(Baonghean) - Phóng sinh là hoạt động mang ý nghĩa hướng thiện, có nguồn gốc Phật giáo, ngày càng được nhiều người dân tìm đến với mong muốn giải nghiệp chướng, tạo phúc đức, nuôi dưỡng lòng từ bi, bác ái. Có cung ắt có cầu, những năm gần đây, ở Thành phố Vinh, nghề bán chim phóng sinh trở thành nghề sôi động…
 
images1137872_r_t_d_ng_ngu_i_d_n_t_m_mua_chim_ph_ng_sinh_tr_n_c_c_xe_h_ng_rong___du_ng_l_nin.jpgRất đông người dân tìm mua chim phóng sinh trên các xe hàng rong ở đường Lênin (TP. Vinh).
Dịp đầu Xuân, năm mới, dạo quanh những cửa hàng bán chim phóng sinh mới thấy hết sức “nóng” của mặt hàng đặc biệt này. Mới sáng sớm, cửa hàng của chị Nguyễn Thị Oanh (SN 1986) nằm trên đường Trường Thi, phía sau Công viên Trung tâm thành phố đã đông nghịt khách. Cửa hàng được nhiều người tìm đến bởi thâm niên kinh doanh mặt hàng này và lượng khách quen khá ổn định. Cửa hàng chỉ chừng 20m2, nồng lên thứ mùi đặc trưng của loài chim và ngổn ngang nào lồng, nào lưới, thức ăn chăn nuôi… Vừa tất bật bắt chim vào lồng cho khách, chị Oanh vừa phân trần: “Dịp đầu năm, lại quãng Rằm tháng Giêng nên nhu cầu thị trường rất lớn. Mấy ngày nay mình phải huy động cả chồng ra phụ bán mới xuể!”
 
Non trưa, cửa hàng vãn khách nhưng chị Oanh vẫn loay hoay với đủ thứ việc không tên. Khác với chim cảnh thường được nhập nhỏ giọt, có chọn lọc, lượng chim phóng sinh nhập về mỗi ngày từ vài trăm đến hàng ngàn con, nếu chưa bán được ngay trong ngày thì việc chăm sóc chim trở thành nhiệm vụ được chị đặt lên hàng đầu, bởi những chú chim sẻ, chim ri, bồ câu… thể tạng thường yếu ớt, chuyển từ môi trường tự nhiên vào sống trong lồng nên bị “sốc nhiệt”. Tay nhẹ nhàng cho một chú bồ câu uống nước, chị tâm sự về duyên nghề: “Mình quê ở Thượng Sơn (Đô Lương), hồi còn thanh niên thường đi theo anh chị trong họ hàng xuống Thành phố Vinh buôn bán cho vui, ngờ đâu vui mà thành thật. Tính đến nay là đã hành nghề tròn 5 năm, trước đây đứng bán rong ở đường Lê-nin giờ đã thuê được cửa hàng buôn bán đàng hoàng”.
 
Khách hàng đến với chị chủ yếu là khách quen, thậm chí, có nhiều khách từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… vào Nghệ An hành hương, vãn cảnh, có nhu cầu phóng sinh cũng đều đánh đường tìm đến cửa hàng để đặt mua chim với số lượng lớn. Bên cạnh đó, các đạo tràng, bản hội trên địa bàn Thành phố Vinh, có nhiều hoạt động tâm linh trong năm đều đặt hàng qua điện thoại với chị trước cả tuần để chủ động nguồn. Nguồn chim được chị nhập qua đầu mối trung gian, hoặc nếu rảnh rỗi, chị cùng chồng thường tự tìm về các vùng quê, thuê nhân công nông nhàn đi săn chim trong tự nhiên để có nguồn trực tiếp, giảm chi phí hoa hồng và tăng sức cạnh tranh về giá cả so với những cửa hàng khác. “Một chú chim sẻ thế này nhập qua trung gian sẽ có giá 15.000 - 17.000 đồng, tùy thời điểm, bán ra phải đến 20.000 - 25.000 đồng/con. Còn nếu mình trực tiếp có nguồn thì giá rẻ hơn nhiều, mình dễ bán mà khách cũng dễ mua”- Chị Nguyễn Thị Oanh cho biết. Mỗi tháng, chị Oanh phải trả 3 triệu đồng tiền thuê cửa hàng, bù vào đó, tiền lãi của việc kinh doanh chim phóng sinh khá ổn định. “Không kể các dịp khác trong năm, chỉ tính riêng dịp Tết, cửa hàng đạt doanh thu trung bình khoảng 50 - 70 triệu đồng. Trừ mọi chi phí cũng lãi ròng non nửa, vậy là phấn khởi lắm rồi!” - Chị Nguyễn Thị Oanh vui mừng chia sẻ.
 
Những chú chim phóng sinh chị bán luôn được chọn lựa và chăm sóc kỹ, còn khỏe mạnh để đảm bảo chim hòa nhập được với môi trường tự nhiên sau nghi lễ phóng sinh. Chị tâm niệm, làm nghề này cần có cái tâm, đã nhiều trường hợp khách đến mua chim sẻ để về… giết thịt, dù hỏi mua số lượng lớn bao nhiêu chị vẫn kiên quyết không bán. “Mình nghiệm thấy làm nghề này là nghề phúc đức, gia đạo bình yên, tâm hồn thư thái. Dĩ nhiên, kinh doanh phải có lợi nhuận, nhưng không vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả”- Chị Nguyễn Thị Oanh tâm sự.
 
Tâm niệm nhân văn của nghề bán chim phóng sinh, không phải người bán nào cũng lấy đó làm bài học. Thực tế, trên các trục đường lớn ở Thành phố Vinh như Đại lộ Lênin, đường Hồ Tùng Mậu, Phan Đình Phùng… ngày càng xuất hiện nhiều người kinh doanh mặt hàng đặc biệt này, mỗi người lại có cho riêng mình những mẹo nhốt chim, “quay vòng” chim sao cho đạt mục đích doanh thu cao nhất. Qua tìm hiểu, được biết, để chim phóng sinh không bay được xa, người bán đã nhổ đi vài chiếc lông vũ dài hai bên cánh. Làm vậy, khi chim thả khỏi lồng cũng chỉ bay được đoạn ngắn vì không đủ lực để vượt lực cản sức gió, sẽ chao đảo rớt xuống. Một đội ngũ được bố trí chực sẵn chạy đến bắt chim về lồng, “quay vòng” bán - mua, phóng - nhốt một cách tàn nhẫn! Thực tế này có thể bắt gặp tại rất nhiều đền, chùa… trong dịp nhộn nhịp lễ đầu năm này.
 
Như vậy, từ một nghi thức tâm linh thành kính, hướng thiện, một bộ phận không nhỏ người bán và cả người mua chim phóng sinh, vì lợi nhuận và hiểu biết kém sâu sắc đã đi ngược lại với ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Nghề bán chim phóng sinh cũng như bao nghề khác trong xã hội hiện đại, xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt của đời sống nhân dân. Nghề không sai, nhưng với người hành nghề, mong rằng hãy luôn giữ tâm niệm nhân văn để bền bỉ duyên phận với nghề và nhận được sự tin yêu của cộng đồng xã hội.
 
 
Phương Chi