(Baonghean) - Lâu lắm tôi mới có dịp trở lại làng Ngọc Minh (Diễn Ngọc, Diễn Châu). Ngôi làng nhỏ ven lạch Vạn ngày giữa Đông không gian im ắng, đội tàu đánh bắt của ngư dân nằm gác mái im lìm dọc theo con lạch dài hơn 1km. Đối diện với không gian ấy, phía ngoài lạch những đội tàu nghề giã của ngư dân các vùng lân cận tấp nập trở về sau những ngày đánh bắt ở vùng ngoài khơi. 
 
Gặp anh Nguyễn Văn Giáp cùng các thành viên của tổ nghề ngồi vá, xăm lưới trên con tàu T90031 công suất 380 CV. Việc xăm lưới diễn ra hàng năm, kéo dài non cả tháng trời để tu sửa lại vàng lưới trước mỗi khi vụ cá mới. Gần tháng nay các thuyền viên tập trung xăm lưới nhưng công việc này còn phải kéo dài gần 1 tuần lễ nữa mới hoàn thành. 

Tôi đem thắc mắc hỏi anh Giáp, tàu thuyền nườm nượp ra vào bến thế kia, sao đội tàu của Ngọc Minh vẫn nằm bờ? Anh Giáp buông tay xăm lưới, hướng mắt ra lạch Vạn, nơi có mấy con tàu nghề giã đang xé bọt nước chuẩn bị cập cảng cá Diễn Ngọc. “Vậy là anh chưa hiểu nghề lưới vây của ngư dân làng này rồi” - anh Giáp giải thích rằng, nghề lưới vây của làng có cách đánh bắt khác hẳn so với nghề cào giã. Với đặc thù đánh bắt cá nổi nên phải trông chờ trời yên biển lặng thì mới có cá mà đánh, chỉ cần biển động là cá xuống đáy hết. 

Anh Bắc - bạn thuyền ngồi khâu lưới cạnh đó, xen vào: “Anh thấy đó, trời biển động như thế này, nghề giã vẫn ra khơi đánh bắt hàng ngày, còn đội tàu vây của làng chúng tôi thì chịu chết. Cả tháng vừa rồi, chúng tôi chỉ ra khơi được 2 ngày, cả hai chuyến đều chỉ đủ tiền dầu. Thời gian còn lại nằm bờ”.

 
images1768600_1a.jpgNgư dân làng Ngọc Minh (xã Diễn Ngọc, Diễn Châu) xăm lưới vào những ngày biển động.
 
 
Vùng biển Diễn Châu có đội tàu khá lớn nhưng đa phần ngư dân ở các xã ven biển ở đây đều hành nghề cào giã để sinh sống, chỉ riêng làng Ngọc Minh bám biển bằng nghề lưới vây. Nghề đánh lưới vây ở Ngọc Minh có từ lâu đời, ngư dân ở đây cho rằng, lịch sử ra đời của nghề vây hẳn có cùng thời điểm với nghề cào giã. Gần 200 hộ dân ở làng Ngọc Minh đều sống bằng nghề biển với đội tàu, thuyền trên 70 chiếc, trong đó đội tàu vây có trên 30 chiếc.
 
Với đặc thù là dùng lưới vây đánh cá nổi, ngư dân phải đánh bắt ở vùng khơi, thăm dò khu vực nào có cá nổi thì vây lưới đánh bắt. Khác với nghề cào giã thường dùng thuyền đôi kéo lưới đánh bắt chủ yếu các loại cá đáy, nên họ đánh ở vùng lộng là chủ yếu. 
 
Anh Phạm Văn Toàn - chủ tàu lưới vây công suất 320 CV đang dùng chiếc máy khâu xăm lưới bằng những động tác thuần thục, dí dỏm cười: “Anh em ngư dân chúng tôi ngoài khả năng đối đầu với sóng gió trên biển còn là những tay thợ máy điêu luyện đấy!”. Và cánh đàn ông bây giờ còn làm cả công việc vá lưới vốn trước  đây chỉ dành cho phụ nữ làng ngư. Dọc con đê ven làng từng tốp đàn ông ngồi vá lưới, không khí thật náo nhiệt…
 
Anh Toàn cho biết thêm, nghề lưới vây tính ra mỗi năm chỉ đánh bắt được 4 tháng chính từ ra Giêng đến tháng 5. Khoảng tháng 6 việc đánh bắt thường xuyên gián đoạn do biến đổi liên tục của thời tiết. Chỉ cần có áp thấp, bão hay gió mùa về là tàu lại neo bờ.
 
