(Baonghean) Quế Sơn (Quế Phong) là xã có xuất phát điểm thấp, đời sống của đại bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Song dưới sự định hướng của Đảng ủy xã, “thủ phủ quế” đang dần thoát nghèo một cách bền vững.
Theo chân Phó Chủ tịch xã - Trần Điệp Tùng Dương, chúng tôi tìm về xóm Hải Lâm 2 và được chứng kiến sự khởi sắc trong đời sống của bà con ở vùng đất được mệnh danh là “đất khát” này. Mặc dù nằm cách trung tâm xã không xa nhưng từ khi người dân dưới xuôi lên khai hoang rồi định cư, cuộc sống chưa bao giờ khá giả bởi đơn giản vùng đất này chỉ có nắng, gió và khô hạn. Tất cả chỉ thực sự thay đổi khi Đảng ủy xã có chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và đứng ra hướng dẫn, làm “bà mối” kết nối giữa người dân và doanh nghiệp để trồng cây mía công nghiệp.
Cánh đồng mía của gia đình anh Nguyễn Minh Hiển đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Cây mía hợp với thổ nhưỡng địa phương, đầu ra ổn định, đã tạo hướng đột phá cho vùng đất này. Gia đình anh Nguyễn Minh Hiển, ở xóm Hải Lâm 2, năm vừa qua làm được 3 ha mía, thu hoạch được 170 tấn với tổng giá trị 170 triệu đồng, lãi gần 80 triệu đồng. Nguồn thu nhập trên đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định, cả 4 người con đều được học hành đầy đủ. Anh Hiển cho biết: “Nhà máy đã cung cấp phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật cho chúng tôi từ đầu vụ, cuối vụ thu hoạch mới thu tiền nên gia đình tôi và nhiều gia đình khác có điều kiện canh tác, mở rộng diện tích trồng mía. Sản phẩm làm ra lại được nhà máy bao tiêu hết, giá cả lại hợp lý nên gia đình yên tâm sản xuất”.
Từ sự thành công bước đầu, phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đang được nhân rộng trong nhân dân. Riêng tại xóm Hải Lâm 2 đã có trên 50 hộ tham gia trồng mía nguyên liệu trên tổng diện tích 17ha, riêng vụ mía năm nay diện tích trồng mía tăng thêm 18ha. Nguồn thu từ mía đang giúp bà con thoát nghèo thực sự bền vững.
Theo thống kê, năm 2010, xóm có 54/89 hộ thuộc diện hộ nghèo, song chỉ sau 2 năm trồng mía, số hộ nghèo giảm xuống còn 20 hộ. Anh Hiển tâm sự: Chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền địa phương kết hợp với sự tận tình, nhanh nhạy của cán bộ xã đã giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng hiệu quả kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Nhung là điển hình xóa đói giảm nghèo nhờ chăn nuôi lợn thịt. Hiện nay, gia đình đang nuôi 25 con lợn thịt và chuẩn bị trồng gần 1ha mía nguyên liệu.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại Hải Lâm 2 đã tạo nên diện mạo mới cho vùng “đất khát”. Phó Chủ tịch xã Trần Điệp Tùng Dương cho biết: “Từ Nghị quyết của Đảng bộ xã, chính quyền đã chủ động phối hợp với nhà máy đường chuyển giao kỹ thuật trồng mía cho bà con. Cả cán bộ xã, cán bộ kỹ thuật của nhà máy đều xắn tay vào hướng dẫn quy trình trồng mía nên năng suất đạt cao, hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhiều bà con phấn khởi làm theo. Hiện nay, cây mía nguyên liệu đang phát triển, nhân rộng diện tích tại các xóm, bản thuộc cụm Trung tâm và cụm Tây Sơn của xã”.
Tuy nhiên, các bản: bản Đại, bản Cộc, bản Piếng Mòn thuộc cụm Nam Sơn vẫn đang là khu vực kém phát triển nhất của xã. Hiện nay, giao thông nội cụm ở đây rất khó khăn, lưới điện quốc gia cũng chưa kéo về khu vực này. Cả 3 bản có khoảng 130 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Khơ mú, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50% số hộ, quỹ đất sản xuất nông nghiệp lại eo hẹp. Nắm được đặc thù của cụm, Đảng ủy, chính quyền xã đã chủ động đưa các loại giống gia súc, gia cầm đến trực tiếp các hộ gia đình. Cán bộ xã xuống tận nơi “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn đồng bào chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Anh Dương cho biết: “Tháng 6 vừa qua, xã đã cấp 200 con lợn nái sinh sản cho 100 hộ nghèo ở ba bản cụm Nam Sơn. Cán bộ xã cũng thường xuyên vào cơ sở để hướng dẫn bà con chăn nuôi đúng kỹ thuật. Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho các hộ dân ở Nam Sơn đang là ưu tiên của xã, nếu làm tốt sẽ giảm được tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn xã xuống thấp hơn nữa, Quế Sơn sẽ thực sự thoát nghèo”.
Thành công bước đầu trong xóa đói giảm nghèo hôm nay là nhờ Đảng ủy xã kịp thời có những bước đi đúng đắn, phát huy được sự đồng lòng của người dân. Bí thư Đảng ủy xã Lô Thái Huyết kể, lúc xã mới thành lập năm 2005, đại bộ phận bà con nhân dân có đời sống rất khó khăn. Đảng ủy xã đã bàn bạc và xác định tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới mong tạo bứt phá.
Sau nhiều nghiên cứu, tìm hiểu, cây mía nguyên liệu được chọn đưa vào đồng đất Quế Sơn. Nhưng người nông dân vẫn chưa tin là cây mía sẽ bén rễ đất này vì lo hạn hán, lo độ dốc của nương rẫy cao… “Chúng tôi tổ chức cho bà con đi tham quan thực tế ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu. Mọi chi phí đi lại, ăn ở được xã và Công ty Mía đường đài thọ. Được đi, được xem cách làm ăn và được nghe lời hứa bao tiêu sản phẩm của nhà máy mía đường nhưng bà con vẫn chưa thực sự tin tưởng làm theo. Vụ mùa đầu tiên, đảng viên được giao nhiệm vụ phải gương mẫu làm trước trên diện tích 5,6 ha”. Đảng viên đi trước, trồng mía rất thành công, hiệu quả kinh tế thu được khá cao, từ đó nhiều bà con mới đưa mía vào trồng ở chân ruộng và phát triển lên diện tích như hôm nay. “Cái căn bản là đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ, để rồi từ hiệu quả thực tế sẽ làm thay đổi tập quán canh tác, suy nghĩ của bà con. Thời gian tới, Đảng ủy xã sẽ tiếp tục lãnh đạo các cấp chính quyền triển khai việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là tại 3 bản khó khăn nhất ở cụm Nam Sơn” - Bí thư Huyết chia sẻ.
Khi người dân chung sức đồng lòng
Thành Duy