(Baonghean) - Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” đã xác định rằng “đổi mới tư duy giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt”, “đổi mới kiểm tra, đổi mới đánh giá, đổi mới thi cử là khâu đột phá”.
Giữa 2 khâu “then chốt” và “đột phá” đó, đề án lần này cũng đề cập đến một số vấn đề cụ thể với tinh thần quyết tâm giảm tải, hợp lý hóa chương trình học ở các cấp học phổ thông. Theo đó, sau năm 2015, chương trình học ở bậc tiểu học sẽ chỉ còn 3-6 môn học, (hiện nay đang học 11 môn), bậc THCS sẽ chỉ học 8 môn (hiện nay đang học 13 môn). Riêng chương trình học ở bậc học THPT sẽ được soạn thảo theo định hướng phân hóa mạnh, hướng nghiệp cao. Ban soạn thảo dự kiến học sinh ở bậc học này chỉ học 3 môn bắt buộc là Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ. Còn các môn Vật lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Khoa học máy tính, Kinh doanh, Nghệ thuật, hướng nghiệp…thì cho phép học sinh tùy ý lựa chọn.
Với cách bố trí chương trình học như vậy, rõ ràng là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông chắc chắn phải thi các môn học bắt buộc chứ không thể thi những môn tự chọn. Cụ thể là dự thảo dự kiến kỳ thi tốt nghiệp phổ thông chỉ thi 2 môn là Toán và Tiếng Việt. Nhiều người lo ngại rằng, nếu vậy, học sinh rất dễ bỏ bê các môn học không thi tốt nghiệp mà chỉ tập trung vào 2 môn học để thi. Điều lo lắng đó rất có cơ sở, chưa thấy có sự giải thích thỏa đáng từ phía các nhà soạn thảo đề án cũng như từ phía các cán bộ chuyên môn của Bộ GD-ĐT.
Một vấn đề khác, khiến nhiều người còn băn khoăn là ban soạn thảo đề án dự kiến lấy điểm của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông làm căn cứ để tuyển sinh vào CĐ, ĐH. Nói chính xác, theo tinh thần của dự án thì việc tuyển sinh CĐ, ĐH sẽ dựa vào 3 yếu tố : Quá trình học tập của học sinh, điểm thi tốt nghiệp và điểm kiểm tra “đầu vào” khi sinh viên nhập học, trong đó, điểm thi tốt nghiệp là căn cứ quan trọng nhất. Theo quan niệm của ban soạn thảo đề án thì cách tuyển sinh này có ưu điểm là kết hợp được việc đánh giá kết quả của cả quá trình học tập với việc xét kết quả từ điểm số của kỳ thi tốt nghiệp để tuyển sinh, để từ đó, giảm thiểu bớt sự phức tạp cồng kềnh của các kỳ thi CĐ, ĐH. Thế nhưng, xét cho cùng, chúng ta lại thấy cách tuyển sinh CĐ, ĐH theo phương án này còn nhiều nhược điểm và có không ít những điều đáng phải lo ngại.
Ai cũng biết, thi tốt nghiệp THPT của ta, bao nhiêu năm nay đều đạt kết quả 98%, 99% hoặc có trường đạt tốt nghiệp 100%. Các kỳ thi tốt nghiệp THPT của chúng ta không phản ánh đúng chất lượng và trình độ học tập của học sinh. Do đó, không thể lấy kết quả thi tốt nghiệp phổ thông làm căn cứ, làm chuẩn mực để xét tuyển sinh vào CĐ, ĐH. Vả lại, do mục đích khác nhau nên đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và đề thi tuyển sinh vào các trường đại học tất yếu phải khác nhau về mức độ, yêu cầu, chất lượng. Nếu lấy điểm thi tốt nghiệp phổ thông làm căn cứ để tuyển sinh đại học thì e rằng, chúng ta sẽ hạ thấp các yêu cầu của việc tuyển sinh vào đại học? Một điều e ngại khác là tính chính xác của việc đánh giá toàn bộ quá trình học tập suốt 12 năm phổ thông của mỗi học sinh.
Hiện nay, ai cũng biết, từ khi có con vào học vỡ lòng, mẫu giáo, không hiếm các vị phụ huynh học sinh đã nháo nhác chạy vạy cửa trước, cửa sau để tìm cách xoay xở, kết nối các mối liên hệ, liên kết. Họ “chạy” từ cái phiếu bé ngoan ở bậc học vỡ lòng đến các lời phê “khá”, “giỏi”, đến các điểm số 9, 10 ở các bậc học cao hơn! Với hiện trạng như vậy mà ban soạn thảo đề án cho rằng, có thể lấy nhận xét “khách quan”, điểm số và sự đánh giá học sinh của các thầy, cô về quá trình học tập của học sinh để làm căn cứ tuyển sinh vào CĐ, ĐH được sao?
Lại còn vấn đề đang nổi cộm trong thực tế hiện nay là xu hướng thương mại hóa giáo dục, coi giáo dục là thương trường mua bán, kinh doanh, biến người học thành đối tượng khai thác, gây nhiềù tiêu cực, hạn chế các hoạt động đổi mới giáo dục khá nặng nề mà vẫn chưa thấy ban dự thảo đề án đề ra các biện pháp để dần dà có thể khắc phục? Bệnh thành tích, bệnh thiếu trung thực trong thi cử, bệnh đánh giá sai lệch chất lượng học sinh cũng chưa có biện pháp cụ thể để loại trừ. Nhiều phụ huynh học sinh nói rằng, dự thảo đề án đã rất mạnh dạn đổi mới, nhưng hãy còn nhiều điều rất đáng bận tâm, lo ngại?!
Thạch Quỳ