(Baonghean) - Đạo thầy trò là xưa hay nay hẳn gồm: Đạo làm thầy, và đạo làm trò. Hai "đạo" này song hành hòa quyện vào nhau, tương tác lẫn nhau. Trong mối quan hệ ấy thầy phải chăm lo giữ đạo làm thầy, trò phải chăm lo giữ đạo làm trò. Bất cứ sự vi phạm nào, về phía nào (thầy hoặc trò) đều làm cho đạo thầy-trò mất đi ít nhiều cái ý nghĩa đích thực của đạo thầy trò. Xưa là vậy và nay cũng là vậy.

Khi xem xét, nhìn nhận, đánh giá đạo thầy trò ngày nay cần có cái nhìn truyền thống gắn với cái nhìn hiện đại. Có vậy mới thật khách quan (và khoa học) khi xem xét những gì của đạo thầy-trò ngày nay không như ngày xưa nữa, hoặc không hoàn toàn như ngày xưa nữa.

Xưa và nay: Nghề dạy học được xã hội coi trọng, dẫu cách coi trọng có khác nhau. Xưa: Thầy trên cả cha mẹ, chỉ dưới Vua. Nay: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nghề dạy học là nghề cao quý. Trong các "ngày" trong xã hội ta hiện nay có lẽ chỉ có 2 "ngày" được toàn xã hội, toàn dân (tôi xin không nói toàn Đảng, hoặc Nhà nước) quan tâm tận đáy lòng. Đó là "Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7" và "Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11".

Xưa: Ông cha ta yêu quý, kính trọng thầy (cô). Nay: Con cháu ta vẫn yêu quý, kính trọng thầy (cô). Về tính phổ quát (tính chung nhất) phải nhìn nhận như thế. Có thể tình cảm yêu quý, kính trọng thầy (cô) của cha ông sâu nặng hơn, đậm đặc hơn so với con cháu bây giờ, và nhất là đã biểu hiện cụ thể khác với bây giờ.

Nhìn nhận như thế để khẳng định rằng: Đạo lý tôn sư trọng đạo ngày nay vẫn đang được giữ gìn. Có thể có biểu hiện mai một nào đó, chứ không thể nói là đã bị "mai một đi nhiều" (*).

Cuối cùng, về câu hỏi: "Học sinh ngày nay không yêu, không kính thầy, cô như các thế hệ cha mẹ, ông bà xưa, lỗi do ai?", xin được bàn thêm thế này:

Cần nói cho sát hơn cái chữ "như". Đó là như cách, như kiểu, như mức độ yêu, kính có lẽ là đúng thực tế hơn. Còn nếu chữ "như" với cái nghĩa là hoàn toàn không yêu, không kính thì e rằng hơi quá. Xin khẳng định lại: Học sinh ngày nay vẫn yêu, vẫn kính thầy cô. Chỉ có điều là sự yêu, kính bây giờ đã biểu hiện khác với các thế hệ cha mẹ, ông bà xưa.

Xưa hẳn cũng khó mà có cả 100% trò yêu kính thầy trọn vẹn "dựa trên lòng thành kính, biết ơn và tình cảm trìu mến, yêu thương" (*). Nay, hẳn lại càng có không ít học sinh không yêu quý, kính trọng thầy cô hoặc yêu quý, kính trọng không thực lòng. Lỗi do ai ư? Trước hết là do một số biểu hiện xuống cấp đạo đức trong một bộ phận con người trong xã hội ta khi mà lối sống thực dụng, lối sống chạy theo đồng tiền đang làm tha hóa đạo đức xã hội. Kế đó là do cha mẹ học sinh đã không "dạy con từ thuở lên ba" về đạo làm người nói chung và "đạo làm trò" nói riêng. Và, dẫu có xót lắm thì cũng phải nói là còn do một số rất ít người thầy, người cô nào đó đã không làm đầy đủ "đạo làm thầy" của mình.

Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp đến. Đây là dịp để các bậc ông bà, cha mẹ ngày nay, toàn thể học sinh, sinh viên đang học và ngay cả bản thân đội ngũ đông đảo các nhà giáo tự mình nghĩ suy và hành động để sao cho đạo lý tôn sư, trọng đạo của dân tộc ta được giữ gìn, được nâng lên để sáng đẹp mãi lên.
_____________
(*) Trích trong bài: "Đạo thầy-trò: Xưa và nay" Báo Nghệ An số ra ngày 10/11/2012.


Trương Công Anh