(Baonghean.vn) Nằm bên dòng suối Nhị thuộc xã Hữu Lập (Kỳ Sơn), bao đời nay người dân bản Na có một cuộc sống thanh bình, no đủ. Cùng với đó, bản Na còn được biết đến bởi đây là một trong những bản làng lưu giữ những nét đẹp văn hóa cổ của người dân tộc Thái.
Tại Hội diễn Văn nghệ - Giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ 2 cuối tháng 11 vừa qua, các tiết mục biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật quần chúng (NTQC) huyện Kỳ Sơn được đánh giá là mang đậm bản sắc, gần như không có sự pha trộn những yếu tố hiện đại. Và điều đáng khâm phục là nòng cốt của Đoàn NTQC huyện là đội văn nghệ bản Na. Lúc đó, gặp chúng tôi, chị Lô Thị Mai, một diễn viên của đoàn không dấu được niềm tự hào về quê hương: "Có dịp, mời chú lên thăm bản Na. Người bản Na không chỉ hát hay, múa dẻo mà còn dệt thổ cẩm rất đẹp. Và con gái bản Na cũng xinh xắn lắm".
Vào những ngày cuối năm, có dịp lên Kỳ Sơn, chúng tôi quyết định ghé thăm bản Na. Từ Thị trấn Mường Xén xuôi theo quốc lộ 7 khoảng 5 km, vượt cầu Xốp Nhị rồi theo trục đường nhựa chạy dọc dòng suối Nhị chừng 5 km, bản Na dần hiện ra giữa trập trùng đồi núi. Nhìn thoáng qua, khách dễ dàng nhận ra bởi nơi đây có cuộc sống no đủ hơn so với các bản làng khác của huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn. Điều này thể hiện ở những nếp nhà sàn vững chãi, khang trang và những thửa ruộng màu mỡ nằm hai bên bờ dòng suối Nhị. Có người từng nói một cách ví von dòng suối Nhị là "hồn" của bản Na. Bởi từ bao đời nay nó đã tưới tắm cho ruộng đồng tươi tốt để dân bản không bao giờ bị lâm vào cảnh thiếu cái ăn.
Thiếu nữ bản Na (xã Hữu Lập - Kỳ Sơn) bên khung cửi.
Thêm một điều đặc biệt so với các bản làng miền núi- vùng cao là tất cả các gia đình ở bản Na đều có khung cửi đặt trước hiên. Giờ đang là thời điểm nông nhàn nên chị em phụ nữ tranh thủ ở nhà dệt vải. Tiếng thoi đưa lách cách, tiếng cười nói râm ran khắp mọi nhà. Nghề dệt thổ cẩm ở bản Na có từ rất lâu đời. Trải qua những bước đi thăng trầm, có lúc tưởng chừng như đứng trước nguy cơ thất truyền, nhưng hiện nay đang thực sự hồi sinh và có cơ hội phát triển. Tuy không phải là nguồn thu nhập chính nhưng nghề dệt cũng đem về một nguồn thu đáng kể và góp phần điểm tô cho vẻ đẹp và sự bình yên của bản làng.
Chị Vi Thị Thương cho biết: "Ở đây, con gái lên 10 đã ngồi vào khung cửi để người mẹ dạy cách kéo chỉ, đưa thoi và thêu chân váy. Vì thế, đã là con gái bản Na thì không ai là không biết dệt thổ cẩm". Chị Thương còn khẳng định rằng cô gái nào dệt vải khéo sẽ rất dễ lấy chồng. Bởi đêm đêm, người con gái ngồi bên khung cửi, con trai bản Na và các bản khác tìm đến tâm tình. Cô gái nào khéo tay, dệt vải đẹp, lại ăn nói có duyên sẽ được nhiều người để ý và có cơ hội lấy được một người chồng tốt.
