(Baonghean.vn) - Những ngày qua cộng đồng mạng có dịp xôn xao khi clip tiếng sáo mèo “Đi học" của chủ nhân Facebook có tên Tuan Thay được đăng tải.

Clip được thực hiện trong phòng thu, với chú thích “ngưỡng mộ với tiếng sáo của bạn quá Tuấn Thầy ơi”, ngay lập tức đã có hàng trăm lượt like và chia sẻ cùng những comment ngợi khen.

Tuan Thay tên thật là Nguyễn Tuấn Anh, hiện là  giáo viên dạy môn Thể dục của Trường THPT Nghi Lộc 4. Thầy Tuấn Anh được biết đến là cây văn nghệ của Trường vì tài thổi sáo và tinh thần nhiệt huyết trong các phong trào văn hoá văn nghệ  của trường.

Khi được hỏi về tài lẻ này, thầy cho biết: “Từ nhỏ tôi đã “nghiện” nghe những âm thanh từ cây sáo trúc. Mỗi khi thấy trên đài truyền hình hoặc trên sóng phát thanh người ta thổi là tôi dừng lại nghe và như nuốt lấy âm thanh từ nhạc cụ thần thánh này”.

Thầy Tuấn Anh luôn là người ban người anh thân thiết của học trò Trường THPT Nghi Lộc 4. Ảnh NVCC

Để rồi cũng từ những ngày là học sinh THCS thầy Tuấn Anh đã có thể thổi được những bài hát bằng cây sáo trúc một cách mượt mà, da diết, “Còn nhỏ mà suốt ngày tôi đã thổi những giai điệu buồn như Lý chiều chiều, Bèo dạt mây trôi, Lòng mẹ. Nhiều lúc đêm khuya hàng xóm còn “kiến nghị”: Tuấn Anh à cháu thổi hay thật nhưng nghe buồn rứt ruột đi, còn nhỏ mà chỉ thổi bài buồn vậy à? ”. Nhưng nghe xong Tuấn Anh chỉ cười vì “thú thật đó là những giai điệu dễ thổi của loại nhạc cụ này”

Điều đặc biệt, chẳng ai dạy cho thầy Tuấn Anh thổi sáo “ngay cả những nốt nhạc đầu tiên tôi cũng tự mày mò. Mày mò theo từng câu hát, rồi ráp chúng thành đoạn, thành bài, rồi tuỳ cảm xúc thì chơi nhanh hay chậm”. Cũng kể từ đó sáo chính là người bạn của thầy Tuấn Anh, theo thầy cả những lúc vui lẫn lúc buồn.

Thầy giáo thể dục nhận dược nhiều tình cảm của học trò nhờ sự gần gũi, và tiếng sáo quyến rũ. ẢNh NVCC

Thế nhưng  sáo cũng không phải là nhạc cụ duy nhất mà thầy đam mê, “Trước đây tôi còn chơi thạo cả trống. Trống là nhạc cụ mà theo tôi cũng là nhạc cụ để những người trẻ có thể thể hiện bản thân một cách đầy đủ nhất. Bởi khi chơi trống người ta được thể hiện sự mãnh liệt và đam mê của tuổi trẻ ”.

“Nhưng sau này khi đi dạy, khi đã lập gia đình tôi lại chỉ có sáo trúc là bạn, vì đó mới chính là bản thân tôi” - Thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Thổi sáo hay thế, nhuyễn thế nhưng chưa bao giờ thầy Tuấn Anh có ý định thi vào trường nghệ thuật, bởi đơn giản “tôi chỉ xem nó là bạn chứ không phải là nghiệp, vì tôi ý thức rằng mình không thể là một tài năng để gắn với nghiệp này, mà khi không thật sự có tài năng thì không thể có chỗ đứng”.

Thế rồi, thầy lại chọn bộ môn để gắn bó suốt cuộc đời nhưng trái ngược với những mềm yếu của tiếng sáo trúc. Đó là chuyên ngành Sư phạm Thể dục. “Kể từ năm 2011 được gắn bó với ngôi Trường  THPT Nghi Lộc 4 tôi càng cảm thấy sự lựa chọn này của mình là đúng đắn”. Vì Thể dục không phải là bộ môn thô ráp, khô cứng như người ta nghĩ, khi dạy cho các em các bài học của bộ môn này chính là dạy cho các em được hướng đến những điều thiện; sự mạnh khoẻ về thể chất đồng nghĩa với những hướng thiện trong tâm hồn. Vì thế những lứa học trò của thầy Tuấn Anh luôn xem thầy không chỉ là người thầy, người anh mà còn là người bạn thân thiết.

“Vì thế người ta mới gọi nghề giáo không chỉ là người dạy chữ, dạy kỹ năng mà còn là kỹ sư tâm hồn”  -thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Viêc thu âm clip “Đi học” vào đúng dịp 20/11, thầy Tuấn Anh chia sẻ rằng: “Không chỉ những ngày này mình được nhận món quà từ học sinh mà là nhà giáo tôi cũng muốn tặng đồng nghiệp mình món quà tinh thần ý nghĩa, không ngờ lại nhận được nhiều ngợi khen đến vậy. Và chính sự động viên khích lệ này là món quà ý nghĩa mà tôi nhận được trong ngày lễ trọng”.

Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN

TIN LIÊN QUAN