(Baonghean) - Thanh tra quốc tế điều tra vụ máy bay Malaysia rơi ở phía Đông Ukraina cho biết vào thứ 6 vừa qua rằng, quá trình điều tra của họ bị cản trở bởi sự kiểm soát và đón tiếp không lấy gì làm niềm nở của những người có vũ trang và có vẻ như là ủng hộ Nga. 

images1016620_qt.jpgĐiều tra viên quốc tế trao đổi với quân đứng gác hiện trường vụ rơi máy bay.
 
Michael Bociurkiw, người phát ngôn của tổ chức An ninh và hợp tác khu vực châu Âu cho hay: "Họ không có vẻ như là người thực sự được nắm quyền kiểm soát ở đây". Có vũ trang, ủng hộ Nga, canh gác nghiêm ngặt hiện trường vụ tai nạn, thế nhưng những người này không thể trả lời các câu hỏi của điều tra viên. Theo lời ông Bociurkiw thì nhóm điều tra chỉ có thể thực hiện công tác kiểm tra trong vòng 75 phút và trên khoảng 200m hiện trường, sau đó bị ép buộc phải rời đi. Trong khi đó, các mảnh vỡ của máy bay và các thi thể của vụ tai nạn nằm rải rác trên nhiều ki-lô-mét.
 
Địa điểm rơi của chiếc máy bay nằm gần Torez, thuộc khu vực phía Đông Ukraina, nắm quyền kiểm soát bởi các lực lượng có vũ trang ủng hộ Nga. Phía Mỹ cho rằng chính lực lượng này đã bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 đang bay từ Amsterdam về Kuala Lumpur hôm thứ 5 bằng một tên lửa đất đối không. Tất cả 298 người có mặt trên máy bay đều thiệt mạng. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc ông Jeffrey Feltman cho biết, 80 trong số 298 nạn nhân là trẻ em. Việc không được tiếp cận hoàn toàn với hiện trường vụ tai nạn khiến phía Mỹ lo ngại. Ông Ben Rhodes, phó cố vấn chiến lược truyền thông an ninh quốc gia tuyên bố: "Các điều tra viên phải được tiến vào nơi máy bay MH17 rơi. Mỹ đặc biệt lo ngại trước các báo cáo cho rằng các phần tử ly khai đang cấm đoán việc ra vào khu vực hiện trường".
 
Rõ ràng công tác điều tra bị cản trở nay lại càng khó khăn hơn khi khu vực máy bay rơi còn là vùng quê không có điện. Nhận định ban đầu của ông Bociurkiw cho thấy ông không lo ngại hiện trường đã bị xáo trộn. "Các thi thể vẫn chưa bị xê dịch. Chúng tôi đã nói chuyện với các nhân viên cứu hộ. Họ cho biết công việc của họ chỉ là đánh dấu vị trí của các nạn nhân". Được biết, Mỹ sẽ cử thêm 2 điều tra viên FBI sang hỗ trợ việc điều tra, nhưng tất nhiên trách nhiệm chính vẫn thuộc về Ukraina. Đến nay, vẫn chưa định vị được bộ phận ghi lại chuyến bay MH17. Bộ trưởng bộ Kinh tế và thương mại Ukraina ông Pavlo Sherementa cho biết hộp đen của máy bay vẫn nằm trên lãnh thổ Ukraina nhưng ông không nói rõ là có nằm trong tay chính phủ nước này hay không. Trước đó vào thứ 6, cố vấn của người cầm quyền bị lật đổ ở Donestk nói với CNN rằng hộp đen đã rơi vào tay các phần tử phiến loạn, còn vị trí cụ thể thì không rõ. 
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng Nga ít nhiều dính dáng đến vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Cho đến nay, những tuyên bố mạnh miệng nhất của Mỹ về vụ việc này nhận định rằng phía phiến quân không thể bắn rơi máy bay bằng tên lửa đất đối không mà không có "trang thiết bị và sự huấn luyện tinh vi của Nga". Tuy nhiên ông Obama và các quan chức Mỹ sau đó đã tránh việc công khai quy trách nhiệm cho Nga mà chỉ tuyên bố Mỹ sẽ làm tất cả để tìm ra người đứng sau vụ việc. Mặc dù vậy và dù Nga thẳng thừng phủ nhận dính líu đến việc bắn rơi máy bay, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tiết lộ rằng giả thuyết hiện đang được các nhà phân tích tình báo Mỹ đặt lên hàng đầu là quân đội Nga đã cung cấp hệ thống tên lửa Buk cho phiến quân Ukraina. Theo Mỹ, hệ thống tên lửa được chuyển từ Nga vào phía Đông Ukraina trong vòng "vài ngày hoặc vài tuần trở lại đây" và được cài đặt chế độ vận hành. Mỹ tin rằng lực lượng li khai ủng hộ Nga không thể sử dụng hệ thống này mà không có sự huấn luyện của Nga và rằng, liệu người Nga có xuất hiện tại hiện trường vào thời điểm chiếc máy bay bị bắn rơi hay không, điều này vẫn còn bị bỏ ngỏ. 
 
