(Baonghean) Mỗi năm tỉnh ta có trên 10.000 lao động đi làm việc ở các nước, nâng tổng số lao động Nghệ An đang làm việc tại nước ngoài lên trên 42.000 người. Nguồn ngoại tệ hàng năm gửi về hơn 120 triệu USD... Tuy nhiên, thời gian gần đây đã diễn ra tình trạng lao động Việt Nam (trong đó có lao động Nghệ An) đã hết thời hạn nhưng vẫn ở lại cư trú bất hợp pháp, làm cho các nước sử dụng lao động Việt Nam hết sức bất bình, nguy cơ “đóng cửa” đối với lao động Việt Nam là rất rõ. Bên cạnh đó, “lao động chui”, lao động bỏ trốn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, hiểm nguy khó lường…

783219_small_83464.jpg

                  Đào tạo nghề may tại Trường Trung cấp Nghề Yên Thành.

Chuyện anh Nguyễn Thanh H (trú tại khối 5, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh) đi xuất khẩu lao động ở Malaysia rất bi đát bởi khi về trắng tay và còn mang theo thương tật trên người. Năm 2004, bán đi chiếc xe ôm hành nghề kiếm cơm hàng ngày, cộng thêm tiền dành dụm của vợ, anh sang Malaysia làm công nhân xây dựng. Điều kiện lao động nặng nhọc mà thu nhập không như tưởng tượng ban đầu, bỏ qua hợp đồng đã ký kết với chủ sử dụng lao động, anh H bỏ trốn về thành phố, làm việc sống chui rủi trong xưởng nhựa nóng bức, chật hẹp. Tai nạn ập đến khi lưỡi cưa bung ra làm đứt gân chân. Chủ lao động thuê người lao động bất hợp pháp đưa anh vào bệnh viện và bỏ mặc. Tiền dành dụm được sau hơn một năm ở đây vừa đủ trang trải tiền viện phí và nộp phạt 3.000 ringgit (762 USD). Anh H bị trục xuất về nước với cái chân cà nhắc mà phải mấy năm sau nhờ tập luyện mới đi lại bình thường.

Trường hợp anh Trương Tư N ở cùng khối lại khác. Năm 2007, N trúng tuyển đi làm việc tại Đài Loan, cụ thể là theo các tàu cá đánh bắt trên biển. Làm thủy thủ nặng nhọc, vất vả đã khiến N nảy sinh ý định nhập cư trái phép vào các nước phát triển hơn. Cơ hội đến khi tàu nhập cảnh vào một cảng của Hàn Quốc để tiếp nhiên liệu, N đã bỏ trốn khỏi tàu. Tiếng Hàn không biết lại chẳng có người quen, chỉ sau một ngày, N đã bị cảnh sát nước bạn bắt và gửi trả về nước. Chi phí bỏ ra để được đi làm việc tại Đài Loan mất hết.

Có thể nói, những lao động “chui”, lao động bỏ trốn thường gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm, thường xuyên bị lực lượng chức năng nước sở tại truy quét xét xử, một khi bị bắt là mất cả vốn lẫn lời… Giới chủ sử dụng lao động “chui” thường thì chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà xem nhẹ, thậm chí vi phạm quyền và lợi ích của người lao động. Vụ cháy xưởng may ở thành phố Egorevsk thuộc ngoại ô Mátxcơva – Nga  xảy ra vào chiều 11/9/2012 làm 14 công nhân Việt Nam tử vong và 1 công nhân bị thương nặng là một dẫn chứng điển hình. Năm 2011, Cục Nhập cư Malaysia đã bắt giữ 46 nghìn 900 người nước ngoài vì tội nhập cư trái phép. Cuối tháng 6/2011, phía Hàn Quốc đã từ chối lao động đến từ 3 tỉnh có số lao động bỏ trốn nhiều nhất (lao động Nghệ An làm việc tại Hàn Quốc bỏ trốn và không bỏ trốn xấp xỉ 3.000 người), đã khiến hơn 20.000 lao động Nghệ An đang chờ xuất ngoại (một số đã làm xong thủ tục visa, mua vé máy bay) phải ngừng lại. Từ tháng 9/2011, Hàn Quốc đã tuyên bố tạm dừng các đợt thi tuyển tiếng Hàn nhằm tiếp nhận lao động Việt Nam sang quốc gia này. Nguyên nhân do số lượng người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại quốc gia này đang ở mức cao nhất trong 15 quốc gia phải tuyển lao động (22.708 người).

Làm thế nào để hạn chế tình trạng lao động “chui” bất hợp pháp, lao động bỏ trốn hiện vẫn đang rất nan giải. Ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng Lao động Việc làm, Sở LĐ TB&XH cho hay: Hiện có những thị trường mà lao động chúng ta đang đi chui – do các đường dây bất hợp pháp đưa sang là các nước Đông Âu, Anh, Ôxtrâylia, Ăngola (hai cơ quan nhà nước chưa có văn bản hợp tác lao động). Thị trường này chứa rất nhiều rủi ro cho người lao động. Đối với những trường hợp này chúng ta chỉ có thể cảnh báo, tuyên truyền cho người dân biết. Có hai dạng bỏ trốn đó là hết hạn hợp đồng không trở về nước và sang đến nơi lại xin chuyển sang công ty khác. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND tỉnh và ngành thực hiện ưu tiên xuất khẩu trở lại đối với các lao động về nước đúng hạn, lao động bỏ trốn tự giác quay về; tạo điều kiện học nghề miễn phí, vay vốn làm ăn; đưa ra quy định các xã, phường thị trấn nếu có 5 lao động bỏ trốn sẽ không được xem xét làm hồ sơ đi xuất khẩu.

Tuy nhiên xem ra những biện pháp này vẫn không đạt hiệu quả, khi các gia đình và lao động bất hợp pháp thiếu hợp tác. Tại Hàn Quốc, bước sang năm 2012 này, số lao động người Việt Nam bỏ trốn vẫn tiếp tục tăng – trong đó có lao động Nghệ An. Việc nguy cơ đánh mất thị trường lao động là rất gần. Thiết nghĩ, nhu cầu nâng cao thu nhập cải thiện kinh tế gia đình của người đi làm việc tại nước ngoài là rất chính đáng nhưng không phải vì thế mà vi phạm pháp luật nước bạn và nước Việt Nam. Mỗi người lao động cần thấy rõ việc đi làm ở nước ngoài không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, mà còn góp phần xây dựng củng cố đoàn kết hai nước, nâng cao uy tín của Việt Nam với nước bạn; cần ý thức rõ chỉ có những công ty chính thức ký hợp đồng của nước bạn mới có độ tin cậy trong việc tôn trọng thỏa ước lao động.


Thiên Sơn