(Baonghean) - Trong bài thơ “Lấy chồng chung”, nữ sỹ Hồ Xuân Hương viết: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung /Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”, nhưng giữa xóm nghèo xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu), suốt hơn nửa thế kỷ nay người ta vẫn nhắc nhau câu chuyện của bà Nguyễn Thị Điu cưới vợ cho chồng, chấp nhận điều tiếng khen chê, để vẹn tròn hạnh phúc.
Tìm vợ cho chồng
Bà Điu năm nay đã 97 tuổi. Người ta thường nói, đói khổ thường sống lâu và câu này như linh nghiệm với bà. Bà Điu sinh ra tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu. Đời bà trăm cái khổ. Bố mẹ mất sớm vì thiếu ăn nên khi bà còn ít tuổi đã phải nuôi hai đứa em thơ dại, đứa lên 9, đứa vừa lên 6 tuổi. Bà làm thuê, cuốc mướn nuôi các em. Năm tháng qua đi, thành thiếu nữ, nhiều trai làng và vùng lân cận để ý nhưng không hiểu sao, bà lại “kết” một người khác huyện tên là Nguyễn Văn Tiêu ở xóm 2, xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu. Hai người thành vợ chồng sau thời gian ngắn ngủi tìm hiểu. “Lấy ông khi 20 tuổi, mãi 12 năm mà vợ chồng tui vẫn không có con, nhà ông ít anh em nên tui hoảng quá, tính xin về nhà bố mẹ để ông đi bước nữa tìm người nối dõi tông đường. Ông chồng tui mô chịu. Tui van xin, ông bảo sống với nhau ngần ấy năm, sao giờ chia lìa?”, bà Điu nhớ lại.
Chung sống với chồng nhưng bao đêm người đàn bà hiếm muộn ấy vẫn luôn trăn trở: “Sống với người ta ngần ấy năm mình không có con đã đành nhưng giờ không lo cho người ta thì bạc nghĩa lắm!”. Và bà làm cái chuyện “không ai muốn” là hỏi vợ cho chồng. Bà tìm người hiền lành để sinh con cho chồng. Bởi bà nghĩ rằng sau này bà sẽ coi những đứa trẻ đó như con ruột của mình nên cũng muốn con được sinh ra từ một người mẹ tốt. Nghe người ta giới thiệu một người đàn bà quá lứa, lỡ thì tên là Hoàng Thị Si (cũng người Quỳnh Giang). Bà Si ngày ấy cũng là người không mẹ, không cha ở với người bác họ, chân không được lành lặn từ năm lên 6 tuổi vì bệnh sởi.
Ông trời cũng khéo trêu ngươi khi để hai người đàn bà kém may mắn sống cảnh chung chồng. Nhưng không vì vậy mà họ lời qua tiếng lại, đố kỵ nhau. “Đó là những năm 1949, bà ấy về ở với tui và cũng có lễ chạm mặt, cũng có cưới hỏi đàng hoàng. Khi bà ấy chịu về sống cùng, cái nghèo, cái đói vẫn cứ đeo đẳng. Hồi ấy, cả nhà chỉ có một manh áo lành, tui nhường cho bà ấy mặc trong lễ vu quy. Ngày bà ấy về đây, tui như thỏa ước nguyện của đời mình”, bà Điu nhớ lại.
Khi chồng có vợ bé, bà Điu không hề ghen tuông, chỉ mong chồng và vợ hai sớm sinh con để nối dõi tông đường. Khi biết tin bà Si mang thai, bà mừng rơi nước mắt. 6 lần bà Si sinh nở là 6 lần bà lo chăm bẵm, bế bồng những đứa con thơ của người vợ kế như con ruột của mình. Mỗi khi đứa nào ốm đau, bà lại trằn trọc âu lo.
Và bà cũng được làm mẹ. Đó là một lần bà nhận một bé trai kháu khỉnh của một người họ hàng nhờ bà chăm nuôi khi mẹ đứa bé qua đời. Bà nhận lời với điều kiện sau này cha của đứa bé kiếm được vợ sẽ trả lại. Bà làm giấy nhận con nuôi và chính thức có con từ đó. Không lâu sau, bà Si sinh được hai đứa con trai, bà bảo người cha của con trai nuôi tới mang con mình về đoàn tụ. Thấy bố đẻ đến, người con trai nuôi của bà nhất quyết không chịu về, chỉ muốn ở lại làm con bà Điu rồi lại qua thăm bố đẻ.
Năm 1972, giặc Mỹ đánh phá ác liệt, người con trai nuôi của bà tên Nguyễn Xuân Tùng hăm hở ra trận, nào ngờ một đi không về. Ngày cầm giấy báo tử, bà đã ngất lịm đi vì đau đớn. Khi tỉnh dậy, bà không ngừng gọi tên con. “Người ta con đàn cháu đống, tui chỉ mỗi có đứa con nuôi mà ông trời cũng chẳng thương tình, còn cướp đi. Cay đắng lắm chú ơi. Cũng may mà sau ni, mấy đứa con bà hai đều yêu thương, coi tui như mẹ đẻ nên cũng thấy ấm lòng”, bà Điu ngậm ngùi.
Niềm đau mất con chưa kịp nguôi ngoai, bà lại phải chịu tang chồng. Năm 1975, ông Nguyễn Văn Tiêu đột ngột qua đời chỉ sau một giấc ngủ, để lại hai người vợ. Chỉ có sự cảm thông mới giúp hai người đàn bà ấy gắn kết, chia ngọt sẻ bùi.
Trái ngọt cuối mùa
Năm nay đã 97 tuổi, bà Điu vừa trải qua cơn “thập tử nhất sinh” trong bệnh viện nhưng trời chưa bắt đi nên bà vẫn sống, vẫn minh mẫn nói chuyện cùng cháu con. Những đồng lương trợ cấp mẹ liệt sỹ, bà phát cho con, cất dành dụm thưởng cho các cháu học hành chăm chỉ. Bà còn trông nom, bán hàng tạp hóa cho con cháu có thêm thu nhập. Giờ ốm nằm một chỗ, không thể bán hàng, bà bứt rứt không yên. “Khi ấy, bà về làm dâu ở tuổi 20, giờ bà ấy cũng đã hơn 80 rồi. Về ở với tui, đói khổ thì không nói hết, tủi nhục thì nhiều nhưng tui chưa bao giờ mắng mỏ, nặng lời với bà. Dù đói, dù no hai chị em tui vẫn luôn đùm bọc, sớm tối có nhau”, bà Điu nói rồi nhìn bà Si với ánh mắt trìu mến.
Giờ bà Điu, bà Si sống cùng người con dâu thứ hai và các cháu, chắt. Hai người đàn bà đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ngày ngày, người què vẫn chăm sóc, phụng dưỡng người ốm đau. Con cháu ở gần nên tiện thể thăm nom cho cả hai người. Mỗi khi con cháu, chắt về, ánh mắt trũng sâu của hai người đàn bà phận bạc lại lâng lâng hạnh phúc, căn nhà rộn rã tiếng cười vui.
Duy Ngợi