(Baonghean) - Sau chuyển đổi ruộng đất thành công, các xã trên địa bàn huyện Anh Sơn căn cứ vào điều kiện thực tế đã linh hoạt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, bước đầu cho hiệu quả rõ nét. Những mô hình mới, cách làm hay hiệu quả cao đã khẳng định một chủ trương đúng đắn, có sức lan tỏa,...
Trước khi có Chỉ thị 08- CT/TU của BTV Tỉnh ủy về “dồn điền đổi thửa”, BCH Đảng bộ huyện Anh Sơn nhiệm kỳ 2010-2015 đã ban hành Nghị quyết số 03- NQ/HU về tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất. Có thể nói việc tiên phong tiếp tục chuyển đổi ruộng đất đã tạo cho địa phương điều kiện mới trong việc tập trung tư liệu sản xuất, hình thành những vùng chuyên canh nông nghiệp hàng hóa cho giá trị kinh tế cao. Từ định hướng chỉ thị, nghị quyết về tích tụ ruộng đất, vận động nông dân “dồn điển đổi thửa” đã thực sự trở thành một cuộc cách mạng thay đổi từ nhận thức đến thực tiễn của cán bộ cũng như của bà con nông dân.
Trên địa bàn huyện, thực hiện cuộc vận động, đã có 4.160 ha/4.557 ha cơ cấu lại diện tích thửa đạt 91,3%, quy mô diện tích bình quân thửa đất tăng lên gấp đôi từ 454m2/thửa đã tăng lên 911m2/thửa; bình quân số thửa/hộ giảm từ 6,62 thửa/hộ xuống còn 3,18 thửa/hộ. Gắn với thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng đã được đầu tư nâng cấp, cơ giới hóa được tăng cường năng lực trong các công đoạn trong quy trình sản xuất thu hoạch. Một thành công rất lớn trong vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất tại Anh Sơn là “hậu” chuyển đổi đã hình thành được những vùng chuyên canh rau màu hàng hóa, cây vụ đông cho giá trị kinh tế cao.
Xã Tường Sơn sau chuyển đổi ruộng đất đã tích cực, chủ động đưa giống rau màu vào trồng trên đất 2 lúa. Vụ đông vừa rồi, xã Tường Sơn đưa vào trồng 120 ha ngô đông trên đất 2 lúa đạt năng suất trung bình 40 tạ/ha giá trị kinh tế đạt gần 3 tỷ đồng, tạo nguồn thu đáng kể cho các hộ dân. Ngoài ra, Tường Sơn vẫn tiếp tục duy trì diện tích trồng rau màu vụ đông từ 20 - 25 ha, trồng thêm 19 ha dưa chuột cho hiệu quả cao và đặc biệt là hiện đang liên kết với Công ty CP Nafoods trồng ớt cay xuất khẩu. Đối với cây ớt mới đưa vào trồng vụ này là một bước chuyển rất lớn về nhận thức và thực tiễn của cán bộ, nhân dân trong xã khi liên kết với doanh nghiệp để thực hiện mô hình nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa, doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, phổ biến kỹ thuật, nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch và sản phẩm bán cho doanh nghiệp. Mặc dù diện tích vụ đầu còn khiêm tốn chỉ 3,7 ha, thực hiện trên diện tích đất nông nghiệp của 57 hộ ở thôn 4 trồng thí điểm mô hình cây ớt xuất khẩu. Năng suất trung bình đạt 1,5 tấn/sào, gấp khoảng 4 lần trồng lúa.
Còn tại xã Cẩm Sơn, một trong những xã đi đầu trong vận động nông dân dồn điền đổi thửa và tiên phong trong việc đưa cây rau hàng hóa có giá trị kinh tế cao vào vùng đất bãi. Phương châm thực hiện của xã là làm điểm nhân ra diện rộng, gắn với đưa các loại giống cây hàng hóa phù hợp từng chân đất khẳng định giá trị kinh tế. Nhờ vậy, Cẩm Sơn xuất hiện rất nhiều mô hình và trở thành phong trào trồng rau màu hàng hóa cho hiệu quả kinh tế rất cao trên vùng đất bãi. Công thức luân canh: bí xanh - dưa hấu - bí xanh hoặc bí xanh - bí xanh - cây rau màu với giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích lên đến trên 300 triệu đồng/ha và đưa cây bí xanh trở thành cây chủ đạo bởi dễ tiêu thụ, dễ bảo quản, vận chuyển, giá thu mua ổn định. Cây rau hàng hóa đã phát triển ở hầu hết các cánh đồng thuộc các thôn Hội Lâm, Cẩm Hòa, Cẩm Lợi, Đồng Cạn... với diện tích lên đến 180 ha.
