(Baonghean.vn) - Cách QL7A 20km, nhưng để vào bản Phồng (xã Tam Hợp-Tương Dương) phải mất 2 giờ đi xe máy. Đường vào xã Tam Hợp thi công đã 2 năm nay, mà ước mơ về một con đường rải nhựa của bà con người Thái, Mông, Khơ mú xã này dường như vẫn còn xa vời lắm.!

Bản Phồng hiện có 130 hộ dân với 570 nhân khẩu, chủ yếu sống nhờ vào nương rãy, săn bắt, hái lượm sản vật từ rừng. Những năm được mùa, bà con còn có gạo ăn cho đến mùa nương sau. Gặp lúc mất mùa, họ chỉ còn cách vào rừng kiếm củ. Có nhiều năm Đồn Biên phòng 551 đóng gần đó phải trợ cấp gạo cho bà con vào mùa giáp hạt. 90% dân số bản nhỏ này là người Tày Poọng.

772077_small_70258.jpg

Người Tày Poọng vẫn phải giã gạo bằng chày

Theo trưởng bản Viêng Quốc Khánh, trong bản vẫn thường xuyên có khoảng 30% số hộ quanh năm thiếu đói. Nguyên nhân chính là do tập tục canh tác của bà con vẫn lạc hậu. Hiện số nhà có diện tích ruộng nước chưa đáng kể. Nhà ông Khánh có nhiều ruộng nước nhất bản cũng chỉ vẻn vẹn 100m2, mỗi năm cấy 1 vụ. Hiện trọng bản mới có một người học đến bậc học cao đẳng.

Đó chính là con trai ông trưởng bản, tân sinh viên Viêng Văn Đồng hiện đang theo học ở trường CĐSP Vinh. Chúng tôi ghé thăm nhà ông Viêng Cảnh Tới, được cho là hộ khó khăn nhất bản Phồng. Căn “nhà” của gia đình ông Tới là chiếc lều nhỏ lọt thỏm giữa bản. Vật dụng đáng giá nhất có lẽ là chiếc cối giã gạo qua thời gian đã lên nước láng bóng. Vợ ông, bà Vi Thị Liên đang cầm chày giã gạo. Điện lưới vẫn chưa vào đến nơi, nên những người phụ nữ bản Phồng như bà Liên vẫn còn phải cặm cụi với chiếc chày đến chai cứng bàn tay.

Ông Tới bị bệnh hen mãn tính, sức khỏe sa sút. Mùa rét chỉ luẩn quẩn ở nhà. Ông chọn công việc đan những chiếc “ép” (một dụng cụ đựng xôi) bán cho dân bản. Họa hoằn lắm, có các anh biên phòng viếng thăm mua cho ông một vài chiếc.

Những chiếc “ép” là một thứ đồ đan lát được nhiều người ưa thích, ông Tới lại là người khéo tay, nhưng rồi ông cũng không biết bán những sản phẩm này cho ai.

Rời khỏi bản Phồng, có một hình ảnh khiến tôi day dứt mãi, đó là một bản tóm lược về bản thân bằng tiếng Anh của một học sinh bản Phồng để lại trên cánh cửa. Nét phấn còn mới: “Em tên là Nắm. Em sinh năm 1994, đang theo học lớp 9”. Ở miền xuôi, hay chí ít, là những xã vùng ngoài, lứa tuổi như em Nắm không còn ai học lớp 9 nữa.­


Vi Văn Chôồng