“Sẽ đóng cửa các nhà máy có kết luận gây ảnh hưởng đến môi trường” là cam kết của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trong thông báo mới đây. 

images1710574_gi_m_s_t_l_i_cam_k_t__57fb59c845249.jpgĐến năm 2030, ĐBSCL có 14 nhà máy nhiệt điện. Trong ảnh: Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải tại Trà Vinh đã hoạt động - Ảnh: V.TRƯỜNG

Lời cam kết này được xem như thông điệp có giá trị nhiều năm về môi trường và xã hội sẽ giám sát việc thực hiện. 

Thông điệp này càng có giá trị khi dư luận lo ngại trước thực tế “Nhiệt điện than bao vây đồng bằng”.

Đề cập đến nỗi lo ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã dẫn loạt bài “Nhiệt điện than bao vây đồng bằng” trên Tuổi Trẻ và đề nghị lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty “không đánh đổi môi trường lấy dự án”.

Lời cảnh báo đó là cần thiết. Bởi sau một thời gian khai thác thủy điện, nay nhiều nơi đang gánh chịu hậu quả về môi trường.

Hết thủy điện, chúng ta chuyển sang khai thác nhiệt điện. Và để đảm bảo hiệu quả kinh tế, các nhà máy nhiệt điện này được bố trí gần các khu đô thị, dân cư, vì vậy nếu để xảy ra ô nhiễm, cái giá phải trả còn lớn hơn, nguy hiểm hơn rất nhiều.

Và còn rất nhiều nhà máy trong các lĩnh vực khác đang đầu độc môi trường, uy hiếp môi trường sống của cộng đồng đã được công luận phản ánh, người dân kêu cứu.

Và trong bối cảnh đó, không chỉ cam kết, trong thông cáo của Bộ Công thương cũng có danh sách nhiều nhà máy được khẳng định “có vấn đề” về môi trường, như Nhà máy Nhôm Lâm Đồng tự ý thay đổi các hạng mục bảo vệ môi trường, chưa được chấp thuận đã tự triển khai; hay Tập đoàn Dệt may có khu xử lý nước thải dệt nhuộm song không hoạt động mà xả thẳng ra môi trường...

Tuy nhiên, những cam kết của bộ trưởng, của các tập đoàn, doanh nghiệp cũng mới chỉ là lời nói.

Do vậy, việc biến cam kết thành hành động, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, kể cả phải đưa ra những quyết định đóng cửa các cơ sở có kết luận là gây ô nhiễm mới thuyết phục được người dân.

Trước mắt, có thể bắt đầu từ danh sách những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm mà Bộ Công thương đã điểm mặt.

Với cam kết của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy dự án” cần được nâng cấp, đó là “không đánh đổi môi trường để giữ nhà máy”.

Chỉ có quyết liệt như thế mới cứu được môi trường sống của cộng đồng. Dù biết rằng việc đóng cửa nhà máy còn khó khăn nhiều lần hơn so với từ chối một dự án có nguy cơ ô nhiễm khi nó còn trên giấy.

Vì vậy, mong rằng khi bộ trưởng đã cam kết, hãy tìm mọi cách để thực hiện lời cam kết của mình. Biết rằng trong cuộc sống luôn phải có lòng tin, nhưng với vấn đề môi trường nói chưa đủ, phải làm mới tin.

Xã hội ghi nhớ lời cam kết của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đã bắt đầu giám sát việc thực hiện lời cam kết.

Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN