(Baonghean) - Người Việt mình, dù làm gì, ở đâu, trong một năm lại có thêm một ngày đặc biệt để hướng về tình cảm rất đỗi thiêng liêng, trân trọng mà cũng thật gần gũi, thân thương: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tình cảm đó đã trở thành một sự tri ân của toàn xã hội đối với những người thầy giáo; một sự vinh danh xứng đáng nhất cho một "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý" (Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Ngày Nhà giáo Việt Nam còn là sự chuyển tải truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ nghìn năm trước đến muôn năm sau.
Bác Hồ nói: Không có thầy giáo là không có giáo dục. Ai cũng biết, Giáo dục đã, đang luôn là đòi hỏi hàng đầu của nền tri thức nhân bản thời đại, là quốc sách hàng đầu của mọi quốc gia. Người thầy giáo dù ở đâu vì thế có sứ mệnh hết sức cao cả, thiêng liêng.
Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên) tặng hoa chúc mừng nhân Ngày 20/11. - Ảnh: Sỹ Minh
"Hoan Châu văn khí ngàn năm vững/Học đạo chính tâm muôn thuở còn" (Câu đối Văn miếu Nghệ An -1803). Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và khoa bảng của người Nghệ luôn được nuôi dưỡng và phát huy. Mấy mùa học gần đây, giáo dục Nghệ An đạt nhiều thành tựu tự hào: Ấy là số lượng thủ khoa, á khoa trong các kỳ thi tuyển sinh đại học; ấy là những giải thưởng học sinh giỏi quốc tế, quốc gia; ấy là những chỉ tiêu về phổ cập giáo dục, trường chuẩn quốc gia, phong trào khuyến học,... thuộc hàng cao trong các địa phương cả nước. Thành tích đó, trước hết là cả khối tâm huyết, tinh thần yêu nghề, trách nhiệm và tình thương yêu học trò của đội ngũ các thầy cô giáo, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa...
Khó khăn nhịp sống thị trường với những bão giá, chậm lương, chao đảo môi trường sư phạm... đã càng sáng lên những tấm gương các thầy cô giáo tất cả vì học sinh thân yêu, vượt lên khó khăn góp từng đồng lương ít ỏi, kiên trì vận động, sáng tạo trong giảng dạy, bám trường bám lớp để hạn chế học sinh bỏ học, lôi cuốn cộng đồng cùng quan tâm vì "sự nghiệp trăm năm trồng người" ở tỉnh quê hương Bác Hồ.
Vẫn chưa hết những tảo tần, chắt chiu của những bậc làm mẹ làm cha mong cho con có chữ, có đạo thành người với sự kỳ vọng, cậy trông lớn lao vào người thầy. Vẫn rất nhiều những gương học sinh nghèo vượt khó học giỏi để không phụ lòng thầy, cô giáo của mình... Hiếu học và kính trọng người thầy đang là một nền tảng quan trọng trong xây dựng xã hội học tập hôm nay.
Nửa chữ cũng là thầy! Hẳn trong những ngày này, không ai muốn mình là kẻ "lỗi đạo", để được dành cho các thầy giáo, cô giáo những bó hoa tươi thắm nhất với những lời chúc mừng tốt đẹp và kính trọng!