nậm Khiên đông vui như ngày hội. Những người dân Thái ở các bản lân cận như Xoóng Con, Lưu Phong (Lưu Kiền, Tương Dương) vào đây mua cọ về ăn. Cọ ở đây nhiều không xuể, nói là bán chứ chủ yếu là cho nhau làm quà. Mỗi kg có giá 5 nghìn đồng nhưng mấy khi bà con lấy tiền. Theo lời anh Súa có những cây cọ cho thu hoạch đến trên 20 kg quả mỗi mùa. Những quả chưa thu hoạch kịp rụng xuống, cây non lại mọc lên, cứ thế đời này qua đời khác.