Với doanh thu lên tới hàng trăm triệu USD, cùng mức thuế đóng nhỏ giọt, theo các chuyên gia, không dễ gì Faceook và Google chịu nhả thị trường màu mỡ, béo bở như thị trường Việt Nam.
Thời gian gần đây, thông tin liên quan tới quy định tại khoản 4, điều 34 dự thảo luật An ninh mạng yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều ý kiến lo ngại Google, Facebook sẽ rút khỏi Việt Nam và người dùng sẽ bị ảnh hưởng bởi việc này.
Trên nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Việt Dũng (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, các nhà mạng cung cấp mạng xã hội sẽ “khó chấp nhận”. "Chẳng lẽ khi hoạt động ở 200 thị trường, Facebook lại phải đặt máy chủ ở 200 nước với đội ngũ quản lý và chi phí cực kỳ lớn? Cho nên, việc quản lý tập trung là bình thường, bắt họ đặt máy chủ ở Việt Nam là không khả thi. Về mặt kỹ thuật thì không nhất thiết phải đặt máy chủ mới quản lý được các tài khoản ở Việt Nam", ông Dũng nói.
VNPT đang cho Google thuê 608 máy chủ, cho Facebook thuê 120 máy chủ, Viettel cho Google thuê 330 máy chủ và cho Facebook thuê 96 máy chủ. So với lợi nhuận hàng trăm triệu USD/năm, chi phí đầu tư máy chủ, chi phí quản lý không phải là một khoản chi phí lớn đối với doanh nghiệp nước ngoài. |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm không nói rõ quan điểm về vụ việc nay, nhưng ở vai trò của cơ quan soạn thảo, ông Tô Lâm cũng đánh giá tác dụng tích cực của thông tin, internet. Việt Nam đang trong quá trình công khai, minh bạch, mọi người dân phải được biết, được làm chủ, tiếp cận thông tin. Song, người đứng đầu Bộ Công an cũng cho rằng, những gì liên quan đến lợi ích quốc gia, đến an toàn và bảo mật thông tin cần phải được chú trọng.
Câu hỏi là, với những quy định mới có thể được thông qua đó có khiến Facebook và Google rút khỏi cuộc chơi tại Việt Nam hay không?
Miếng ngon, khó bỏ
Kể từ khi đặt chân vào thị trường với 55 triệu người dân dùng internet, Facebook và Google cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ thông tin công cộng qua biên giới vào Việt Nam. Các dịch vụ tạo quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Google rất phát triển, mang lại nguồn thu chính; Google có đến 22 dịch vụ quảng cáo cho khách hàng, Facebook có 3 hình thức quảng cáo chính.
Việt Nam có tới 55 triệu người dùng Internet, nhiều hơn gấp nhiều lần số dân một số quốc gia khác, nằm trong top 20 quốc gia ứng dụng internet nhiều nhất thế giới, là quốc gia đứng thứ 7 trong tổng số các quốc gia có người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới.
Tự do, thoải mái kinh doanh, không bị ràng buộc lớn về pháp lý, số lượng người dùng nhiều, đồng nghĩa với lợi nhuận thu về cao. Theo chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long, doanh thu quảng cáo tại thị trường nước ta của Facebook năm 2015 là hơn 150 triệu USD, Google là hơn 100 triệu USD, số tiền này chưa được tính thuế. Nếu rút khỏi thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đánh mất thị trường mang lại nhiều lợi nhuận. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài khác sẽ ngay lập tức nhảy vào thay thế.
“Nhìn từ góc độ kinh tế ở đâu có lợi nhuận khủng, thì doanh nghiệp sẽ không rời bỏ”, ông Long khẳng định.
Thông tin từ các doanh nghiệp viễn thông trong nước cũng cho thấy, hiện nay Google, Facebook đang phải thuê máy chủ của VNPT, Viettel để nâng cao chất lượng dịch vụ. VNPT đang cho Google thuê 608 máy chủ, cho Facebook thuê 120 máy chủ, Viettel cho Google thuê 330 máy chủ và cho Facebook thuê 96 máy chủ.
So với lợi nhuận hàng trăm triệu USD một năm, chi phí đầu tư máy chủ, chi phí quản lý không phải là một khoản chi phí lớn đối với doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp trong nước thua thiệt
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, thời gian qua trong khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet trong nước phải chấp hành các quy định của pháp luật, phải đóng thuế kinh doanh cho hoạt động của mình, thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet nước ngoài không những không đóng thuế, không hoạt động theo pháp luật.
Vô hình chung, các doanh nghiệp trong nước đang phải kinh doanh trong một môi trường bất bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Khi không có khả năng tự chủ công nghệ, các doanh nghiệp trong nước không thể phát triển thị trường, không có các điều kiện phát triển các dịch vụ thay thế, sản phẩm trong nước sẽ không cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài.
Một số chuyên gia cũng lo ngại, dữ liệu cá nhân đang được coi là tài sản trong tương lai gần của quốc gia. Các doanh nghiệp nước ngoài đang phân tích cụ thể, tổng hợp và lưu trữ thành những tệp dữ liệu riêng, dần hình thành một bản sao mô phỏng con người thực trong thế giới ảo. Những thông tin này không khác gì cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được lưu trữ ở nước ngoài, được quản lý bởi chính quyền nước khác.
Không ai bảo đảm rằng, những thông tin đó không bị cung cấp cho bên thứ 3 (có thể là quốc gia hoặc tổ chức khác), cho doanh nghiệp để phục vụ kinh doanh, bị đem ra thành hàng hóa buôn bán hoặc bị các tổ chức khủng bố lấy được, sử dụng cho các hành vi đe dọa tới sinh mạng, tài sản.
Google, Microsoft chịu “nhún” tại Trung Quốc Thực tế cho thấy, sau 5 năm dừng hoạt động tại Trung Quốc, từ năm 2015, Google đã xúc tiến các hoạt động để trở lại thị trường Trung Quốc và “cam kết phục vụ thị trường Trung Quốc một cách tốt nhất có thể”. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa đồng ý với đề nghị của Google vì các sản phẩm trong nước Trung Quốc đã phát triển đủ đáp ứng yêu cầu của người dùng. Microsoft phải xây dựng một bản Windows riêng để được phép cung cấp dịch vụ. |
Theo TNO