(Baonghean) - Nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, đảm bảo công tác văn phòng nhanh, hiệu quả, đúng quy trình, từng bước đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, huyện Tương Dương đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án 04 ĐA/HU về thí điểm mô hình “Một văn phòng” ở các xã, thị trấn…

Thị trấn Hòa Bình là 1 trong 3 đơn vị được Huyện ủy Tương Dương chọn để triển khai thí điểm mô hình “Một văn phòng” cấp xã, thị trấn. Ông Nguyễn Đình Hiền - Bí thư Đảng ủy thị trấn Hòa Bình cho hay: Việc tập trung văn phòng về một đầu mối sẽ gọn hơn và có thể hỗ trợ lẫn nhau trong công việc đặc biệt là khi có những sự kiện lớn, văn bản giấy tờ, đầu mối công việc nhiều như tiếp xúc cử tri hay hội nghị tổng kết, sơ kết.

Mô hình này cũng sẽ giảm được áp lực cho văn phòng cấp ủy - vốn công việc nhiều, phụ cấp thấp. Đồng thời, đòi hỏi cán bộ văn phòng phải thường xuyên tìm tòi, học hỏi tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn bởi chỉ đơn giản như các văn bản củacủa Đảng ủy, của chính quyền, của các đoàn thể cũng đã có sự khác nhau về thể thức trình bày.

images1945076_400_300.jpgLãnh đạo Huyện ủy Tương Dương kiểm tra hiệu quả mô hình nuôi cá lồng trên sông của người dân xã Tam Thái. Ảnh: Hoài Thu

Để triển khai thí điểm mô hình mới, Đảng ủy, chính quyền thị trấn Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 62 và Quyết định 110 thành lập tổ văn phòng cơ quan thị trấn Hòa Bình gồm 2 công chức văn phòng ủy ban, 1 công chức văn phòng Đảng ủy, 1 công chức tư pháp - hộ tịch do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy làm tổ trưởng. Chị La Thị Thủy - công chức Văn phòng UBND thị trấn Hòa Bình cho hay: “Bước đầu thực hiện cho thấy công việc có sự thống nhất cao, nhịp nhàng, giảm được một số thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả công việc cần có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất như bố trí phòng làm việc hợp lý và các trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ cho công tác văn phòng…”.

Theo ông Lữ Văn May - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương, những năm qua, hoạt động của Văn phòng Đảng ủy, Văn phòng HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ xã, thị trấn trên địa bàn đã đạt được những hiệu quả nhất định, góp phần tham mưu, phục vụ cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, hoạt động của văn phòng các xã, thị trấn vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế.

Thứ nhất, về tổ chức bộ máy, hầu hết các xã, thị trấn hiện nay đều bố trí ít nhất 3 cán bộ làm công tác văn phòng, gồm: 2 người làm công tác văn phòng của HĐND, UBND (là công chức văn phòng - thống kê), 1 người làm văn phòng Đảng ủy (là cán bộ bán chuyên trách, kiêm Phó Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy). Ngoài ra, một số xã còn hợp đồng thêm 1 “tạp vụ” để giúp thêm một số việc của bộ phận văn phòng; riêng khối MTTQ xã và các đoàn thể không bố trí cán bộ làm văn phòng.

Thứ hai, hiện nay, việc quy định chức năng, nhiệm vụ của cán bộ văn phòng cấp xã chưa có sự thống nhất, mỗi xã đang làm theo một cách; chưa phát huy được năng lực của từng cá nhân, chưa tạo được cơ chế cộng sự lẫn nhau trong công việc. Cán bộ văn phòng Đảng ủy có khối lượng công việc nhiều nhưng tiền lương thấp, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã kiến nghị nhiều lần nhưng đối tượng này hiện vẫn chưa được bố trí vào chức danh cán bộ chuyên trách hoặc công chức cấp xã.

Cán bộ Văn phòng thị trấn Hòa Bình trao đổi với người dân. Ảnh: Hoài Thu

Thứ ba, xét về hiệu quả công việc, việc bố trí như trước đây chất lượng công việc chưa cao, hiệu quả tham mưu, tổng hợp còn hạn chế, thiếu sự thống nhất giữa các bộ phận dẫn đến các số liệu của Đảng ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ có lúc còn mâu thuẫn lẫn nhau. Công tác thống kê, cập nhật thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo xã còn yếu, dẫn đến nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước triển khai chậm; việc lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có địa phương còn thiếu tính bao quát toàn diện, để sót việc; hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã không cao; công tác văn thư lưu trữ chưa được chú trọng, cán bộ phụ trách bộ phận này không có nghiệp vụ nên công tác văn thư, lưu trữ không thực hiện đúng quy định.

Từ thực tiễn đó, Huyện ủy Tương Dương đã quyết tâm xây dựng và triển khai Đề án 04 ĐA/HU ngày 18/5/2017 về việc hợp nhất các văn phòng ở cấp xã, thị trấn (Văn phòng Đảng ủy, Văn phòng HĐND - UBND và công tác văn phòng của MTTQ và các đoàn thể) thành Văn phòng xã. Đây là giải pháp để thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về cải cách thủ tục hành chính. Mặt khác, mô hình này cũng nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý cán bộ, công chức; đào tạo cán bộ cấp xã, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp, phục vụ của đội ngũ cán bộ văn phòng cấp xã, đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Ông Phạm Trọng Hoàng - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho hay: Việc triển khai mô hình “Một văn phòng” là sự cải cách một bước về các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian trong việc giải quyết các công việc ở cơ sở. Đồng thời, nâng cao nhận thức về công tác cải cách thủ tục hành chính trong cơ quan Đảng, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành cấp xã để triển khai thực hiện đúng quy trình, quy định và triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính đạt kết quả cao. Quá trình thực hiện phải đảm bảo chất lượng công việc, hiệu quả hoạt động và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Việc tổ chức "Một văn phòng cấp xã" cũng không làm tăng thêm số lượng cán bộ, biên chế mà hướng đến góp phần tiết kiệm ngân sách, kinh phí hoạt động của cơ quan UBND cấp xã. Trước mắt Ban chỉ đạo đề án chọn 3 đơn vị: Thị trấn Hòa Bình và các xã Yên Hòa, Mai Sơn để triển khai thí điểm. Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm, nếu mô hình phát huy hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng ở các đơn vị cấp xã trên quy mô toàn huyện trong điều kiện cho phép - ông Phạm Trọng Hoàng cho biết thêm.

Khánh Ly

TIN LIÊN QUAN