(Baonghean) - Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn Nghệ An có sự thay đổi rõ về diện mạo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tùy điều kiện của mỗi địa phương, việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới còn gặp một số khó khăn nhất định; trong đó, các tiêu chí thuộc lĩnh vực văn hóa đang là một thách thức không nhỏ…
 
“Khó” từ quy hoạch thiết chế văn hoá… 
 
Ông Phạm Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở VHTT và DL Nghệ An khẳng định: “Hai tiêu chí về văn hóa (6 và 16) trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới có liên quan mật thiết với nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Nó vừa giúp gìn giữ giá trị truyền thống, vừa tạo sự xác lập đời sống văn hóa mới, làm tiền đề phát triển nhiều nhân tố khác”. Tuy nhiên, để đạt được 2 tiêu chí trên không phải là điều đơn giản, rất nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong quy hoạch quỹ đất, cũng như kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà văn hóa, nhất là các vùng biển, vùng miền núi. 
images1056472_a5__thi_dau_bong_chuyen___nh__v_n_h_a_th__tr_n__anh_s_n___nh_th_nh_chung.jpgThi đấu bóng chuyền tại nhà văn hóa Thị trấn Anh Sơn. Ảnh: Thành Chung
Đến thăm Nhà Văn hóa thôn Đại Bắc - một trong những nhà văn hóa có diện tích nhỏ nhất trong 7/8 nhà văn hóa ở Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), tổng diện tích chỉ 250m2. Nhìn từ ngoài vào không nghĩ đó lại là một nhà văn hóa - nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân và cũng có thể coi đó là bộ mặt của cả thôn bởi sự xuống cấp, tồi tàn. Bà Đào Thị Nga – Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Nhà Văn hóa thôn được xây dựng từ những năm 1989, nay đã xuống cấp, khuôn viên nhỏ, bàn ghế xộc xệch, mỗi lần tổ chức sinh hoạt, hội họp cho người dân, đều rất bất tiện và ảnh hưởng lớn tới phong trào của thôn. Ví như, Tết đến tổ chức gặp mặt, trao quà, mừng thọ cho các cụ cao tuổi, hay tổ chức văn nghệ cũng khó làm vì diện tích khuôn viên quá nhỏ, hay dịp Hè, Đoàn thanh niên thôn muốn tổ chức sinh hoạt Hè cho các cháu cũng không thực hiện được. Đây quả là vấn đề bức xúc của thôn Đại Bắc. Vì quỹ đất của thôn không có, muốn mở rộng diện tích nhà văn hóa cũng không thể, vì xung quanh toàn nhà dân. Nghị quyết của Chi bộ thôn Đại Bắc đã thống nhất: Trong khi chờ quy hoạch của xã, vào cuối năm 2014 sẽ huy động sự đóng góp của các hộ dân trong thôn (mỗi hộ 1 triệu đồng), ngoài ra sẽ kêu gọi sự ủng hộ của con em xa quê… để sang năm 2015 tiến hành xây dựng lại nhà văn hóa ở khuôn viên cũ. 
 
Xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) có 13 xóm, thì mới có 7 xóm có nhà văn hóa. Bà Lê Thị Vân - cán bộ Văn hóa xã cho rằng: Khó khăn nhất ở Sơn Hải nói riêng và các xã ven biển Quỳnh Lưu nói chung vẫn là quỹ đất. Do không có nhà văn hóa, nên công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, các chính sách, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ và nhiều hoạt động của các đoàn thể ở các xóm cực kỳ khó khăn, không thu hút được nhân dân tích cực tham gia. 
Nhà văn hoá xóm Đại Bắc, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu). Ảnh: T.T
Ở một thực tế khác, thì gần 100% phường, xã đã quy hoạch đất dành cho thiết chế VH - TT, nhưng do gặp khó khăn về kinh phí, nên nhiều nơi vẫn chưa xây dựng được sân vận động hoặc nhà văn hóa. Ngay như ở TP. Vinh, trong tổng số 25 phường, xã, mới chỉ có 18 phường, xã có nhà văn hóa; Hưng Nguyên mới chỉ có 7/23 xã, thị trấn có nhà văn hóa; 17/23 xã có sân vận động, nhưng không có sân nào đảm bảo theo quy định... Ở cấp xã, phường là vậy, còn ở cấp thôn, bản, khối, xóm, việc xây dựng thiết chế VH - TT đồng bộ cũng khó khăn không kém, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Đặc biệt như huyện miền núi cao Quế Phong, mới chỉ có 48/194 thôn, bản có nhà văn hóa, không có thôn, bản nào có sân thể thao. Tương Dương  93/154 thôn, bản có nhà văn hóa, 86 thôn, bản chưa có sân thể thao. Tại Kỳ Sơn, đến đầu năm 2014 vẫn còn 10/21 xã chưa có nhà văn hóa; 17/21 xã chưa có sân vận động; 13/21 xã chưa có hệ thống truyền thanh, 13/21 xã chưa có bưu điện văn hóa… Hiện tại, Kỳ Sơn mới chỉ có 58/193 (30,05%) thôn, bản có nhà văn hóa, trong số đó có 6 nhà văn hóa không đạt đủ 80 chỗ ngồi trở lên, 6 nhà văn hóa không đủ diện tích 300m2. Trong khi đó, nhiều địa phương đã xây dựng được nhà văn hóa, sân vận động lại khó đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ VH - TT&DL quy định (cả sức chứa và diện tích). 
 
