Anh bạn ở Đài truyền hình huyện cùng chuyến đi thực tế nói với tôi: Lên Kỳ Sơn mà không đến Puxailaileng thì sẽ phiến diện khi nghĩ về mảnh đất này.

761686_small_39213.jpgMột dải Puxailai leng

Puxailaileng cao 2711 m so với mực nước biển, chóp núi của Trường Sơn dằng dặc và của đại ngàn xứ Nghệ, chỉ chịu nhường độ cao nhất nước cho ngọn Phaxiphăng- Hoàng Liên Sơn thôi. Chúng tôi đến xã Na Ngoi ở Puxailaileng điệp trùng nối liền với Pu Soong, Pu Tông Chình... hùng vĩ. Núi và mây bồng bềnh bất tận bàng bạc liền trời liền đất chạy dọc miền biên ải giữa nước ta và nước bạn Lào.

Đây là xã có diện tích lớn nhất nhì của huyện Kỳ Sơn, xa trung tâm đến 70 cây số, với 18 bản chủ yếu người Mông, chỉ có một bản Thái và một bản Khơ Mú, với 624 hộ, 4600 nhân khẩu sống rải rác từ bao đời giữa mênh mông núi sông hiểm trở. Có 9 bản biên giới với đường biên 20 km.

Thuở trước dân bản cuộc sống tự cung tự cấp lắt lay với cây lúa rẫy, du canh, du cư lang thang trong rừng thẳm. Bản làng héo úa trong màu hoa anh túc, trong khói thuốc phiện để đói nghèo bám riết mãi. Chúng tôi không thể hình dung hết một Na Ngoi xưa giữa rừng sâu núi thẳm khi cuộc sống mới đang hiện diện tươi sắc bên mình. Từ cơ sở hạ tầng đang từng bước hoàn thiện, niềm hân hoan đón mùa mới, đời sống văn hoá được nâng cao, nếp nghĩ nếp làm của người dân khác xưa nhiều lắm. Những thung lũng lúa, những ô ruộng bậc thang như những đường viền trên áo, khăn thổ cẩm. Na Ngoi có 400 ha lúa nước chiếm 1/3 diện tích đất ruộng toàn huyện- có người ví von đây là vựa lúa của Kỳ Sơn.

Chúng tôi xúc động khi nghe già bản giãi bày: "Bản ta giờ thóc gạo nhiều rồi không còn lo cái đói ngày giáp hạt nữa, chỉ lo phấn đấu làm kinh tế giỏi thôi. Con cháu đều được học chữ, đời sống nhiều thay đổi rồi...". Khi vấn đề lương thực bền vững, được sự chỉ đạo sát đúng của các cấp lãnh đạo, cùng hỗ trợ của các dự án, các hộ dân phấn khởi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế mới mẻ và làm giàu chính trên quê hương mình.

Đến năm 2003: 1,5 ha thuốc phiện trồng lẩn lút ở những góc rừng xa khuất của xã đã được xoá bỏ. Những cây xoá nghèo được thay thế và có sức thuyết phục: 230 ha cây màu ngô, sắn, dứa, khoai sọ, bí xanh, 350 ha khoai dong riềng, 50 ha dâu, bông. Khoanh nuôi bảo vệ 1.800 ha rừng, cải tạo và trồng 500 ha đồi cỏ chăn nuôi gia súc. Xã đang xây dựng mô hình trồng cây pí niệng, đậu thiều (cây chủ thả cánh kiến đỏ), sẽ đem lại nguồn thu lớn cho các hộ dân ở vùng rừng sương rét này.

Cùng với thâm canh cây lúa nước, luân canh cây màu, trồng rừng, trồng cây công nghiệp là phát triển chăn nuôi gia súc, đây là một thế mạnh của Na Ngoi. Hiện tại xã có đàn trâu bò trên 2000 con, ngựa, dê 500 con, lợn 1609 con... Nhờ vay vốn ngân hàng, kỹ thuật chăn nuôi và công tác thú y tốt nên đàn gia súc không còn bị dịch bệnh hoành hành như trước. Mặt khác "đầu ra" của vật nuôi cũng thuận lợi nhiều: ô tô đã về đến trung tâm xã, đường xe máy đến được 2/3 số bản. Đâu còn cảnh người dân phải mấy ngày đường đi bộ theo lối mòn ra chợ huyện. Xã có trường THCS, tiểu học, mầm non, 100% trẻ em được đến trường. Cơ sở y tế 17/18 bản, 10/18 bản có nước sạch, 70% số hộ có điện thắp sáng từ máy thuỷ điện nhỏ từ khe suối. 100% hộ dân được nghe đài, nhà văn hoá bản đã có ti vi, sách báo.

Ông Xồng Dông Xểnh ở bản Cà Dưới, đã 20 năm làm chủ tịch xã, về hưu ông vẫn hăng hái hướng dẫn con cháu làm kinh tế giỏi. Người cán bộ cơ sở đã bao năm gắn bó với quê hương, vận động bà con không vượt biên theo lời những kẻ xấu, bỏ trồng cây thuốc phiện, xuống núi làm cây lúa nước, mở đường ô tô vào bản, nói với chúng tôi, ánh mắt lấp lánh niềm vui: "Na Ngoi đang từng ngày khởi sắc. Có đường ô tô rồi, điện lưới, điện thoại sẽ về bản một ngày không xa nữa".

Chúng tôi đến Puộc Mú thấy dân bản đang làm ruộng bậc thang, nhìn dòng nước mát đang leo lên từng thửa ruộng, mới biết xã đã có 4 đập tràn, 3,8 km kênh mương đủ nước tưới cho 65% diện tích.

Ông Mùa Dua Vừ hoan hỉ: "Người Mông ta giỏi nghề rèn nhưng ngày xưa chỉ biết làm ra súng để săn bắn, làm cái rìu, cái rựa để chặt cây rừng. Rừng cạn kiệt mà đời sống dân bản vẫn đói nghèo. Bây giờ đúc lưỡi cày, lưỡi cuốc để làm cây lúa nước, trồng cây màu, đời sống khá rồi, rừng xanh lại và muông thú đã rủ nhau về".

Bí thư Đảng uỷ Mùa Dua Thái còn rất trẻ, mới ngoài 30, anh tâm sự với chúng tôi trên đường tới bản Tăng Phăn: "Ngoài nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân Na Ngoi, xã chúng tôi có sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước và các dự án 134, 135... chỉ mấy năm gần đây đã lên tới 16 tỷ đồng. Mặt khác được sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng 545, Đoàn 4, không chỉ vấn đề an ninh biên giới được giữ vững, việc phát triển kinh tế, văn hoá của xã chúng tôi cũng khởi sắc nhiều".

Cuối Đông ở Puxailaileng rất lạnh. Dân bản cho biết nhiệt độ ở đây có lúc xuống đến 0oC, sương muối và luôn có gió cấp 8. Nhưng chúng tôi cảm thấy ấm áp lạ thường. Mùa Xuân đã đến từ cuộc sống mới của bản làng, từ những cành đào và những bông hoa rừng khoe sắc giữa đại ngàn xanh thắm.

                                                         Võ Văn Vinh