(Baonghean) Mới đây, trên một tờ báo điện tử cho hay, một số khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương đang có tình trạng “nói không” với người lao động quê ở Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Còn nhớ, vào hồi tháng 3 năm 2012 này, không ít tờ báo điện tử (chính thống) cùng đăng những nội dung tương tự. Theo các bài báo này thì các khu công nghiệp ở Bình Dương và một vài tỉnh phía Nam, mỗi nơi từ chối một cách, nhưng tựu trung bề ngoài họ viện ra nhiều lý do hợp lý để đuổi khéo; còn bên trong thì họ bảo nhau: nhận dân “trọ trẹ” chỉ “rách việc”. Trước nữa, trong một hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư của tỉnh Nghệ An năm 2011, một vị lãnh đạo tỉnh đã thẳng thắn phân ưu rằng, ông rất buồn và trăn trở khi trong chuyến công tác phía Nam đã chứng kiến tình trạng đó.

Sự “rách việc” mà các doanh nghiệp phía Nam gán cho người lao động quê Thanh - Nghệ - Tĩnh, nhất là dân Nghệ - Tĩnh là “chúa vô kỷ luật”, hay “lôi bè kéo cánh” để lãn công, bỏ việc, gây sự đánh nhau. Từ đó, người lao động quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh bị một số khu công nghiệp phía Nam ngấm ngầm, thậm chí có nơi công khai tẩy chay. Điều đó khiến nhiều lao động xứ Nghệ đi mưu sinh ở quê người lâm vào tình cảnh khó khăn. Không ít người phải quay về quê hương trong ấm ức, buồn tủi.

Biết việc này, ai là người Nghệ - Tĩnh hẳn đều cảm thấy lòng tự hào về quê hương bị tổn thương không nhỏ. Có người phân tích rằng “Nghệ - Tĩnh là một vùng khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sinh sống khó khăn nên tạo cho người Nghệ có tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau; tuy nhiên, nó cũng hình thành tính khí người Nghệ ngang tàng, gàn, sẵn sàng đối chọi với mọi thách thức dù họ làm ăn sinh sống ở đâu.
Người phân tích sâu hơn nữa thì cho rằng, chẳng lẽ, những người xuất thân từ một vùng quê nghèo từng nổi tiếng cần cù, chịu khó, hiếu học, luôn có tình yêu thương đùm bọc nhau lại bị người ta (một số khu công nghiệp nói trên) nhìn nhận vậy? Chẳng lẽ, chỉ vì một ít người mà họ kỳ thị cả một cộng đồng người lao động? Chẳng lẽ họ không nhìn nhận rằng những phản ứng của người lao động cũng có sự góp phần của doanh nghiệp. Ví như mức lương thấp hay cách hành xử yếu kém, thiếu văn hoá của doanh nghiệp chẳng hạn...

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, người xứ Nghệ, nhất là số làm ăn ở xa cũng phải coi lại mình. Tính cộng đồng cao trong mọi hoàn cảnh là một bản tính truyền thống tốt đẹp có tiếng của người Nghệ. Nhưng, lôi bè kéo cánh, không chấp hành nội quy doanh nghiệp, hùa nhau gây sự vô cớ với người nơi khác, bênh vực nhau bất chấp phải trái là điều tối kỵ trong một xã hội công nghiệp. Nhiều người Nghệ - Tĩnh hẳn chưa quên sự kiện một nước Tây Á đã đuổi gần 400 lao động người Nghệ - Tĩnh về nước hồi tháng 5/2010. Lý do, khi số lao động này vừa chân ướt chân ráo sang đã lôi kéo nhau gây sự với dân lao động quê các tỉnh phía Bắc. Đến lạ, đã sang nước ngoài, cách Việt Nam đến hàng vạn cây số rồi mà vẫn cứ “quê choa...” để sinh sự với người nước mình. Hỏi, có nên chăng?


Việt Long