Hôm nay, sau khi kết thúc 150 phút làm bài thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh và giáo viên vẫn cố nán lại Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) để thảo luận đề.
Với cấu trúc hai phần đọc hiểu và làm văn, đa phần các thí sinh nói rằng, phần đọc hiểu phân tích bài thơ “Mẹ ốm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa là “không khó” và nằm trong khả năng của những thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh.Chủ đề về tình mẫu tử cũng rất gần gũi, thân thiết và luôn gợi được cảm xúc cho người viết.
Tuy nhiên, sang phần làm văn, có nhiều ý kiến khác nhau. Điều này cũng dễ hiểu bởi đề được ra theo hướng mở, nhằm mục đích khơi gợi được cảm xúc và thể hiện được thái độ, quan điểm của người viết.
Nói về đề thi này, cô giáo Nguyễn Thị Hảo - giáo viên bồi dưỡng đội tuyển Trường THCS Trà Lân (Con Cuông) cho biết: "Đội tuyển của Trường Trà Lân có 3 em đi thi đều làm bài khá tốt và hào hứng với đề thi này. Bản thân chúng tôi thì không bất ngờ với đề vì cấu trúc khá giống các năm trước.
Tôi cũng thấy rằng, mặc dù 50% ngữ liệu của đề lấy ngoài sách giáo khoa nhưng đề cập đến những vấn đề thiết thực và ý nghĩa nên học sinh có thể cảm nhận và viết tốt. Trong quá trình ôn tập, các dạng đề tương tự, chúng tôi cũng đã làm nhiều nên khá tin tưởng vào các em, thậm chí ngay cả khi câu chuyện ngụ ngôn “Xén lá” các em chưa từng được học và bài thơ “Mẹ ốm” các em học từ cấp tiểu học.
Nói về đề thi, thí sinh Anh Thư (huyện Đô Lương) cho rằng: "Lúc đầu đọc bài "Xén lá", viết về câu chuyện một anh nhà giàu trồng được cây hoa mẫu đơn và mọi người đều khen đẹp. Nhưng, khi anh xén hết lá chỉ còn bông hoa thì ai cũng lắc đầu, em khá khó hiểu. Nhưng chỉ sau ba lần đọc thì “tư tưởng” của câu chuyện đã khá rõ. Cá nhân em thì viết theo cách hiểu của riêng mình, đó là một câu chuyện về thẩm mỹ, về cái đẹp trong cuộc sống."
Năm nay, mặc dù kỳ thi được chia thành hai bảng A, B dành cho hai đối tượng khác nhau nhưng 80% các câu hỏi trong đề đều giống nhau. Riêng câu hỏi cuối phần nghị luận văn học có sự khác biệt.
Cụ thể, nếu như ở bảng A, đề cho học sinh chọn một tác phẩm văn học bất kỳ để phân tích vấn đề “văn học còn có nhiệm vụ buộc người đọc nhìn chăm chú hơn, nghiêm khắc hơn vào bản thân mình” thì ở bảng B học sinh được phân tích bài thơ Đồng chí của tác giả Chính Hữu để nói lên hiệu quả tác động của văn học.
Về sự khác biệt trên, cô giáo Nguyễn Thị Hảo nói thêm rằng: Với câu hỏi này, học sinh ở bảng A nếu có hiểu biết, có kỹ năng tổng hợp thì làm tốt hơn. Ngược lại với bảng B, các em lại được gói gọn vấn đề và trong phân tích dễ làm tập trung vào chủ đề chính.
Nhận định về đề thi này, cô giáo Nguyễn Thị Thuận - giáo viên Trường THPT Lê Viết Thuật, nhận xét: Đây là một đề thi rất hay, có chất văn, có độ khó nhưng không đánh đố học sinh. Đề sẽ khiến học sinh bộc lộ những phẩm chất, năng lực văn chương của mình. Đồng thời, đề cũng có tính chất gợi mở, để học sinh liên hệ đến bản thân, cho các em thể hiện quan niệm của mình về những giá trị đạo đức, lối sống trong xã hội.
Cô giáo Nguyễn Thị Thuận cũng phân tích thêm câu hỏi trong phần Nghị luận xã hội xung quanh câu chuyện ngụ ngôn Xén lá: "Câu chuyện nói về quan hệ giữa hoa và lá để từ đó con người liên hệ đến những vấn đề nhân sinh như giữa cá nhân với cộng đồng, cách nhìn nhận đánh giá vạn vật cũng như cái đẹp trong cuộc sống.
Thực tế, vạn vật cũng như cái đẹp trong cuộc sống chỉ thực sự viên mãn khi có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố. Theo tôi, để làm tốt đề này, cần cái nhìn đa chiều về cuộc sống chứ không nên nhìn nhận một cách phiến diện và việc thành công phụ thuộc rất nhiều vào vốn sống và sức viết của học sinh."