…đến “xây” và “giữ” làng văn hóa
 
Trong quá trình tìm hiểu việc thực hiện tiêu chí số 16 về xây dựng làng văn hoá, nhiều địa phương chia sẻ đây là một tiêu chí “mềm”, việc đạt được tiêu chí này không quá khó như tiêu chí số 6, nhưng việc giữ vững được tiêu chí này lại là thách thức lớn. 
 
Đơn cử như xã Thái Sơn, Đô Lương có 12 xóm, nhưng chỉ có 2 xóm (10, 11) được công nhận làng văn hoá. Điều đáng nói là từ năm 1998 đến nay, xã này không có thêm xóm nào được công nhận mới. Ông Nguyễn Quang Hợi - Trưởng Ban Băn hoá xã Thái Sơn thừa nhận, để phấn đấu công nhận làng văn hoá đã khó, nhưng để gìn giữ, phát huy danh hiệu lại càng khó hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết các làng đều vi phạm tiêu chí KHHGĐ, xã Thái Sơn có 12 xóm, thì hiện có 8 xóm có trường hợp sinh con thứ 3. Vì thế mới có chuyện năm nay làng này đạt danh hiệu làng văn hóa, nhưng sang năm lại mất danh hiệu. Còn ở xã Hợp Thành (Yên Thành) là xã có phong trào xây dựng làng văn hoá phát triển khá mạnh, đạt chuẩn quốc gia về thiết chế văn hoá, thể thao đồng bộ. Toàn xã hiện có 5 làng văn hoá/11 làng; mỗi năm đều có thêm làng văn hoá được xây dựng mới. Thế nhưng, hầu hết các làng ở Hợp Thành đã được công nhận danh hiệu văn hoá vẫn vướng ở việc thực hiện tiêu chí về KHHGĐ. Theo kết quả kiểm tra 2 năm xây dựng làng văn hoá của huyện Yên Thành, thì Hợp Thành có 3/5 làng văn hoá có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Có 3 xóm đang phấn đấu xây dựng làng văn hoá là Lý Nhân, Đình Phụng, xóm Chùa, tuy nhiên, các làng này cũng đang gặp khó về vấn đề thực hiện KHHGĐ. Theo bà Nguyễn Thị Diệu – cán bộ VH xã, mặc dù các đơn vị xóm tích cực triển khai các hoạt động phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động; ngoài ra, còn thực hiện nghiêm túc việc khen thưởng các gia đình chấp hành tốt KHHGĐ và xử phạt những hộ không chấp hành tốt. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những cá nhân ý thức chưa cao, gây cản trở trong việc phấn đấu xây dựng làng văn hoá chung của xóm. 
 
Hay như huyện Con Cuông, hiện có 58/127 làng, bản được công nhân danh hiệu văn hoá. Thế nhưng, hàng năm, toàn huyện Con Cuông chỉ công nhận mới thêm được 1, 2 làng, bản văn hoá. Ông Nguyễn Huy Chương – Trưởng phòng Văn hoá huyện Con Cuông cho biết: “Với đặc thù đời sống còn khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao; ý thức của người dân về sinh đẻ có kế hoạch còn hạn chế, mặt khác, vấn đề an ninh trật tự và tệ nạn xã hội ở các bản, làng vùng sâu, vùng xa chính là những rào cản trong phong trào xây dựng và duy trì các làng, bản văn hoá”.  
 
Những cách làm hay 
 
Xã Võ Liệt (Thanh Chương) là một trong những xã điển hình cho việc đầu tư thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao đạt chuẩn, nhất là hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa. Dù ngân sách xã còn hạn hẹp, nhưng xã Võ Liệt vẫn ưu tiên hỗ trợ mỗi nhà văn hóa làm mới 50 triệu đồng. Hiện nay, 16 xóm của xã Võ Liệt đã quy hoạch đảm bảo khuôn viên thiết chế thể thao đồng bộ. Ông Phan Chính Tâm - Chủ tịch UBND xã Võ Liệt cho biết: “Tiến hành xây dựng nông thôn mới, chúng tôi xác định cần phải quy hoạch cụ thể hệ thống thiết chế văn hoá cho các xóm. Hiện cả 16 xóm đã được quy hoạch bài bản, nhà văn hóa, khuôn viên, sân thể thao đảm bảo nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân. Những năm gần đây, Hội đồng nhân dân xã quyết định nâng hỗ trợ nhà văn hóa xóm từ 15 triệu đồng lên 50 triệu đồng; mỗi năm, xã hỗ trợ 3 nhà văn hóa xóm. Ngoài ra, thực hiện xã hội hoá, các xóm tích cực huy động động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công; như xóm Kim Thành, xã hội hóa được 90 triệu đồng, xóm Tân Hà, hơn 100 triệu đồng; xóm Kim Hòa, hơn 70 triệu đồng… 
 