Trong số các bằng chứng Mỹ đưa ra, có một đoạn ghi âm được cung cấp bởi nhân viên tình báo Ukraina, trong đó ghi lại cuộc trao đổi giữa phiến quân ủng hộ Nga và quân nhân Nga về tên lửa đất đối không và một chiếc máy bay dân dụng bị rơi:
 
-Mọi chuyện ở đó sao rồi? Người đàn ông được nhận định là nhân viên tình báo Nga hỏi.
 
-Chúng tôi chắc chắn 100% đó là một chiếc máy bay dân dụng. Người được cho là phiến quân ủng hộ
Nga trả lời. 
 
-Có nhiều người không?
 
-Các mảnh vỡ đang rơi thẳng xuống cánh đồng. Người kia thốt lên một cách khoái trá. 
 
Trong cuộc họp báo ngày thứ 6, giám đốc cơ quan an ninh Ukraina ông Valentyn Nalyvaichenko cho hay, hệ thống tên lửa Buk đã bắn rơi chiếc máy bay đã đi qua biên giới từ Nga "ngay trước khi" vụ tấn công diễn ra. Hãng tin Ukraina Interfax cho hay, theo tuyên bố của cố vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anton Geraschenko thì bệ phóng cũng như thông tin chuyến bay MH17 đã được trao cho nhân viên Nga tại điểm tập kết ở biên giới gần vùng Luhansk vào đêm khuya. Một quan chức cấp cao của Ukraina cáo buộc Nga che đậy việc đứng sau vụ tấn công này, đồng thời nhắc đến một đoạn phim quay cảnh bệ phóng tên lửa Buk được vận chuyển về Nga giữa đêm. CNN tuyên bố không thể tự mình xác minh thực hư các nguồn tin kể trên. 
 
Lại nói về thiệt hại do vụ tấn công gây ra, ông Obama xác nhận có ít nhất 1 công dân Mỹ trên chuyến bay tử thần MH17: Quinn Lucas Schansman, sinh viên trường kinh doanh quốc tế Hogeschool van Amsterdam. Còn lại phần lớn hành khách là công dân Hà Lan (173 người). "Không ai có thể phủ nhận sự thật là những hình ảnh kinh hoàng bày ra trước mắt chúng ta. Cả thế giới đang chăm chú dõi về phía Đông Ukraina và chúng tôi chắc chắn sẽ làm sáng tỏ chân tướng sự việc", ông Obama tuyên bố, đồng thời kêu gọi ngừng bắn trong khu vực và một cuộc "điều tra quốc tế có thể tin tưởng được". Bộ trưởng Bộ cơ sở hạ tầng Ukraina tuyên bố vào thứ 6 vừa rồi rằng không phận đi qua các vùng Donetsk, Luhansk và một phần của Kharkiv - nơi lực lượng nổi dậy đang hoạt động sẽ bị đóng vô thời hạn. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai lên tiếng bảo vệ cho lộ trình bay của hãng Maylaisia Airlines, viện cớ rằng các hãng hàng không khác cũng có máy bay bay qua khu vực trên. Đây chưa chắc đã là một tuyên bố khôn ngoan khi mà tình hình ở Ukraina đang ngày càng căng thẳng, nhất là sau khi tăng cường cấm vận trừng phạt với Nga và các phe phái ủng hộ Nga đã được châu Âu và Mỹ thông qua tuần này, với các chi tiết cụ thể sẽ được thảo luận vào cuối tháng. Hơn nữa, trong bối cảnh mà Malaysia Airlines mất đi chiếc Boeing 777 thứ 2 trong năm, đối mặt với sự mất giá thảm hại trên thị trường chứng khoán và sự mất lòng tin của khách hàng thì liệu có nên "cố đấm ăn xôi"? Mỹ thậm chí còn cấm các máy bay dân dụng của mình bay qua khu vực gần với nơi MH17 gặp nạn từ 3 tháng trước. Đêm thứ 5, sau khi MH17 rơi, Mỹ mở rộng lệnh cấm ra toàn bộ khu vực Đông Ukraina. 
 
Rõ ràng tai nạn của MH17 là một cú sốc lớn với dư luận quốc tế bởi sự bí ẩn trong động cơ cũng như người đứng đằng sau. Đến thời điểm hiện nay, có vẻ như các luồng điều tra đang hướng về Nga, nhưng ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thì tuyên bố "Nói về những cáo buộc của Kiev, kiểu như chúng tôi là người đứng sau vụ tấn công, thực lòng mà nói thì trong vài tháng vừa qua tôi chưa nghe được một sự thật nào được phát đi từ Kiev". Nếu quả thực là Nga thì sẽ rất khó hiểu đâu là động cơ, mục đích mà họ nhắm tới khi vô duyên vô cớ tấn công một chiếc máy bay dân dụng nước ngoài? Một sự thị uy trên "địa phận" của mình? Cái giá đó có đáng để đánh đổi lấy dư luận bất lợi từ quốc tế cũng như cái cớ để phương Tây hợp thức hoá các biện pháp trừng phạt? Có hay không một màn kịch "gắp lửa bỏ tay người"?
 
Nấm Linh Chi