(Baonghean) - Những ngày đầu năm của Xuân Đinh Dậu, thị trường việc làm có nhiều khởi sắc với hàng nghìn vị trí việc làm hấp dẫn. Tuy nhiên, tại phiên giao dịch việc làm vừa diễn ra tại TP Vinh, doanh nghiệp và người lao động vẫn chưa tìm được tiếng nói chung...
Phiên giao dịch việc làm đầu Xuân Đinh Dậu do Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An tổ chức vào ngày 10/2, sát Rằm tháng Giêng nhưng vẫn thu hút nhiều người lao động đến tìm kiếm cơ hội việc làm. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, 2 anh Nguyễn Hữu Tuyền và Ngô Quốc Sỹ, từng là công nhân làm việc ở tỉnh Bình Dương, vẫn lặn lội đi xe hơn 50 cây số từ xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương xuống Vinh để tìm cơ hội.
Tuy vậy, ngồi theo dõi liên tục từ hơn 7h sáng đến gần 9h và mặc dù bảng điện tử liên tục cập nhật các thông tin về việc làm nhưng cả hai vẫn chưa có một cuộc phỏng vấn nào thành công.
Mất gần một buổi sáng, anh Sỹ vẫn chưa tìm được công việc nào phù hợp. “Tôi thực sự băn khoăn với ý định ở lại quê nhà của mình, bởi mức lương ở đây trả quá thấp, chưa đến một nửa so với ở đơn vị cũ. Hơn thế, các công ty đều ở xa, không thuận lợi cho tôi đi lại. Nếu về quê mà tiếp tục ở trọ thì chúng tôi chắc chắn không đủ sống” – anh Sỹ chia sẻ.
Mỗi tháng, sàn giao dịch việc làm Nghệ An tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trực tuyến vào các ngày 10 và 25. Trong đó, phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán thường sôi động nhất bởi ra Giêng là thời điểm nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, thị trường lao động có nhiều biến động bởi nhiều lao động sau kỳ nghỉ Tết có xu hướng muốn thay đổi công việc, đặc biệt là lao động làm ăn xa về quê ăn Tết.
Trong phiên giao dịch đầu Xuân Đinh Dậu vừa qua, qua tổng hợp có 43 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia với khoảng 3.998 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong số này, có 5 công ty đến tuyển dụng trực tiếp. Số còn lại, Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ làm cầu nối. Người lao động ngoài việc đến phỏng vấn trực tiếp còn có thể đăng ký qua sàn giao dịch trực tiếp, hoặc được giới thiệu đến các công ty để liên hệ việc làm.
Tuy vậy, qua theo dõi, dù nhu cầu việc làm khá nhiều, nhưng trên thực tế số giao dịch thành công chỉ chiếm chưa đến 20%. Anh Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Công ty cổ phần nhựa Nam Châu đã trực tiếp đến sàn để tuyển lao động cho biết: “Mình cần lao động thực sự nên muốn qua phỏng vấn để biết được người lao động mong muốn gì về quyền lợi”.
Cũng theo anh, khi chủ sử dụng lao động đã nắm bắt được tư tưởng người lao động thì sau khi tuyển dụng, mọi việc sẽ thuận lợi hơn cho cả hai bên. Trước khi đến với sàn giao dịch, anh Khánh rất tin tưởng sẽ tìm được nhân lực theo đúng yêu cầu. Nhưng trên thực tế, kết quả lại không như kỳ vọng, bởi công ty cần kỹ sư hóa chất thiên về mặt hàng phụ gia nhựa, nhưng các ứng viên dù nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng không có ai được đào tạo chuyên ngành này. Với lao động phổ thông, anh cần những người có tay nghề được đào tạo bởi “máy móc trong công ty chủ yếu là tự động hóa”.
Thế nhưng, lao động đến phỏng vấn phần lớn là lao động phổ thông không qua đào tạo. Còn với anh Nguyễn Huy Thành, Trưởng phòng Kế hoạch – Kinh doanh của Công ty TNHH Châu Tiến (Khu công nghiệp Nam Cấm), việc tuyển dụng lao động phổ thông cũng gặp nhiều khó khăn bởi: Đa phần lao động từ miền Nam về đều yêu cầu phải trả lương từ 7 – 8 triệu đồng/tháng theo như các doanh nghiệp phía Nam. Trong khi đó, mặt bằng chung ở Nghệ An chỉ từ 3 – 4 triệu đồng/tháng.
Đây cũng là thực trạng chung ở sàn giao dịch việc làm ở Nghệ An trong nhiều năm qua, dẫn đến tình trạng nhu cầu tuyển dụng lao động cao, thị trường lao động dồi dào nhưng hiệu quả của sàn giao dịch việc làm chưa hiệu quả như mong muốn.
Chia sẻ về những bất cập này, anh Dương Xuân Phúc – Phụ trách phòng Thông tin thị trường – Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Doanh nghiệp Nghệ An chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên mức lương chi trả cho lao động không cao, không hấp dẫn được người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, có kinh nghiệm.
Riêng với lao động có trình độ, hiện nhu cầu tuyển dụng còn khá ít, chỉ chiếm khoảng 10 – 15%. Một số đơn hàng lớn, muốn tuyển công nhân nhưng chủ yếu là ở các khu công nghiệp ở phía Bắc nên lao động chưa thực sự mặn mà. Nguyện vọng lớn nhất của người lao động là được làm việc tại địa phương, thu nhập ổn định và được chi trả chính sách đầy đủ”.
Một thực tế khác dẫn đến tình trạng cung – cầu chưa gặp nhau là việc rất nhiều lao động vẫn chưa có tác phong công nghiệp, chưa chịu khó, chịu khổ, vẫn còn có tư tưởng lựa chọn công việc đơn giản, nhẹ nhàng, không thích làm ca, thích “nhảy” việc. Ngoài ra, người lao động còn đòi mức lương cao hơn vị trí công việc, tay nghề và cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.
Điều này, cũng dẫn đến những khó khăn cho các nhà tuyển dụng khi họ chưa hiểu hết tay nghề và trình độ của người lao động. Hơn thế, doanh nghiệp khi tìm đến sàn giao dịch việc làm thường mong muốn tuyển dụng được lao động có tay nghề, nhưng đa phần lao động tới sàn giao dịch việc làm đều là lao động phổ thông hoặc cử nhân vừa tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Nhằm mở rộng thị trường lao động, từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An đã mở 3 phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Tương Dương và Con Cuông. Tuy nhiên, số lao động đăng ký việc làm chỉ chưa đến 80 người, dù rằng có không ít vị trí hấp dẫn và doanh nghiệp đã đến trực tiếp tuyển dụng.
Để tạo thuận lợi hơn cho người lao động tìm kiếm việc làm, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Trong năm 2017, trung tâm sẽ đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức nhiều phiên giao dịch lưu động. Bên cạnh đó, sẽ tư vấn trước cho người lao động trước khi phỏng vấn xin việc để định hướng việc làm cho lao động, nhất là sinh viên mới tốt nghiệp. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để thông tin việc làm đến với nhiều đối tượng lao động và lựa chọn những đơn hàng có chất lượng, có uy tín để tăng hiệu quả của các phiên giao dịch việc làm”.
Mỹ Hà