(Baonghean) - “Bến bờ nào cũng dội sóng sông Dinh/ Xa ngái nào cũng mơ về rú Gám”. Tôi chắc rằng, nhiều người dân huyện lúa Yên Thành thuộc câu thơ ấy. Nhiều người trong số họ không biết những dòng thơ ấy là của ai, họ mặc nhiên dùng nó để nói hộ lòng mình. Cũng như họ từng hát: “Bao giờ rú Gám hết cây/ Sông Dinh hết nước, đó đây hết tình” vậy. Chỉ cần đọc nó lên, chỉ cần hát lời ấy là họ đã gặp quê hương trĩu nặng yêu thương, là họ đã gặp nhau chung nỗi tự hào...
 
images1148929_22.jpgNúi Gám (Yên Thành).
 
Núi và sông. Cái mảnh đất khéo hữu tình đến thế! Bên cạnh vẻ uy nghi, mạnh mẽ vươn cao của núi Gám, có nét hiền hậu, cong mềm sông Dinh. Tôi không phải người con huyện lúa, nhưng tự bao giờ đã sâu nặng với đất, với người nơi đây. Trong nỗi nhớ có lúc chừng như không rõ căn nguyên, tôi gặp một tôi của ấu thơ, giật mình trước màu xanh cánh đồng, tiếng mái chèo khỏa nước, tiếng chim kêu trong núi và cả rừng cây xạc xào... Hẳn rằng, nó cũng từng giống với giấc mơ của những người Yên Thành xa xứ?
 
Và tôi, đã bao lần qua, ngần ấy lần vẫn bần thần cái tên: Kẻ Gám? Phải vì có kẻ Gám, mới có rú Gám, đền Gám, chùa Gám? Để rồi, một chiều sân chùa im nắng, tôi đã được nghe sư thầy kể rằng: Trên núi Gám xưa, có loại quả gắm, đã giúp người dân vùng này qua mấy mùa đói kém. Nặng lòng biết ơn thứ quả đã cứu mình qua những cơn lận đận, người dân đã đặt tên làng mình là làng Gắm (sau gọi chệch đi là Gám). Tôi đã nhớ mãi câu chuyện mà đúng hơn là mối ân tình của người và đất, để mỗi lần về lại tìm đến Kẻ Gám xưa.
 
Đứng dưới chân ngọn núi mà người ta nói là “nơi hội tụ linh khí”, nhìn mây trên đỉnh Gám mà thử đoán định những đổi thay của đất, của trời như cách người dân nơi đây bao đời vẫn nhìn lên với niềm tin không cần lý giải. Trăm năm, vạn năm, núi vẫn dáng vẻ ấy, thâm trầm u tịch, ẩn trong mình bao dâu bể, kiếp đời. Nhà thơ, nhà giáo Huy Huyền- một con người mà tôi luôn kính trọng đã từng tâm sự: “Với tôi và bất cứ người dân quê nào, thì rú Gám không chỉ là một danh sơn, một biểu tượng đẹp đẽ mà nó còn là cả một trời ký ức, gói ghém cả ấu thơ của chúng tôi. Cả tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ. Lớn lên chúng tôi vào bộ đội. Khi tan giặc trở về, đến chặng Yên Lý là đã nhìn thấy rú quê. Nhìn thấy rú Gám, nghĩa là ta đã về đến quê, về đến nhà mình vậy”. 
 
Thỉnh chuông tại chùa Gám. Ảnh: P.V
 
Có điều gì như giục bước chân ta, trên từng bậc đá núi? Phải vì câu chuyện tình yêu đang được lưu giữ nơi đền Bạch Thạch, ngôi đền nhỏ nằm lưu chừng rú Gám? Chuyện rằng có đôi trai gái vượt qua mọi cản ngăn để yêu nhau. Họ đã hẹn nhau trong khu rừng trên núi, đã nắm tay nhau mà đi mãi không về, để một ngày kia người làng đi tìm họ chỉ bắt gặp một đôi rắn quấn quýt không rời. Cũng từ đó, đá núi rêu xanh bỗng đổi sang sắc trắng. Mẹ cô gái, nhớ thương con mặc áo tang trắng đi tìm con rồi cũng không về. Người cha ân hận và tiếc thương vợ, con đã xây nên 2 ngôi đền thờ vợ và con ở hai bên sườn Bắc và Nam núi Gám là đền Bạch Thạch (đá trắng) và Bạch Y (áo trắng). Trong rất nhiều truyền thuyết về ngôi đền thiêng lưng núi, câu chuyện tình yêu này được nhiều người thuộc hơn cả, tin hơn cả. 
 
Những tháng ngày này, chộn rộn về lại sân đền- chùa Gám. Hoa gạo đã rụng đỏ một lối vào. Hoa bay trong mưa, hoa bay trong nắng, đậu trên sân gạch rồi về lại trên bàn tay sư thầy đang mải miết nhặt và xếp chúng vòng quanh những chậu cây trước sân. Vẻ thanh tĩnh, cổ xưa khiến lòng người thảnh thơi đến lạ. Sư thầy sẽ dừng tay, đón khách bằng câu chuyện về đền và chùa (đây là cụm di tích duy nhất trên địa bàn tỉnh vì di tích gồm cả đền và chùa). Ngày xưa, xưa lắm, nơi này chỉ có một ngôi miếu và thảo am nhỏ nhắn, làm bằng gỗ, lợp gianh.
 
