(Baonghean) - Ngày 7/4/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND về quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn Nghệ An nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật, trong đó quy định rõ trách nhiệm UBND huyện và xã trong công tác bảo vệ môi trường.

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Diễn Châu là địa phương có sự phát triển khá năng động. Huyện đã thu hút, mở rộng một số dự án, cụm công nghiệp, làng nghề; các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân phát triển phong phú, đa dạng. Song hành với sự phát triển đó, kéo theo mặt trái là những yếu tố tiêu cực với môi trường. Thực tế ở Diễn Châu đã xuất hiện một số điểm ô nhiễm, gây bức xúc trong nhân dân. Đơn cử như tình trạng ô nhiễm từ 3 nhà máy chế biến bột cá và nhiều cơ sở chế biến cá phi lê tại xã Diễn Ngọc; ô nhiễm từ các cơ sở cán thép, nấu nhựa, cơ sở thu mua phế liệu tại CCN Diễn Hồng; ô nhiễm môi trường tại Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu, Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn; tình trạng quá tải rác thải sinh hoạt ở một số bãi rác ở xã Diễn Hồng, Diễn Thành...

images1710017_bna_57faf85070e30.jpgChế biến hải sản tại xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) chưa đảm bảo về môi trường.

Gần đây nhất, Huyện ủy ban hành Đề án số 08-ĐA/HU ngày 9/3/2016 về tăng cường quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Diễn Châu, giai đoạn 2016 - 2020. UBND huyện cũng ra Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 24/8/2016 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Gắn với đó thành lập các đoàn kiểm tra, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại CCN, các xã ven biển... 

Đối với huyện Nghi Lộc, vấn đề được quan tâm nhất là hoạt động của một số nhà máy, cơ sở sản xuất trong Khu kinh tế Đông Nam, KCN Nam Cấm tác động tiêu cực đến môi trường. Với trách nhiệm của mình, huyện đã tăng cường giám sát, kiểm tra tình trạng xả thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất, nhất là khi có phản ánh, kiến nghị của nhân dân, kịp thời thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra và báo cáo, kiến nghị với cấp thẩm quyền xử lý. Đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam trong công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở sai phạm và giám sát việc khắc phục ô nhiễm môi trường của các cơ sở gây ô nhiễm. 

Đóng hộp tại nhà máy Royal Foods Khu công nghiệp Nam Cấm (Khu Kinh tế Đông Nam). Ảnh: Lâm Tùng

Tính trong 4 năm, huyện đã kiểm tra, giám sát tình trạng xả thải của 34 nhà máy, cơ sở sản xuất và kiến nghị xử lý, yêu cầu khắc phục ô nhiễm tại một số cơ sở như: Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy sản xuất giấy Thiên Phú, Nhà máy đông lạnh Hải An, Nhà máy chế biến bột cá Minh Thái Sơn...

Đến thời điểm này, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất trong Khu kinh tế Đông Nam, KCN Nam Cấm, kể cả Khu liên hợp xử lý rác thải ở Nghi Yên đã được kiểm soát. Cùng với đó, huyện cũng có biện pháp chấn chỉnh các cơ sở sản xuất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thuộc thẩm quyền, trong đó quan tâm nhất là các trang trại chăn nuôi, các mỏ đá và các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn huyện. Triển khai dự án điều tra, xử lý tồn đọng thuốc trừ sâu tại các xã Nghi Mỹ, Nghi Xá, Nghi Kiều, Nghi Phương. Đến nay đã xử lý được 60 điểm có tồn dư thuốc BVTV trên địa bàn. 

Tuy nhiên, theo ông Hồ Sỹ Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh: Việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các làng nghề, trang trại do cấp mình thẩm định của chính quyền địa phương hiện nay còn chưa thường xuyên và thiếu quyết liệt trong xử lý. Dẫn đến việc không phát hiện kịp thời một số điểm ô nhiễm phát sinh, mà phải đợi đến khi nhân dân và cử tri kiến nghị, phản ánh mới vào cuộc xử lý.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật; UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND, ngày 7/4/2016 về quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn Nghệ An, trong đó phân định rõ trách nhiệm cụ thể đối với UBND huyện và xã trong công tác bảo vệ môi trường nước, đất, không khí, làng nghề, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại; thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt...

Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu xử lý ô nhiễm môi trường trong bệnh viện.

Quy định cũng phân cấp rõ, cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh; cấp xã chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Bởi vậy, để hạn chế việc phát sinh ô nhiễm môi trường ở từng địa phương, không có giải pháp nào tối ưu hơn giải pháp tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của cấp huyện, cấp xã, nhằm ngăn ngừa ô nhiễm trên địa bàn. Bởi nếu cấp huyện, cấp xã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát thì khó có cơ quan, đơn vị, lực lượng nào có thể giải quyết được hết tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương. 

Tuy nhiên, khó khăn, bất cập lớn nhất hiện nay chính là nguồn nhân lực. Ông Hồ Sỹ Dũng cho rằng: Đội ngũ cán bộ phụ trách môi trường ở cấp huyện hiện nay còn mỏng về số lượng và thiếu đội ngũ chuyên môn chuyên sâu, ảnh hưởng đến công tác tham mưu quản lý nhà nước về môi trường cũng như hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn đúng theo yêu cầu. Đối với cấp xã, cán bộ phụ trách môi trường chủ yếu do cán bộ địa chính kiêm nhiệm. Hiện nay, Bộ Tài nguyên - Môi trường đang trình Chính phủ về cơ chế tăng cường nguồn nhân lực cho cấp xã, phường để đáp ứng việc được quản lý môi trường ngay tại cơ sở. 

Ông Nguyễn Bá Điệp - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Lộc nêu thực tiễn ở Nghi Lộc hiện tại phòng Tài nguyên - Môi trường chỉ có 4 cán bộ, chuyên viên, trong đó chỉ có 1 chuyên viên phụ trách môi trường. Còn ở cấp xã, mặc dù có bố trí cán bộ phụ trách môi trường, tuy nhiên chỉ có 2 người có chuyên môn về quản lý môi trường. Đây cũng chính là thực trạng chung ở các địa phương trong tỉnh.

Từ thực tiễn đặt ra, ông Nguyễn Bá Điệp nêu giải pháp, đó là cần quan tâm bổ sung thêm biên chế phụ trách về môi trường cho cấp huyện và cấp xã, trong đó cấp huyện ít nhất có 3 cán bộ chuyên trách. Bên cạnh đó, một nguồn lực quan trọng, ý nghĩa quyết định đối với công tác bảo vệ môi trường đó là huy động cộng đồng tham gia giám sát và thực hiện bảo vệ môi trường. Quan tâm xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa các phòng, ban cấp huyện trong công tác bảo vệ môi trường; gắn với đó là thành lập các đoàn, tổ thanh tra có tinh thần trách nhiệm và tính cơ động cao, thường xuyên thanh tra, giám sát các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, các khu dân cư nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN