(Baonghean) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 59 QTDND (trong đó có 2 QTDND xã Tây Thành (Yên Thành) và xã Bồng Khê (Con Cuông) vừa đi vào hoạt động trong năm 2017.

Thực hiện Chỉ thị 57-CT/TW của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật khác với sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời sự kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã được hoàn thiện trên tất cả các mặt hoạt động như: cơ cấu tổ chức, quản trị điều hành, huy động và cho vay... hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 59 QTDND (trong đó có 2 QTDND xã Tây Thành (Yên Thành) và xã Bồng Khê (Con Cuông) vừa đi vào hoạt động trong năm 2017. Để hệ thống QTDND hoạt động có hiệu quả, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của ngành và của tỉnh liên quan đến hoạt động của các QTDND trên địa bàn như: Triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo và Thông tư của NHNN Việt Nam; hướng dẫn, tập huấn cho các QTDND trên địa bàn đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; tập huấn và hướng dẫn cài đặt phần mềm để thực hiện chế độ báo cáo thống kê mới theo Thông tư 35/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; chỉ đạo các QTDND xây dựng quy hoạch cán bộ và thực hiện Đại hội thành viên, Đại hội nhiệm kỳ kết hợp kiện toàn bộ máy, thay thế, bổ sung nhân sự HĐQT, Ban kiểm soát đảm bảo theo đúng quy định của NHNN; chỉ đạo các QTDND xây dựng phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 sát với tình hình thực tế của từng quỹ, tập trung vào các nội dung kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát; duy trì tốt các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động; xử lý nợ xấu, cân đối giữa tỷ lệ nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý; tăng vốn điều lệ, tăng cường cơ sở vật chất...; thực hiện công tác cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho các QTDND khi có đủ điều kiện và gắn công tác cấp phép với kết quả tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, công tác thanh tra, giám sát và tình hình thực hiện kiến nghị sau thanh tra; chỉ đạo các quỹ rà soát và đăng ký nhu cầu đào tạo để chuẩn hóa các chức danh nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho cán bộ, đề nghị Học viện Ngân hàng mở các lớp đào tạo phù hợp, có chất lượng…

700.jpgGiám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An trao cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho QTDND xã Nghĩa Thuận (TX. Thái Hòa) và xã Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai). Ảnh: H.V

Cùng đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống Quỹ TDND hoạt động, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An đã chấp thuận cho nhiều QTDND làm đại lý chi trả kiều hối cho tổ chức tín dụng được phép và thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên thông qua hệ thống CF-eBank của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Do QTDND hoạt động trên địa bàn rộng (tại 143 xã, phường) với tổng số hơn 112.000 thành viên, nên Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An rất chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tại các QTDND đảm bảo hoạt động của hệ thống an toàn, lành mạnh. Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các đơn vị. Trong năm 2016, đã tiến hành 18 cuộc thanh tra, 13 cuộc kiểm tra đối với các QTDND trên địa bàn, ban hành 210 kiến nghị và 2 khuyến nghị đối với các đơn vị để chấn chỉnh tồn tại, sai phạm trên các mặt hoạt động. Trên cơ sở kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra hàng năm, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An đã ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động đối với các QTDND có nợ xấu cao, chấn chỉnh công tác an toàn kho quỹ, cảnh báo vi phạm công tác thông tin báo cáo; chấn chỉnh về cơ cấu tổ chức và hoạt động, việc mở rộng mạng lưới; cảnh báo rủi ro về các loại hình tội phạm trong hệ thống ngân hàng, đảm bảo nâng cao tính tuân thủ trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng… Ngoài ra, các Quỹ có tổng nguồn vốn trên 50 tỷ đồng đều được kiểm toán hàng năm cũng đã hỗ trợ cho các QTDND có quy mô lớn trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các rủi ro trong hoạt động.

QTDND Hưng Đông (TP. Vinh) làm tốt công tác huy động vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của thành viên. Ảnh: H.V

Với nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên các QTDND và sự quan tâm, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ điều hòa vốn của Ngân hàng Hợp tác xã, hệ thống QTDND trên địa bàn tiếp tục hoạt động ổn định, đúng tôn chỉ mục đích, an toàn và hiệu quả. Hiện nay, cơ cấu nguồn vốn chung của QTDND toàn địa bàn khá phù hợp, tổng nguồn vốn huy động đạt 4.447 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là nguồn vốn huy động có kỳ hạn) và tổng dư nợ đạt 4.466 tỷ đồng (trong đó nợ xấu chiếm 0,6%); các QTDND đều hoạt động kinh doanh có lãi, hàng năm đều được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An xếp loại và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt, cho đến nay trên địa bàn không có QTDND yếu kém. Các QTDND tham gia đầy đủ và nghiêm túc bảo hiểm tiền gửi, quỹ bảo toàn cho Ngân hàng Hợp tác xã theo đúng quy định của pháp luật. Hầu hết các Quỹ đều chủ động vốn cho đầu tư tín dụng, nhiều Quỹ TDND trên địa bàn đã huy động vốn tốt đáp ứng nhu cầu vay vốn của thành viên và gửi ở Ngân hàng Hợp tác xã với số dư lớn, như QTDND: Thái Hòa, Nghĩa Thuận, Hưng Đông, Vân Diên, Đô Thành, Quỳnh Hậu, Nam Trung, Thịnh Sơn... Cùng đó, các Quỹ đã làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn thành viên sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả cao; động viên thăm hỏi, khen thưởng kịp thời đối với thành viên.

QTDND là mô hình kinh tế hoạt động theo Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng với mục tiêu tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong quỹ, có mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương cấp xã. Mô hình này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ghi nhận, đánh giá cao và tại Chỉ thị số 10- CT/TU ngày 13/4/2014 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho hệ thống QTDND trên địa bàn phát triển nhằm giúp cho người dân vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng, góp phần cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới... 

H.V

TIN LIÊN QUAN