Qua nhiều lần tôn tạo, di tích ngày càng quy mô hơn. Đền và chùa được chia làm 2 khu vực khác nhau với 2 cổng vào có hình dáng khác nhau. Cổng vào đền là 4 cột nanh được làm đăng đối, cổng vào chùa được làm theo kiểu tam quan vòm cuốn. Trước đây, đền Gám là công trình kiến trúc bề thế. Sau vì chiến tranh, bão lũ rồi qua những biến thiên thời cuộc, đền đã có nhiều đổi thay. Đây là nơi đặt long ngai, bài vị và hiệu bụt của các vị thần được thờ tại đền là Cao Sơn - Cao Các, Uy minh vương Lý Nhật Quang, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn , Tứ vị thánh nương và Lý Thiên Cương. Còn chùa Gám, hay còn gọi Chí Linh tự được xây nên để thờ Phật Thich Ca Mâu Ni, Quan Thế Âm, Tam thế Phật. Chùa có lối kiến trúc, điêu khắc, hoa văn và hoạ tiết theo tông phái Trúc Lâm...
 
Theo gót sư thầy, yên lặng lắng nghe, để thấy mỗi cái cây trong sân chùa đều ẩn chứa những câu chuyện hoà quyện giữa đạo với đời, mỗi nét chạm khắc trên vì kèo là một lời răn dạy. Có những tấm vì kèo đã được tìm lại dưới lòng đất từ hàng chục, hàng trăm năm. Thời gian đã bào mòn đi những vết chạm khắc, nhưng thời gian cũng đã khắc thêm vào một nốt trầm quá khứ. Nhắc rằng, người dân Kẻ Gám sẽ mãi không quên dấu ấn tâm linh một nét văn hoá Việt Nam đã chọn đất này mà khai sinh, mà bung nở... Và cũng tại nơi này, những sự kiện trọng đại trong làng xã đã diễn ra; nơi tập trung nhân dân trong vùng tham gia biểu tình đấu tranh đòi giảm sưu thuế, trả lại ruộng cho dân cày; nơi tổ chức hội họp của chi bộ Quan Hoá từ sau khi thành lập năm 1947, nơi làm trạm giao liên, trung chuyển sức người, sức của phục vụ chiến trường miền Nam... 
 
Dưới chân núi Gám. Ảnh: Hồ Các
 
Hiện Đại Đức Thích Trúc Thông Kiên, là đệ tử của Hoà thượng Thích Thanh Từ, người đã khôi phục Thiền phái Trúc Lâm đương đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, được Ban Quản Trị Thiền phái Trúc Lâm cử ra làm Phật sự theo lời thỉnh cầu của nhân dân Phật tử huyên Yên Thành. Tại chùa, khuôn viên đã được mở rộng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tu học của Phật tử. Tại đây mở những khóa tu định kỳ hàng tháng, rồi khoá tu mùa hè dành cho hàng ngàn thanh, thiếu niên trong huyện mỗi kỳ về tu học. Có cả võ đường để huấn luyện sức khỏe, võ đức cho thanh, thiếu niên trong vùng. 
 
Và chỉ ít hôm nữa thôi, nơi sân đền- chùa im ắng ngỡ chừng nghe thấy tiếng lá trôi vừa rụng, sẽ ồn ào náo nhiệt mà không kém phần thành kính, nghiêm trang trong không khí lễ hội. Lễ hội đền - chùa Gám, lễ đặt đá Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành, khởi công hạng mục tượng Đại Phật An Quốc. Tôi đã hình dung, trong dòng người cuồn cuộn ấy, sẽ phấp phới lá cờ Tổ quốc bên cờ Phật, sẽ rước tượng thần Cao Sơn, Cao Các, Đức Phật, Tứ vị thánh nương... bên ảnh Bác Hồ. Đó là lễ rước những người muôn đời sống trong lòng dân, được dân yêu tin, sùng bái. Nơi sân đền, sân chùa này, ngựa thần được rước về từ núi Gám. Những nghệ nhân tuồng Kẻ Gám, những người vừa cởi chiếc áo nâu, đôi chân còn vương mùi bùn ngái sẽ lại lên sân khấu. Họ cởi áo nâu để khoác hoàng bào. Họ thành vua, thành quan, thành Trần Binh Trọng, thành Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, thành Trưng Trắc, Trưng Nhị. Hơn ai hết, họ sẽ nói về tình yêu đất nước, thấm đẫm, chân thật hơn bất cứ lý thuyết nào, trong những tà áo đính kim sa lấp lánh chỉ đôi ba ngày trong một năm 365 ngày vất vả ruộng vườn...
 
Trước khi rời chùa Gám, đừng quên nghe thỉnh một khúc chuông. Này là mặt chuông đang quay hướng mùa Xuân. Mùa Xuân với lộc non, với khí trời tươi tốt, với mong ước mát lành, với khởi đầu đầy hy vọng... Độ ngân của chuông tới hơn hai phút đồng hồ, như vọng về từ một nơi nào xa lắm mà cũng như vọng đến tận cõi thẳm của lòng mình. Tiếng chuông, ấy là thức tỉnh. Tiếng chuông, ấy từ tiền kiếp vọng về, nhắc rằng đừng quên quê hương, cội nguồn, như cái cây phải đứng chân trong đất... 
 
Chợt thấy mình bé nhỏ giữa bao la, cần lắm một chốn mà nương tựa, mà cúi đầu, như thể câu thơ của người con xa xứ nói hộ lòng bao nhiêu người quê lúa: “Bến bờ nào cũng dội sóng sông Dinh/ Xa ngái nào cũng mơ về rú Gám”, (Nguyễn Thế Kỷ).
 
P.V