Rửa trái cây và rau củ
Hầu hết sản phẩm đều trải qua một quãng đường dài trước khi đến với bạn. Trái cây và rau củ có thể bị phơi nhiễm với vi khuẩn có hại hoặc các chất gây ô nhiễm khác trong quá trình vận chuyển. Điều này xảy ra với cả những loại thực phẩm hữu cơ và không chứa thuốc trừ sâu.
Để tránh các chất gây ô nhiễm có hại, hãy luôn rửa các sản phẩm bằng nước sạch trước khi ăn. Bạn có thể sử dụng bàn chải cứng để làm sạch các loại rau quả vỏ cứng. Bàn chải dùng để làm sạch rau quả không nên sử dụng với mục đích làm sạch các đồ vật khác.
Nếu bạn đang ăn trái cây hoặc rau củ được phủ một lớp phủ sáp, hãy chắc chắn rằng bạn đã dùng khăn giấy hoặc vải sạch để loại bỏ lớp sáp đó sau khi rửa chúng. Việc rửa rau quả trước khi ăn rất quan trọng. Tuy nhiên, tốt nhất, bạn nên bảo quản rau khi chưa rửa bởi độ ẩm quá cao có thể làm hỏng rau nhanh hơn. Nếu bạn rửa chúng thì hãy để thật khô trước khi bảo quản, lưu trữ chúng.
Bảo quản tủ lạnh
Các loại trái cây và rau củ khác nhau nên được lưu trữ theo những cách khác nhau. Theo các chuyên gia tại Trung tâm Khuyến nông hợp tác Cornell (Cornell Cooperative Extension Center), rau củ thường được bảo quản theo một trong bốn cách dưới đây:
- Bảo quản lạnh (32-39 độ F, tức 0-4 độ C), lưu trữ có độ ẩm.
- Bảo quản mát (40-50 độ F, tức 4.5-10 độ C), bảo quản có độ ẩm.
- Bảo quản lạnh (32-39 độ F, tức 0-4 độ C), khô.
- Bảo quản ấm (50-60 độ F, tức 10-15.5 độ C), khô.
Thông thường, tủ lạnh của bạn nên được giữ ở khoảng 34 độ F (khoảng 1 độ C). Các loại rau củ sẽ được bảo quản tốt nhất ở ngăn để rau của tủ lạnh. Phần này bao gồm ngăn hoặc ngăn kéo nằm ở phần cuối cùng của đa số các loại tủ lạnh. Ngăn để rau được thiết kế một cách riêng biệt để có thể kiểm soát độ ẩm. Nếu có thể, hãy bảo quản rau ở nhiệt độ và độ ẩm phù hợp với từng loại rau.
- Các sản phẩm tốt nhất để bảo quản trong môi trường có độ ẩm cao, lạnh (hoặc mát) bao gồm táo, súp lơ xanh, cà rốt, rau diếp, cà tím.
- Các loại rau củ nên được bảo quản ở môi trường lạnh và khô (độ ẩm thấp) bao gồm tỏi, hành.
- Các loại củ nên được bảo quản trong môi trường ấm và khô: Ớt, bí ngô, khoai lang.
Vì lý do an toàn, bạn nên làm lạnh hoặc làm đông bất kỳ hoa quả hoặc rau củ nào đã được rửa sạch và cắt. Lưu trữ các sản phẩm này trong túi nhựa chuyên dụng hoặc hộp kín để giữ được độ tươi và hạn chế tiếp xúc với không khí. Hãy luôn đảm bảo rằng bạn đã tách riêng biệt rau củ với thịt và các loại sản phẩm từ sữa để tránh ô nhiễm vi khuẩn.
Bảo quản đông lạnh
Hầu như tất cả trái cây và rau củ có thể bảo quản được đông lạnh. Chế độ đông lạnh có thể thay đổi kết cấu của nhiều trái cây và rau quả nhưng thường bảo quản hương vị, chất dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của chúng. Đây là một cách tuyệt vời để cất giữ trái cây hoặc rau củ theo mùa để có thể sử dụng được đến cuối năm.
Tốt nhất nên bảo quản đông lạnh trái cây và rau trong hộp kín. Tránh đông lạnh trái cây khi chúng chưa chín bởi sau khi ra khỏi môi trường đông lạnh, trái cây có thể sẽ không chín được nữa.
Các loại rau có lá xanh mà bạn định ăn nguyên chất như rau diếp, cải thì không nên đông lạnh.
Những loại củ quả nên lưu trữ ở nơi mát mẻ, khô ráo
Một số loại sản phẩm tốt nhất nên để ngoài tủ lạnh, ở những nơi khô và mát bao gồm:
- Cà chua.
- Chuối.
- Khoai tây.
- Chanh.
Cà chua là một trong những trường hợp có thể mất hương vị và chất dinh dưỡng khi bạn làm lạnh chúng trong tủ lạnh, thậm chí nó cũng có thể thay đổi kết cấu đến mức không mong muốn.
Các loại trái cây nói chung không cần bảo quản lạnh. Tuy nhiên, bảo quản lạnh sẽ làm chậm quá trình chín hoặc giúp chúng được tươi lâu hơn và do vậy giúp bạn lưu giữ trái cây được lâu hơn. Nhưng một khi bạn đã rửa hoặc cắt trái cây và rau củ thì hãy luôn lưu trữ trong tủ lạnh hoặc tủ đá của bạn.
Theo PLO