(Baonghean.vn) - Khi người dân đang tất bật chuẩn bị cho những chuyến biển đầu năm và sản xuất vụ Xuân thì linh mục Nguyễn Đình Thục - quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu lại kích động giáo dân đi vào huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để khiếu kiện Công ty Formosa đã gây ra sự cố môi trường tại biển Hà Tĩnh trong năm 2016.

» Luật sư nói gì về việc giáo dân bị kích động tụ tập đi khởi kiện?

 » Giáo dân bị kích động tụ tập đi khởi kiện vào ngày Valentine
 

Sáng ngày 14/2/2017, hàng trăm giáo dân đã nghe theo lời rao giảng của linh mục Nguyễn Đình Thục tụ tập tại giáo xứ Song Ngọc, nhưng lại bị đối xử theo kiểu “đem con bỏ chợ”. Ai có phương tiện gì thì dùng phương tiện nấy, ai không có phương tiện thì đi bộ, kéo về phía Quốc lộ 1A để tìm cách đi vào Hà Tĩnh, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

images1825030_2.jpg
Hình ảnh gây mất trật tự an toàn giao thông của một số giáo dân bị kích động kéo nhau đi khởi kiện, diễn ra vào sáng 14/2/2017 trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu - Ảnh: V.H

Trước đó, vào tháng 9/2016, một số giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa; giáo xứ Mành Sơn, xã Tiến Thủy; giáo xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc… vào Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để gửi đơn kiện Công ty Formosa, nhưng Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh đã trả đơn kiện vì đơn và các tài liệu của người dân khởi kiện không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại.

Trong khi đó, hiện nay việc đánh bắt hải sản của các ngư dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp về sự cố môi trường như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã có nhiều khởi sắc.

Là địa phương có vùng biển nằm ngoài vùng bị ô nhiễm do sự cố môi trường do Fomosa gây ra tại Hà Tĩnh, ngư dân Nghệ An đã có những chuyến đi biển thắng lợi từ giữa năm 2016. Ở Quỳnh Lưu, với trên 1.279 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 695 chiếc đánh bắt xa bờ trên 90CV, trong năm 2016 đã đóng mới, mua mới thêm 45 tàu có công suất trên 400CV (đóng mới theo Nghị định 67 là 25 tàu, tàu vỏ thép 4 tàu).

Một mẻ cá đầy ắp khoang thuyền của ngư dân Quỳnh Lưu.

Nhờ đóng mới và nâng cấp tàu thuyền, khai thác có hiệu quả nên sản lượng đánh bắt năm 2016 của toàn huyện đạt 69.383 tấn/ kế hoạch 60.000 tấn, tăng 19,7% so với năm 2015. Trong đó, sản lượng khai thác 59.234 tấn, tăng 18,46% so với năm 2015.

Trong những ngày đầu năm 2017, ngư dân Quỳnh Lưu, Hoàng Mai luôn có những vụ trúng đậm cá cơm, cá trích, cá hố. Ngư dân Nguyễn Văn Hà - chủ tàu mang tên 67/CP tại bến cá Tiến Thủy phấn khởi cho biết: Sau 8 ngày đêm xa khơi, tàu của anh đánh bắt được khoảng 21 tấn cá cơm. Với giá bán 10.000 đồng/kg, tổng thu nhập được 210 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng.

Chủ tịch UBND TX Hoàng Mai - ông Nguyễn Hữu Tuy cho biết: “Ngư dân Hoàng Mai gần như không bị ảnh hưởng trong việc ra khơi bám biển cũng như tiêu thụ sản phẩm. Đó là một tín hiệu đáng mừng đối với ngư dân cũng như thu hút khách du lịch biển Quỳnh”.

Ngư dân Quỳnh Lưu kiểm tra ngư lưới cụ và thuyền máy trước khi ra khơi đầu năm mới.

Đầu Xuân 2017, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức hạ thủy thêm 3 tàu cá công suất lớn đóng theo Nghị định 67 với tổng trị giá trên 30 tỷ đồng.

Với niềm vui khai thác đạt sản lượng cao từ năm 2016 và sự hỗ trợ của các ban, ngành, địa phương là động lực để ngư dân vùng biển ra khơi thắng lợi ngay từ những chuyến biển đầu năm.

Trong khi các cấp chính quyền đang nỗ lực hỗ trợ người dân ra khơi, sản xuất vụ Xuân thì linh mục Nguyễn Đình Thục lại lấy cớ từ một sự việc đang diễn ra ở địa phương khác để xúi bẩy, kích động một số giáo dân nhẹ dạ, cả tin đi khởi kiện một cách vô lý, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Nghệ An là tỉnh có bờ biển trải dài qua 5 huyện, thị gồm: Thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò.

Theo số liệu của Chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nghệ An, toàn tỉnh hiện có hơn 4.000 tàu, thuyền đánh bắt thủy, hải sản với hơn 19.000 lao động trên biển. Trong đó, hơn 1.300 tàu, thuyền công suất trên 90CV đánh bắt xa bờ.

Nhóm phóng viên

TIN LIÊN QUAN