(Baonghean) Vì không có điện lưới quốc gia nên bà con dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa huyện miền núi Con Cuông đã tạo ra những máy phát điện mini để lấy năng lượng thắp sáng, xem ti vi thậm chí còn kích điện bắt cá. Tuy nhiên, do không có kiến thức về điện năng dẫn đến hàng loạt người dân bị điện giật.

Khe Khặng gồm 2 bản: bản Cò Phạt và bản Bủng, có 186 hộ tộc người Đan Lai sinh sống. Để ra được trung tâm xã, bà con phải ròng rã hết hơn 40km đường rừng hay đường sông. Chúng tôi đi bằng xuồng máy, phải mất hơn 3 tiếng mới vào được. Vì cách xa trung tâm, cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, thiếu đói quanh năm.

Với bà con nơi đây, thác nước và những hòn đá lớn lại là một lợi thế để tận dụng tự tạo công trình thủy điện mini. Từ khi có máy phát điện tận dụng sức nước, nhà nào có điều kiện thì mua sắm ti vi, hay mua đài loa nghe nhạc, mua bóng đèn thắp sáng và các thiết bị sử dụng điện khác.

779369_small_78873.jpg

            Dây điện được nối từ suối về nhà mắc vào hàng rào một cách tạm bợ.

Ngặt nỗi, vì dựa vào sức nước, nên phải phụ thuộc vào sự bất thường của “ông nước” chảy lúc nhanh, lúc chậm nên sẽ cho điện mạnh hay điện yếu. Điện chập chờn dẫn đến tình trạng các thiết bị sử dụng điện của bà con bị cháy liên tục. Cứ trung bình mỗi tháng 1 lần, nhà nào cũng phải đi mua bóng điện mới về thay, chưa nói đến việc xem ti vi...

Loại thủy điện mini  này được người dân Con Cuông gọi là “điện cù”, thực chất là một loại tuốc bin. Trên thị trường có bán 2 loại 5 lượng và 1 cân, với giá dao động từ 800.000- 3.500.000 đồng, tương đương với công suất 300w- 30kw.

Vì khao khát có ánh điện thắp sáng và “đói” thông tin nên nhà nào cũng cố đi rừng góp mật o­ng, kiếm măng, lấy gỗ để bán kiếm tiền mua chiếc máy “cho” điện. Có nhiều nhà chung tiền lại mua một cái tuốc bin cỡ “bự”.



                          Công trình thủy điện mi ni thô sơ rất nguy hiểm.

Do không có kiến thức sử dụng dụng cụ phát điện chạy bằng sức nước này, dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng. Dây điện được đấu nối từ suối về nhà dẫn mắc một cách tạm bợ. Thậm chí, có trường hợp có nhà dùng dây dẫn điện bằng thép không vỏ bọc. Nguy hiểm nhất là  trẻ em thường ra suối đùa nghịch bên cạnh các tuốc bin đang phát điện. Chứng kiến những cảnh tượng đó, thấy xót xa cho người dân nơi đây. Nguy hiểm luôn rình rập khi  vào ban đêm người dân đi kiếm con tôm con cá dưới suối,  chẳng may vô tình đụng phải dây điện, hậu quả thật khôn lường. Biết rằng nguy hiểm là vậy nhưng người dân Đan Lai vẫn bất chấp để có được dòng điện thắp sáng.
Anh La Văn Tư (sinh 1994) là một trong số nạn nhân may mắn sống sót sau điện giật. Buổi trưa, ra suối bắt cá, vì trời nắng nên không nhìn thấy dây điện là một dây thép nhỏ, không có vỏ bọc. Bị vướng vào, anh Tư lập tức ngã quỵ xuống lúc nào không hay. Sự việc xảy ra cũng được mấy tháng, hiện nay sức khỏe của anh Tư bị giảm sút hẳn, cứ cách 2 ngày người đau ê ẩm, máu từ tai và mũi chảy ra...

Sự nguy hiểm đang diễn ra hàng ngày mà không một ai tuyên truyền giải thích về điện cho bà con hiểu rõ. Theo thống kê sơ bộ, riêng vùng Khe Khặng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông có hàng chục công trình thủy điện mini và đã có ít nhất 9 nạn nhân bị điện giật?!

Số người chết chắc chắn là nhiều hơn, nhưng chính quyền xã “ngại” báo cáo. Ngoài ra, gia súc như trâu bò bị điện giật chết rất nhiều, gây thiệt hại cho bà con.


Trần Lê