Chúng tôi tìm gặp chị Lô Thị Mai tại nhà xưởng của tổ dệt. Từ mấy năm trước, Chi hội Phụ nữ bản Na đã thành lập tổ dệt do chị Mai làm tổ trưởng. Tổ dệt có nhiệm vụ tập hợp chị em phụ nữ để cùng hỗ trợ nhau trong việc tập trung sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao tay nghề.
Bên cạnh đó, tổ dệt còn có nhiệm vụ dạy và hoàn thiện tay nghề cho chị em trong bản, đặc biệt là các em gái trong độ tuổi mới lớn. Nhà xưởng vốn trước đây là nhà văn hóa bản. Sau khi bản Na được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang, ban cán sự bản quyết định nhượng lại nhà cũ cho tổ dệt của chị em. Từ khi thành lập đến nay, tổ dệt bản Na đã mở được 4 lớp (mỗi lớp 60 học viên) dạy nghề cho chị em trong và ngoài bản. Số chị em là hội viên của tổ thường xuyên có việc làm. Bởi họ có kinh nghiệm và tay nghề vững, hơn nữa sản phẩm của họ đã bắt đầu có thương hiệu. Nhờ sự nhiệt tình và năng động của chị Mai, các hội viên có thêm nguồn thu nhập ổn định, góp phần đáng kể trang trải cuộc sống gia đình. Chị Mai vừa là người điều hành, tìm hiểu và thăm dò thị trường, vừa gom sản phẩm để tìm cách tiêu thụ.
Đều đặn hàng tháng, chị gom sản phẩm đem lên chợ Huồi Tụ, Mường Lống và chợ vùng biên, có khi xuôi xuống tận Tương Dương để tiêu thụ các mặt hàng dệt thổ cẩm giúp các chị em. Chúng tôi có mặt tại xưởng lúc lớp học đang diễn ra sôi nổi. Nhà xưởng nhỏ, chỉ đủ đặt 6 chiếc khung cửi đã cũ kỹ nhưng chị em học viên, trong đó có những em gái chưa đến tuổi 20 vẫn miệt mài với con thoi, đường chỉ và xa kéo sợi cùng các họa tiết hoa văn trên chân váy. Chị Mai chia sẻ: "Nếu được đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng rãi và tìm kiếm được thị trường thật sự ổn định thì nghề dệt thổ cẩm ở bản Na sẽ phát triển mạnh hơn nữa".
Chị em hội viên tổ dệt cho biết, bà con bản Na vẫn còn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, trong đó có phong tục cưới hỏi, lễ tết. Theo phong tục của dân tộc Thái, người con gái trước khi lấy chồng phải chuẩn bị một số sản phẩm thổ cẩm (váy, áo, khăn, gối, nệm...) để làm của hồi môn. Điều này cho biết về sự đảm đang, tháo vát và khéo léo của cô dâu tương lai.
Vì vậy, khi con gái bắt đầu lên 10, các bà mẹ đã đưa lên rừng lấy bông lau về làm nệm, cho ngồi vào khung cửi để truyền nghề, sau này làm dâu khỏi mang tiếng vụng về. Vào các dịp lễ tết, cưới hỏi, không ai bảo ai, chị em bản Na đều mặc trang phục truyền thống. Em Lương Thị Thuyền (19 tuổi), học viên trẻ nhất của tổ dệt vui vẻ trò chuyện: "Mẹ em nói phải có váy áo và khăn piêu mới là con gái Thái. Em đang cố gắng từ nay đến Tết tự tay dệt cho mình bộ váy áo và chiếc khăn piêu để tham dự hội múa xòe". Chúng tôi còn thấy chiếc cặp đựng sách vở của con em bản Na cũng được làm ra từ nguyên liệu thổ cẩm.
Rời bản Na khi sương chiều đã thấm lạnh, các cô gái bản Na tiễn khách bằng một lời mời: "Mùa Xuân này mời anh trở lại để cùng uống rượu cần và dự hội múa xòe, để được lắng nghe câu khắp, câu nhuôn hòa âm cùng dòng suối Nhị. Lúc đó, anh sẽ thấy bản Na đẹp đến mức nào".