Trong khi các chủ thuyền tất bật với công việc xăm lưới, đặt hy vọng vào vụ cá tiếp theo thì các bạn thuyền phải tìm công việc khác để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình. Anh Nguyễn Văn Trọng - bạn thuyền của anh Toàn, cho biết, vào mùa này anh thường lên bờ phụ hồ, có người thì tranh thủ vào Nam làm cà phê nhưng đa phần là đi làm thuê cho các thuyền giã, khi sóng yên biển lặng lại quay về đi vây. Mỗi ngày đi cào giã thuê, mỗi ngư dân được trả từ 150.000 - 200.000 đồng, tằn tiện phụ vào chi phí sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình.
 
Thu nhập từ nghề đi biển bấp bênh vào mùa biển động, chị em phụ nữ ở đây cũng phải thật chịu khó bươn chải mưu sinh, lo cái ăn cho cả gia đình. Đa phần các bà, các chị buôn cá đi chợ lẻ bán kiếm lời mua gạo. “Như vợ tôi cũng lăn lộn buôn cá lên tận huyện Yên Thành, mình phải chịu khó đi xa để kiếm thêm chút tiền lời chứ quanh quẩn ở vùng này khó làm ăn lắm” - anh Bắc kể. Gần quá trưa, chị Vũ Thị Thúy đi chợ vừa về tới lạch, ghé vào thuyền nhắc chồng chừng 20 phút nữa nhớ về ăn cơm cho đúng giờ. Trong vài phút ngắn ngủi, chị Thúy cho biết đi chợ xa khá vất vả, phải thức dậy từ 3 giờ sáng, đến qua chợ đêm tìm được nguồn hàng tươi ngon, mờ sáng trời còn rét mướt đã dắt xe ra khỏi nhà cho kịp phiên chợ. Đối tượng khách hàng chị nhắm đến là đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức để dễ bán... 
 
Thuyền của anh Toàn nằm bờ trọn vẹn một tháng, công việc xăm lưới kéo dài cả tháng trời nay, nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Anh Toàn cho biết sau vài năm đánh bắt lưới vây đã xuống cấp nên việc trùng tu phải thực hiện thường xuyên để đảm bảo cho việc đánh bắt. Vào vụ đánh bắt chính, con tàu công suất 320 CV của anh mỗi ngày ra khơi nếu trúng đậm cũng lãi 10 triệu đồng, còn mùa Đông thường đánh bắt được ít hơn. Gặp những ngày không có cá thì tàu về không là chuyện bình thường.
 
“Không biết có phải do biến đổi khí hậu hay không, chứ vụ đông năm nay cá nổi ít hẳn, đã đến mùa cá trỏng, cá lẹp, nhưng đến thời điểm này chúng xuất hiện rất ít, có hôm biển lặng mà đội tàu của Ngọc Minh vẫn nằm bờ. Ngư dân nôn nóng muốn ra khơi lắm nhưng đi không hiệu quả nên lại gác bờ” - anh Toàn cho biết sự biến đổi bất thường của khí hậu cùng nguồn lợi hải sản ngày càng khan hiếm là nỗi lo thường trực của ngư dân. 
 
Mặc dù đánh bắt vùng khơi trên dưới 100 hải lý nhưng đội tàu lưới vây của làng Ngọc Minh vẫn còn thua xa về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị so với đội tàu giã trên địa bàn xã cũng như các xã lân cận. Ngay như ở xóm Yên Quang nằm sát làng  Ngọc Minh, nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để nâng cấp tàu thuyền phục vụ nghề. Ngư dân làng nghề lưới vây ở làng Ngọc Minh vẫn khao khát bám nghề truyền thống của cha ông, mong muốn đầu tư nâng cấp tàu thuyền nhưng ngặt nỗi, không có vốn đầu tư nên đành “lực bất tòng tâm”. Với mức thu nhập 100 - 200 triệu đồng/năm của ngư dân ở đây, việc đầu tư tiền tỷ để nâng cấp máy móc, lưới là không đơn giản. Một bộ lưới mới ngót nghét 300 triệu đồng chưa kể khoản chi phí nâng cấp máy lên công suất 450 CV phải có tiền tỷ mới làm được.
 
Thế nên niềm mong mỏi lớn nhất của ngư dân làng Ngọc Minh là được Nhà nước quan tâm đầu tư để nâng cấp thuyền máy, nâng cao hiệu quả đánh bắt, từ đó tạo đột phá trong phát triển kinh tế ở vùng đất ven lạch Vạn này.
 
Thùy Dương