(Baonghean) - Mỗi khi Tết tới gần, lòng tôi thấy bâng khuâng một cảm xúc khó tả khi nhớ về những phiên chợ Dinh ngày Tết. Những cái Tết đi qua tuổi thơ tôi, cũng như đi vào ký ức sâu đậm của bao người quê lúa, không bao giờ thiếu được kỷ niệm phiên chợ Dinh ngày 29 tháng Chạp.
 
images1454022_cd_toancanh.jpgChợ Dinh họp vào các ngày 9, 19, 29 âm lịch hàng tháng
Chợ Dinh nằm trên địa bàn xã Hoa Thành, từ xưa là trung tâm mua bán của huyện Yên Thành, nên còn gọi là chợ huyện. Người quê lúa có câu “Chợ huyện một tháng ba phiên”, để nói rằng chợ Dinh mỗi tháng họp ba phiên chính vào các ngày mùng 9, 19 và 29 âm lịch. Ngày 29 tháng Chạp là buổi chính phiên cuối cùng trong năm và là phiên chợ Tết lớn nhất trong vùng. Sáng sớm, từ các đường làng ngõ xóm của các làng xã trong huyện đã rục rịch chuẩn bị hàng đi chợ. Không chỉ kẻ bán, người mua, mà hầu hết già trẻ, gái trai đều đi chợ Tết. Vì thế, đi chợ Tết vào phiên chợ Dinh ngày 29 tháng Chạp như là một “thức”, “món” không thể thiếu trong phong vị Tết của người dân quê tôi. Và, như bà tôi thường nói, đã là người quê lúa, nếu ai không đặt chân ra chợ Dinh dịp Tết, ắt hẳn đã để lỡ một phần của mùa xuân.
 
Thuở bé, tôi thường theo chị đi chợ những ngày giáp Tết. Mắt không rời khỏi vô số mặt hàng lạ lẫm và đầy sức hút cả về sắc màu và hình dáng. Nhà bà ngoại tôi ở xóm Đồng Xoang, xã Hoa Thành, cách chợ Dinh gần 2 km. Ông bà có mười một người con, để kiếm đủ cái ăn cho mười ba miệng ăn trong nhà, cuộc đời bà gần như gắn liền với các phiên chợ Dinh. Ngoài mỗi tháng 3 phiên chính, thì các buổi chiều ngày thường bà vẫn đi chợ Dinh dù hoạt động bán mua về chiều hàng ngày rất nhỏ lẻ, eo sèo. Ngày thường, mỗi phiên chợ chiều, bà thong dong với đôi quang gánh bày bán cau trầu và vài thứ quà quê. Nhưng đến dịp Tết, quang gánh của bà ngày nào cũng trĩu nặng. Cữ ngoài 23 âm lịch, hằng ngày bà đã phải dậy từ lúc 4 giờ sáng, mẹ tôi và bà gồng gánh cơ man là hàng đi trong sương mù, giá rét. Gặp buổi “tốt vía”, bán chạy hàng, thì đúng là “ngày làm tháng ăn” (làm một ngày, đủ ăn cả tháng). Nhưng nhiều lúc trời mưa, đường trơn, chỉ một cú trượt chân là gánh hàng Tết hư hỏng hết, coi như năm đó mất Tết. Những câu chuyện mẹ kể phảng phất chút buồn da diết, man mác những mùa xuân nhọc nhằn của đời bà, đời mẹ. Khác hẳn với chị em tôi sau này.
 
Ngày đó, chị thường chở tôi trên chiếc xe máy cũ. Mặc chị lái xe nhích từng tí, chen chúc khi đến gần chợ, tôi ngồi sau tha hồ ngắm hàng Tết, người đi chợ Tết. Gửi xe từ xa, đi bộ chen lấn hàng trăm mét mới vào đến những gian hàng Tết. Tôi như lọt thỏm trong biển người, lọt thỏm trong thế giới của những gian hàng nhiều đến ngút ngàn và người như mắc cửi. Phía ngoài bày bán hoa Tết, vô số những cành đào, quất vươn mình khoe sắc. Ngay cổng chợ là những hàng câu đối, tranh ảnh tươi tắn bày bán la liệt. Cơ man những gian hàng mứt, hàng bánh kẹo, đồ chơi. Rồi hàng quần áo, thực phẩm, lợn, gà, trâu bò. Cả những nông cụ như cuốc, cào, cày bừa, cho đến những vật dụng đánh bắt cá như chài, lưới, nơm, đó... Đâu đâu cũng đông nghịt người, cũng náo nhiệt ồn ào tiếng cười nói, mặc cả, âm sắc thổ ngữ đủ các vùng miền. Tôi rất thích được ngắm các mặt hàng hoa, tranh thêu, tranh vẽ, hàng bánh kẹo với nhiều hình thù và mùi vị lạ lẫm. Nhưng thích nhất vẫn là ngắm nhìn những chú cún con đựng trong những chiếc thúng. Những chú cún lông mượt như cục bông, mắt đen tròn như hòn bi, cứ lấy chân cào vào chiếc thúng như thể đang đói sữa mẹ. 
 
Quê tôi giờ đã có nhiều hàng quán to, hiện đại, hàng hóa ngày càng đa dạng hơn. Không cần đợi đến “phiên chợ Tết” vẫn có thể mua sắm mọi thứ. Nhà tôi cũng vậy, trong nhà giờ không còn thiếu những thứ thiết yếu phải đợi đến Tết mới có. Nhưng với tôi được ngóng phiên chợ Dinh ngày 29 tháng Chạp. Sáng nay, nhận được tin nhắn của chị hẹn về cùng đi chợ huyện, tâm trí tôi lang thang khắp các gian hàng, nhớ đến từng cành đào, cây quất, cả những mùi vị cũng hiện lên thân thuộc vô cùng…
 
Một số hình ảnh chợ Dinh trong ngày giáp Tết:
 
các sản vật của mọi vùng quê như chuối, cam, trầu không...
ông đồ cho chữ
Hàng hoa
Đào rừng, đào vườn cũng được bày bán tại phiên chợ Tết
Hàng tò he
Hàng xén
 
Ngô Việt Anh 
Khoa Luật – ĐH Vinh
TIN LIÊN QUAN