(Baonghean.vn) – Nằm cách thị trấn Anh Sơn hơn 5 km là nhà mẹ Nguyễn Thị Kiều – mẹ liệt sỹ Nguyễn Công Hảo hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên. Hơn 80 tuổi nhưng mẹ còn nhớ như in gương mặt ngày nào của người con trai mình với lời hứa với anh em, bạn bè “Tôi chiến đấu trận này rồi về đi học cũng chưa muộn”.
Chúng tôi về thăm gia đình liệt sỹ Nguyễn Công Hảo (xóm 1, xã Hội Sơn, Anh Sơn) vào một ngày nắng rát. Mẹ liệt sỹ Nguyễn Công Hảo là bà Nguyễn Thị Kiều sống một mình trong căn nhà nhỏ được gia đình bán đàn bò để làm cách đây hơn 6 năm. Thấy chúng tôi đến tìm hiểu về liệt sỹ Hảo, những giọt nước mắt nén lại sau bao năm lại tuôn rơi trên khuôn mặt già nua của mẹ.
Nén nỗi đau, mẹ bảo rằng: “Giờ tui già rồi, từ ngày thằng Hảo hy sinh tôi chẳng nhớ được gì nhiều”. Tuy nói vậy nhưng những hình ảnh về người con của mình cách đây hơn 30 năm vẫn hiện về mồn một trong tâm trí mẹ. Nhớ lại những ngày đó, mẹ kể: Ngày ấy, Nguyễn Công Hảo mới bước vào học lớp 10 rất thông minh sáng dạ. Những bài toán khó bạn bè không làm được lại đến nhờ anh giải hộ. Thầy cô, bạn bè đều hy vọng và mừng cho anh. Không chỉ vậy, với thân hình to khỏe anh luôn sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm láng giềng khi mọi người cần đến. “Tui nhớ nhất là khi mô hắn cũng hát. Đi làm hay đi học về là hát cho cả nhà quên hết mệt nhọc. Cái thằng hay rứa đó” – mẹ Kiều nói thêm.
Vậy mà, đùng một cái, anh Hảo đi bộ đội lên biên giới phía Bắc. Anh trai anh – ông Nguyễn Công Hoàn cho hay, ngày đó chính ông Hoàn là người đi khám nghĩa vụ để tòng quân nhưng do không đủ sức khỏe nên bị loại. Thấy anh trai mình buồn rầu, Hảo bảo: “Tui đi thay cho anh”. Nói là làm, tháng 8/1983 Nguyễn Công Hảo lên đường nhập ngũ.
Bẵng đi một thời gian, đầu năm 1986 Nguyễn Công Hảo trở về. Anh hồ hởi kể với mọi người rằng, anh được đơn vị cho đi báo công khắp 6 tỉnh phía Bắc vì chiến công oanh liệt của mình.
Trận đánh ấy đã ghi danh Nguyễn Công Hảo như 1 anh hùng trên mặt trận Vị Xuyên. Gia đình cho biết, ngay khi đi báo công về xong, anh được cấp trên cho sang Nga du học nhưng anh bảo rằng: “Tôi chiến đấu trận này rồi về đi học cũng chưa muộn”. Và rồi, trong một trận đánh đầu tháng 5/1986 anh bị trúng pháo rơi xuống vách núi, hi sinh khi vừa 22 tuổi.
Ông Lê Cảnh Tá (xóm 2, xã Lạng Sơn, Anh Sơn) là đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Công Hảo kể lại rằng, trước khi hi sinh, liệt sỹ Hảo đã là một anh hùng: Có hôm, tổ của Hảo chiến đấu rất ác liệt để chống lại với số đông quân Trung Quốc đang tràn lên chiếm lại cao điểm của ta.
Hai bên quần nhau 1 ngày 1 đệm liên tục, đồng đội anh đã hy sinh, bị thương hết. Quân cứu viện của ta muốn lên tiếp ứng nhưng vô cùng khó khăn được vì hỏa lực của địch bắn chặn rất rát. Một mình anh vừa bắn B40 vừa dùng súng AK chống lại địch. Đạn hết, anh dùng lưỡi lê đánh giáp lá cà hạ nhiều tên địch. Tử thủ một mình trên cao điểm, tả xung hữu đột anh đã khiến địch hoảng loạn, khiếp đảm. Mãi khi quân tiếp viện của ta lên được tới nơi thì thấy Hảo mặt mày đen nhẻm, loang lổ máu, quần áo cháy tả tơi...
Ôm tấm bằng Tổ quốc ghi công của con trai trong lòng, mẹ Nguyễn Thị Kiều ngậm ngùi: “Nó hy sinh mà không có 1 tấm ảnh để thờ, mọi giấy tờ đều mất hết trong trận chiến đấu năm ấy”. Ánh mắt người mẹ hơn 30 năm mong ngóng đứa con mình ở biên giới phía Bắc đỏ hoe trong nắng chiều. Nhưng chúng tôi hiểu trong ánh mắt ấy vẫn ngời sáng một niềm tự hào vì có một người con anh hùng đã để lại xương thịt mình trên mảnh đất Hà Tuyên.
Đào Thọ