Huyện Nam Đàn là một trong những địa phương đến nay đã “phủ kín” 100% nhà văn hóa xóm. Từ năm 2006, Nam Đàn đã ban hành Đề án xây dựng nhà văn hóa khối, xóm. Theo đó, tạo nguồn hỗ trợ xây mới 250 triệu đồng/nhà văn hóa xã; 75 triệu đồng/nhà văn hóa xóm; hỗ trợ sửa chữa 15 triệu đồng/nhà văn hóa xóm. Trong quá trình quy hoạch xây dựng nhà văn hóa xóm, một số xã ở Nam Đàn đã gặp khó khăn trong việc chuyển đổi đất ở của dân. Ví như xã Nam Lộc, có hai xóm 2 và 3 (xóm giáo) trong quy hoạch nhà văn hóa xóm, nếu theo đúng tiêu chí nông thôn mới sẽ phải mở rộng sang phần đất ở của người dân. Trước thực tế đó, xã đã tổ chức rất nhiều cuộc họp để tuyên truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa, mục đích của xây dựng nông thôn mới, đến ý nghĩa của nhà văn hóa trong tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Và huyện cũng đã kịp thời vào cuộc để “giải khó” cho Nam Lộc; đó là, ngoài hỗ trợ xây dựng nhà văn hoá xóm, còn hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân có đất nằm trong quy hoạch nhà văn hoá, đồng thời, chuyển đổi đất cho dân vào vùng thích hợp. Và cuối năm 2013, xã Nam Lộc đã hoàn thành 2 nhà văn hóa ở 2 xóm giáo, cũng là 2 nhà văn hóa xóm được xây dựng cuối cùng của huyện Nam Đàn. 
 
Trong xây dựng làng văn hóa, có nhiều địa phương đã giữ vững danh hiệu làng văn hóa trên 5 năm liên tục, như các thôn, xóm: Phong Yên, xã Nghi Phong (Nghi Lộc); Trung Cần, xã Nam Trung (Nam Đàn); Phong Hảo, xã Hưng Hòa (TP. Vinh). Đặc biệt, có những nơi giữ vững danh hiệu làng văn hóa trên 10 năm liên tục như: xóm 4, xã Nghi Liên (TP. Vinh); xóm 4B, xã Hưng Đạo; xóm 3, xã Hưng Xá (Hưng Nguyên); xóm Tân Châu xã Diễn Nguyên (Diễn Châu)... Theo kinh nghiệm của Xóm trưởng Hoàng Xuân Cảnh - xóm 4B, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên), một trong những xóm 12 năm liền giữ vững danh hiệu làng văn hoá, thì muốn xây dựng làng, xóm văn hóa vững mạnh, mỗi gia đình phải là những gia đình văn hóa, có đời sống sinh hoạt lành mạnh, vui tươi, đoàn kết, sinh đẻ có kế hoạch, nuôi dạy con ngoan, học giỏi, không vi phạm các tệ nạn xã hội. Và người cán bộ phải là người sâu sát, gần dân, hiểu từng hoàn cảnh gia đình trong xóm, thì mới có những cách thức tuyên truyền hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân. 
 
Gỡ “khó”
 
Để tháo gỡ khó khăn cho các xã trong việc thực hiện các tiêu chí văn hoá xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở tiêu chí số 6, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các huyện, thị xã tiếp tục điều chỉnh lại quy hoạch nông thôn. Có chính sách tăng mức đầu tư cho nhà văn hóa, sân thể thao xã, phường, thị trấn, làng, bản, khối, xóm hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh cho hoạt động văn hóa, thể thao đối với các xã đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở. Các xã miền núi đặc biệt khó khăn chưa xây dựng được nhà văn hóa, sân thể thao, ngân sách tỉnh đầu tư hỗ trợ 80%; các xã miền núi còn lại và các xã thuộc huyện được hưởng cơ chế, chính sách ưu tiên của tỉnh (huyện Nam Đàn, Thị xã Thái Hòa) ngân sách tỉnh hỗ trợ 60%; Các xã đồng bằng, thị trấn, các phường mới thành lập, các xã khó khăn của huyện, thành phố, thị xã, ngân sách tỉnh hỗ trợ 40%; Các phường của thành phố, thị xã nếu buộc phải mua đất để có mặt bằng, ngân sách tỉnh đầu tư hỗ trợ 50% số kinh phí phải trả để giải phóng mặt bằng; Các làng, bản đặc biệt khó khăn chưa xây dựng được nhà văn hóa hoặc sân thể thao với mức 30 triệu đồng/1 làng, bản. Số còn lại ngân sách huyện, xã và huy động từ các nguồn hợp pháp khác (không đầu tư đối với các xã đã được đầu tư từ chương trình theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và Chương trình 135). Thực hiện việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, nguồn lực khác nhau, nhất là từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, thể thao. Huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể và cá nhân, tích cực vận động nhân dân ở cơ sở chủ động, tự giác tham gia đóng góp trí tuệ và vật chất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
 
Thanh Thuỷ – Minh Nguyệt