Đồng chí, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Bá Nhị cho biết: Từ thực tiễn kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất “hậu” dồn điền đổi thửa cho hiệu quả trên vùng đất bãi, nhiệm kỳ 2015 - 2020 Cẩm Sơn tiếp tục triển khai tại các vùng đất khác để mỗi vùng đồng đất sẽ có được bộ cây trồng hiệu quả, lấy giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích làm cơ sở so sánh, đánh giá.
Có thể nói, thực hiện Chỉ thị 08- CT/TU của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 03-NQ của Huyện ủy nhiệm kỳ 2010-2015 về vận động nhân dân “dồn điền đổi thửa”, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất lúa, đất bãi mà còn xác định được cụ thể cây hàng hóa trên vùng đất đồi vệ. Những mô hình có hiệu quả cao đã được khẳng định như: trồng cây rễ hương tại xã Cao Sơn diện tích đã lên đến 30 ha; hay mô hình trồng cây cà xanh trên diện tích 15 ha tại xã Hoa Sơn; rồi mô hình trồng gấc tại một số xã vùng đồi...
Đồng chí Nguyễn Công Thế, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Sau chuyển đổi ruộng đất để phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, phòng tham mưu cho UBND huyện đưa ra các danh mục hỗ trợ phát triển cây, con dựa trên điều kiện thực tế và có thể phát triển sản xuất hàng hóa. Theo đó, trên lĩnh vực nông nghiệp, Anh Sơn triển khai đề án phát triển vùng chè công nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hùng Sơn, chè thực phẩm tại Cao Sơn, Khai Sơn; phát triển vùng sản xuất cây thực phẩm phục vụ cho xuất khẩu như ớt, ngô ngọt, gấc lai đen; quy hoạch vùng trồng hoa, cây cảnh tại Thị trấn, Thạch Sơn; dự án phát triển các vùng mía, chè, lúa ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch vùng chăn nuôi đại gia súc tại các xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Long Sơn, Phúc Sơn, Hội Sơn... Mục tiêu Anh Sơn phấn đấu giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản đạt 5,67%, giá trị sản xuất 1.607.663 triệu đồng, giá trị thu nhập bình quân đạt 64 triệu đồng/ha. Trong đó, tập trung thâm canh 5.800 ha lúa; 6.200 - 7.000 ha ngô; tạo ra tổng sản lượng lương thực bình quân mỗi năm ổn định 62.000 - 65.000 tấn, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Ngoài cây lương thực, huyện tiếp tục đưa vào sản xuất một số cây nguyên liệu, cây hoa màu có giá trị kinh tế cao như ổn định vùng nguyên liệu mía 1.800 ha; vùng nguyên liệu chè 2.700 - 3.000 ha, cao su 4.000 ha; đồng thời khôi phục vùng trồng cam Bãi Phủ trên diện tích đạt từ 250 - 300 ha. Khuyến khích đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô hợp lý, nâng cao chất lượng đàn, nâng tỷ trọng ngày càng cao của chăn nuôi trong nội ngành nông nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Hữu Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thời gian tới, nông nghiệp Anh Sơn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật, cơ giới hóa các công đoạn trong quá trình sản xuất và gắn với phát triển công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Huyện tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản và tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; đồng thời tính toán kỹ lưỡng lợi thế, thời cơ các vùng trong huyện để quy hoạch rõ hướng phát triển cây, con chủ lực từng vùng; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ về giống, kỹ thuật, máy móc thiết bị vào sản xuất; tăng cường mối quan hệ 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp.”
Hồng Sơn