(Baonghean) - Châu Bình (Quỳ Châu) “thủ phủ” hồng ngọc, đá quý nổi tiếng một thời “dữ dằn”, nay đang yên bình cuộc sống mới với màu xanh của rừng keo, nương mía, ruộng màu… Người dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất, xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả, đóng góp lớn vào phong trào xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn. Ấy là cũng bắt đất đai cho tiền cho bạc đấy, nhưng không phải là sự đào bới tàn phá như xưa, mà là một công cuộc hồi sinh bền vững cho vùng “đất dữ”…
 
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn ở bản Quỳnh 1, xã Châu Bình (Quỳ Châu) đón chúng tôi bằng những cái bắt tay chặt và tiếng cười hào sảng. Sau khi mọi người cùng ngồi quây quần trên tấm phản bê tông được sơn giả gỗ, khách có ý như muốn hỏi ở rừng mà vẫn nằm phản bê tông, ông với tay rót nước cho từng người rồi cười: “Làm chi có gỗ mà làm dong thật các chú. Gỗ lấy mô ra nữa, rừng bây giờ có cây keo là may lắm rồi”. Ông Tuấn vốn bản quán ở huyện Quỳnh Lưu, năm 1981, gia đình ông lên định cư, lập nghiệp tại xã Châu Bình theo diện kinh tế mới. Ngày ấy cả vùng Quỳ Châu núi rừng còn rậm rạp, gỗ quý còn nhiều. Vậy mà thoắt cái, cơn bão đá đỏ tràn về, toàn bộ khu vực từ bản Quỳnh 1, Quỳnh 2, đến bản Bình, bản 32, bản 34 không còn một thước đất nguyên vẹn, lở loét những hầm hố... – Chắc gia đình mình cũng tham gia đào đá đỏ? Nghe chúng tôi hỏi, ông Tuấn liền chia sẻ: “Đó là chuyện cả đời người không dễ quên. Nhà tôi cũng bị cuốn theo cơn ác mộng đá quý. Kết thúc những ngày tháng khốc liệt, tiền bạc đâu không thấy chỉ thấy những thửa ruộng không còn hình hài, những ngọn đồi không còn một cành cây. Rất may các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ kịp thời, nên chúng tôi còn có ngày hôm nay”. 
 
images1058542_rung_keo.jpgRừng keo của ông Nguyễn Ngọc Tuấn ở bản Quỳnh 1,xã Châu Bình (Quỳ Châu)
 
Ấy là nhờ có sự vào cuộc chỉ đạo, tuyên truyền của các cơ quan, đơn vị, địa phương, gia đình ông Tuấn đứng ra nhận 10 ha rừng. Năm đầu tiên ông trồng quế, tiếp theo trồng keo xen quế, và nay hoàn toàn trồng keo. Ngoài ra trên diện tích thuận lợi hơn gia đình ông Tuấn còn trồng trên 1 ha mía. Năm 2013, từ cây mía gia đình thu về hơn 50 triệu đồng, còn đợt bán keo vừa qua, gia đình thu được hơn 200 triệu đồng. Và sắp tới tiếp tục khai thác trên 2 ha keo đến tuổi thu hoạch. Được biết, tại bản Quỳnh 1 hiện nay bà con đang trồng hơn 400 ha keo, gần 20 ha mía. Nhờ việc trồng rừng và cây công nghiệp nên cuộc sống của người dân đang ổn định, nhiều hộ đã trở nên khá giả.
 
Anh Lang Văn Dướng ở bản Bình 2 cũng có một thời bỏ ruộng, bỏ nương đến đồi Tỷ, đồi Triệu để kiếm tìm vận may với hồng ngọc. Vận đỏ chẳng thấy đâu chỉ thấy mọi của nả trong gia đình đội nón ra đi. Sau nhiều ngày trăn trở, anh Dướng bấm chí quyết tâm làm lại từ đầu. Được sự hỗ trợ của UBND xã Châu Bình, năm 2000 anh vay ngân hàng 15 triệu đồng mua máy cày để làm dịch vụ cho bà con nông dân trong xã. Nhích dần từng bước một, tiếp đó, gia đình anh Dướng nhận gần 1 ha đất trồng mía, 2 ha đất trồng keo. Đất đã không phụ công người biết quý giá trị lao động, cuộc sống gia đình anh Dướng dần ổn định. Vào ngày mùa chiếc máy cày chẳng mấy khi được ngơi nghỉ, ruộng nương nhờ chăm bón tốt, đúng kỹ thuật nên hằng năm đều cho năng suất cao. Hiện nay anh Dướng có 2 con đang học cao đẳng và 1 con học đại học. Đây có lẽ là niềm vui lớn nhất đối với anh, người đã từng trải qua những tháng ngày bị đánh lừa bởi ảo tưởng giàu sang nhờ vận đỏ và cũng nghĩ rằng không bao giờ có thể làm lại cuộc đời.
 
