(Baonghean.vn) -Câu hỏi 6. Mối quan hệ giữa Luật Biển quốc tế và Luật Biển Việt Nam? 
 
Trả lời: Luật Biển Việt Nam được ban hành là sự kiện pháp lý rất cần thiết và quan trọng của quy trình xây dựng luật pháp của Nhà nước Việt Nam trong mối liên quan với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
 
Có 3 lý do để lý giải về sự kiện này, đồng thời cũng cho thấy mối quan hệ giữa Luật Biển Việt Nam và luật biển quốc tế:
 
[l]. Sau khi ký Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, năm 1994, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn và đã chính thức trở thành thành viên của Công ước. Việc nhanh chóng nội luật hóa, biến các quy định của Công ước thành quy định của nội luật là yêu cầu tất yếu, bất kỳ quốc gia nào cũng phải có nghĩa vụ thực hiện. Tất nhiên, mọi quy định của Luật Biển Việt Nam không được trái với những quy định của luật biển quốc tế mà chỉ được phép cụ thế hóa các chế định, quy định của luật biển quốc tế.
 
[2]. Trước khi Hội nghị Luật Biển của LHQ lần thứ ba thông qua Công ước, để đáp ứng nhu cầu của công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động trên biển, Việt Nam đã có những văn bản quy phạm pháp luật về biển, nhưng chưa đầy đủ, toàn diện, chưa thích hợp để xử lý mối quan hệ ngày càng phát triển, các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên biển, đặc biệt trong tình hình tranh chấp phức tạp thì các văn bản đó chưa đáp ứng được. Do vậy không thể không có Luật Biển quốc gia để đáp ứng tất cả đòi hỏi đó và hơn nữa, điều đó cũng thể hiện trách nhiệm và tính nghiêm túc của Việt Nam với tư cách là thành viên chính thức của Công ước.
 
[3]. Xu hướng thế giới hiện nay là hướng ra biển và đại dương. Trên thực tế, việc khai thác nguồn lợi đại dương, từ giao thông hàng hải, tài nguyên sinh vật và không sinh vật, khai thác dầu khí càng ngày càng phát triển, đưa đến lợi ích rất lớn với quốc gia, đặc biệt là đối với Việt Nam, một quốc gia ven biển có bờ biển dài, vùng biển rộng. Sự nghiệp phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trong tình hình hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải vươn ra biển để khai thác và bảo vệ, quản lý biển là đòi hỏi tất yếu. Nếu không kịp thời có luật điều chỉnh ngay những hoạt động đó phù hợp luật pháp quốc tế, phù hợp quan hệ chính trị ngoại giao trong khu vực và các nước thì dễ dẫn tới xung đột, mà nguy cơ xung đột không chỉ ảnh hưởng tới khu vực và thế giới, mà chính là lợi ích của đất nước và người dân.
 
Còn nữa