(Baonghean) - Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 7.000 người nghiện ma túy, trong đó thanh, thiếu niên chiếm 41%; Riêng ngành Giáo dục, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có 1.541 học sinh vi phạm pháp luật. Mặc dù tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên đang ở mức đáng báo động, song công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong thanh, thiếu niên chưa được các cấp, ngành, địa phương chú trọng đúng mức, trong tuyên truyền còn nặng tính hình thức, thiếu hấp dẫn…

Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) là một trong 2 địa phương của tỉnh Nghệ An thực hiện thí điểm đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2011. Trước khi thực hiện đề án, Hưng Lĩnh là một xã nghèo, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của một số người dân còn thấp… Số thanh niên bỏ học, lêu lổng, bị đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào những vụ việc vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Để Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên” đi vào cuộc sống, chính quyền xã đã triển khai nhiều phương pháp thiết thực, sát với điều kiện thực tế của địa phương. Đều đặn 1 tuần 2 lần, những nội dung về Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai,... được truyền tải đến người dân qua hệ thống loa phát thanh. Để tạo sức lan tỏa, xã  còn tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho thanh, thiếu niên trên địa bàn thu hút đông đảo người dân tham gia. Ông Lê Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Hưng Lĩnh cho biết: Quá trình thực hiện đề án, tỷ lệ thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật giảm dần. Nhất là hiện tượng học sinh bỏ học, la cà quán xá, trộm cắp vặt. Những đối tượng vi phạm pháp luật đã nhận thức được hành vi của mình và đang phấn đấu để hòa nhập cộng đồng.
images1056581__nh_2__1_.jpgTiểu phẩm phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội của học sinh Trường THPT Hà Huy Tập.
Cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, ngành Giáo dục trong thời gian qua cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học. Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong trường học”, ngành GĐ&ĐT đã triển khai nhiều nội dung như tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên dạy môn giáo dục công dân, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc thi dưới hình thức sân khấu hóa cho đối tượng học sinh, tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật... Ông Nguyễn Đình Cường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) cho biết: Cùng với các nội dung theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, trường còn chủ động thực hiện các nội dung như tuyên truyền pháp luật trên bảng tin của trường, in ấn tài liệu lồng ghép trong các giờ sinh hoạt và hoạt động ngoài giờ. Vào đầu năm học, trường phối hợp với công an tổ chức quán triệt cho học sinh về Luật Giao thông đường bộ, ma túy, tệ nạn, xã hội và phòng chống cháy nổ... Nhờ đó, tình trạng học sinh nghỉ học, la cà quán xá, đánh nhau đã giảm rõ rệt. Tình trạng học sinh sử dụng xe máy đến trường, sử dụng pháo nổ đã không còn xảy ra...
 
  Tuy nhiên, một con số đáng suy ngẫm là hiện trên địa bàn tỉnh còn có hơn 7.000 người nghiện ma tý, trong đó, đối tượng thanh thiếu niên chiếm 41%. Riêng trong ngành Giáo dục, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 1.541 học sinh vi phạm pháp luật, trong đó vi phạm an toàn giao thông là 1.267 em, trộm cắp tài sản 14 em, cố ý gây thương tích 7 em, gây rối trật tự công cộng 20 em…
 
Bên cạnh những nguyên nhân như: đối tượng thanh thiếu niên là những người chưa hoàn thiện về nhân cách, tâm, sinh lý hiếu động, bồng bột, dễ bị lôi kéo; chương trình học quá tải, áp lực về thành tích từ phía gia đình và nhà trường làm cho các em dễ căng thẳng, chán nản… thì phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật đối với người chưa thành niên chưa phong phú về hình thức, sâu sắc về nội dung và phù hợp với đối tượng nên hiệu quả còn hạn chế. Theo ông Hoàng Hữu Dung - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, việc tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình, kế hoạch đề ra là chưa đồng bộ. Tức là có ngành, đơn vị vẫn chưa chấp hành nghiêm quyết định của UBND tỉnh. Ở một số cấp huyện, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền chưa tương xứng với yêu cầu và thực tế, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật còn chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) mà còn phụ thuộc vào báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. 
 
Trong ngành Giáo dục, việc tuyên truyền trong những năm qua chủ yếu là tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân và xây dựng tủ sách pháp luật. Những hình thức tuyên truyền như sân khấu hóa, nói chuyện, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật... còn rất hạn chế. Trong các buổi giảng dạy của giáo viên, thì nội dung còn khô khan, cứng nhắc trên cơ sở bám sát văn bản pháp quy nên thiếu tính thực tế, thiếu hấp dẫn nên khó lôi cuốn học sinh tham gia. Ông Nguyền Đình Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THPH Hà Huy Tập chia sẻ: Việc triển khai giảng dạy, tuyên truyền pháp luật, nếu không đa dạng hóa hình thức thì rất khó để đi vào nhận thức của học sinh. Tuy nhiên, kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế, các giáo viên chưa thể dành tâm huyết và thời gian để tìm tòi, xây dựng giáo án để các em học sinh tiếp thu đầy đủ. Bên cạnh đó, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm, thu thập tài liệu phù hợp cho đối tượng học sinh. Nhiều khi, nhà trường làm quyết liệt, mạnh mẽ, nhưng phụ huynh học sinh không hợp tác hoặc chưa đồng nhất quan điểm, nên cũng rất khó thực hiện. 
 
Thiết nghĩ, để, công tác giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên thời gian tới đạt hiệu quả cao, các cơ quan, địa phương cần xây dựng nội dung PBGDPL phù hợp với thực tiễn, tâm, sinh lí lứa tuổi. Đối với ngành Tư pháp và GD&ĐT, cần đa dạng hóa, đổi mới hình thức và nội dung PBGDPL. Việc bố trí kinh phí, thời gian, đội ngũ làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên cần được quan tâm hơn và cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, tránh tình trạng làm hình thức, chiếu lệ mà không dựa vào kết quả thực tiễn... Thực hiện tốt công tác PBGDPL sẽ góp phần ngăn chặn và làm giảm những vụ vi phạm pháp luật của đối tượng thanh thiếu niên đang ngày càng diễn biến phức tạp thời gian qua.
 
Bài, ảnh: Nguyên Hưng