Xã Châu Bình hiện có 13.000 ha đất tự nhiên, trong đó đất lâm nghiệp 11.000 ha, đất dành cho sản xuất nông nghiệp chỉ 2.000 ha. Ông Kim Văn Duyên – Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho hay, hiện nay trong khi xã chỉ có khoảng 300 ha đất canh tác lúa nước, nên đất rừng vẫn là nguồn sống chủ yếu của người dân. Trong số 11.000 ha đất lâm nghiệp của xã Châu Bình thì Lâm trường Cô Ba đang quản lý khoảng 6.000 ha, xã quản lý 5.000 ha. Ông Kim Văn Duyên cũng cho biết, hiện tại trong số 2.600 hộ dân của xã thì có tới 1.000 hộ không có một mét vuông đất rừng nào. Một trong những nguyên nhân được xác định là do trước đây khi giao đất thì bà con không nhận, đến nay khi việc giao đất, giao rừng đã cơ bản ổn định thì nhu cầu trồng rừng lại trở nên bức thiết. Trước tình hình đó, năm 2013, UBND tỉnh đã thu hồi của Lâm trường Cô Ba 1.135 ha để giao lại cho xã Châu Bình quản lý. Trên cơ sở đó, cộng với diện tích còn lại xã Châu Bình có thêm 1.900 ha. Hiện tại UBND xã và các đơn vị liên quan đang tiến hành đo đạc và bàn giao cho các hộ dân. Đến thời điểm này, đã có thêm 50 hộ được giao rừng. Theo kế hoạch đến năm 2015 Châu Bình sẽ sắp xếp bàn giao cho mỗi hộ dân có ít nhất 1 ha rừng.
 
Điều đáng mừng nhất ở vùng đất từng là thủ phủ của đá quý Châu Bình, ấy là tư duy của người dân đã thay đổi. Thể hiện rõ nhất là việc bà con đã chủ động trong việc đầu tư, sản xuất. Đến nay, bà con vay gần 80 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp đầu tư phát triển kinh tế. Điều đặc biệt là  không có trường hợp nào nợ quá hạn. Cơ cấu kinh tế cũng nhờ vậy mà chuyển dịch đúng hướng và tích cực. Xã Châu Bình có 705 ha mía, 200 ha sắn, hơn 100 ha rau đậu. Năm 2013, cây mía cho sản lượng 42.000 tấn và doanh thu toàn xã đạt 40 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 60% giảm xuống còn 51,4%. Nỗ lực của chính quyền địa phương là đến năm 2015 sẽ giảm thêm 7%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Châu Bình đã hoàn thành 11/19 tiêu chí. Trong đó, riêng tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, Châu Bình đạt đầu tiên và thuộc nhóm cao nhất toàn huyện với 16 triệu đồng/người/năm. 
 
Trong những ngày lưu lại Châu Bình, chúng tôi còn gặp ông Lang Văn Chiếc – người đàn ông sống nghèo khổ, túng quẫn ở bản Khe Khoang. Trong ngôi nhà mái bằng, ốp đá rửa đã cũ kỹ – “mốt thời thượng” dành cho những gia đình trúng đá đỏ trước đây, ông Chiếc với dáng người hom hem lủi thủi một mình. Thật khó hình dung về một người đàn ông hào phóng tiêu tiền như nước một thời. Trò chuyện, ông cười buồn: “Tôi là người đầu tiên ở xã ni trúng đá đỏ. Rồi xây nhà, mua xe máy xênh xang…. Nhưng bây giờ không còn chi. Con trai cũng chết trên Quế Phong vì ám ảnh ác mộng tìm đá quý. Dừ còn cái nhà không như các chú thấy đó… Chỉ có lao động chân chính thôi! Trồng rừng, chăn nuôi mới bền được các chú ạ!”.
 
Đào Tuấn – Nguyên Sơn