(Baonghean) - Mới đây, Thông tư số 25/2013 quy định về việc thu, đổi tiền không đúng tiêu chuẩn lưu thông của Ngân hàng Nhà nước đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
 
Theo đó, người được đổi tiền hỏng không bị hạn chế số lượng và được đổi tại các cơ quan thu đổi của Ngân hàng Nhà nước và chi nhánh của ngân hàng này tại các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông do nguyên nhân khách quan và bị lỗi kỹ thuật trong quá trình in, đúc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước thì khách hàng được đổi mà không cần bất cứ thủ tục giấy tờ nào cũng như không mất phí. Thông tư được thực hiện từ ngày 20/1/2014.
 
Theo thông tư trên thì tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông là các loại tiền (cotton, polymer), tiền kim loại đang lưu hành nhưng bị rách, hư hỏng, biến dạng không được lưu thông theo quy định hiện hành. Thông tư còn quy định cụ thể như thế nào là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu hành; tiền hỏng do nguyên nhân khách quan (in ấn, đúc, lỗi kỹ thuật); do nguyên nhân chủ quan như người sử dụng làm hoen ố, cắt dán, tẩy xóa hoặc tiền hỏng do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao. Ngân hàng chấp nhận đổi những trường hợp tờ tiền bị rách, hỏng với diện tích còn lại không được dưới 60%; với tờ tiền được can, dán từ hai ba mảnh thì phải có diện tích lớn hơn 90% diện tích tờ tiền cùng loại và đảm bảo nguyên gốc, nguyên bố cục một tờ tiền; đồng thời nhận biết được các ký hiệu an toàn. Đối với tiền polymer bị cháy hoặc biến dạng co nhỏ lại do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao thì diện tích tối thiểu cũng phải từ 30% trở lên và còn giữ nguyên bố cục một tờ tiền.
 
Có thể nói đây là quyết định hợp lòng dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tránh được những thiệt hại trong quá trình sử dụng. Nếu như trước đó, theo một quy định cũng của Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2008 thì phí đổi tiền là 4% tổng giá trị tiền thu, đổi và mức phí tối thiểu là 2.000 đồng thì Thông tư mới quy định rõ người tiêu dùng không phải đóng lệ phí để được đáp ứng nhu cầu đổi tiền hỏng. Còn nhớ, trong vụ cháy chợ Quảng Ngãi xảy hồi tháng 3 năm nay, các tiểu thương cùng với cán bộ ngân hàng phải bóc tách một lượng tiền bị cháy không nhỏ và làm các thủ tục cần thiết để bà con tiểu thương được đổi. Trong đó có một chủ sạp hàng ở chợ này được đổi tới 430 triệu đồng bị cháy sém nhưng phải chịu lệ phí theo quy định lúc đó. Dù số lệ phí chỉ có 4% theo quy định nhưng cũng không phải nhỏ đối với một tiểu thương đang gặp hoạn nạn do cháy nổ gây ra.
 
So với các quy định đổi tiền hỏng trước, Thông tư 25 tạo thuận lợi hơn cho người dân khi bỏ thu lệ phí nhưng cũng không kém phần chặt chẽ, tránh kẻ xấu lợi dụng. Nhiều người cho rằng, đây là một thay đổi mang tính nhân văn của Ngân hàng Nhà nước nếu như ta biết rằng, trong 10 năm gần đây, trên địa bàn cả nước trung bình để xảy ra 7 vụ cháy, nổ lớn nhỏ và hẳn số người có tiền bị cháy hỏng cũng không ít. 
 
Việt Long