Trung tá Trần Văn Dụ (SN 1941), hiện trú tại khối 16, phường Hưng Bình (TP. Vinh), nhập ngũ năm 1961, trong chiến tranh chống Mỹ có mặt ở chiến trường Trị - Thiên đến ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng (1975). Năm 1976, khi vừa chuyển ra miền Bắc được mấy tháng, đơn vị Tiểu đoàn 21 trực thuộc BTL Hải quân của ông nhận được lệnh hành quân vào biên giới Tây Nam.

bna_ong_du_7anh_cong_kien4164593_412019.jpgTrung tá Trần Văn Dụ luôn tự hào được có mặt trong "Đội quân nhà Phật" giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Ảnh: Công Kiên
“Lúc ấy, tôi là chính trị viên tiểu đoàn, chiến sỹ đa số nhập ngũ trong năm 1975, tuổi còn rất trẻ, chưa qua chiến đấu nên chỉ huy tiểu đoàn khá lo lắng. Vì trước khi lên đường, nhiều người được về phép thăm nhà, đơn vị cũng lo lắng sợ sẽ có người tìm cách đến muộn để không kịp vào chiến trường, quân số sẽ bị thiếu. Nhưng đến giờ lên đường, điểm danh không sót một ai, tất cả cùng chung quyết tâm sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ Tổ quốc” - ông Dụ kể lại.

Tham gia cuộc Tổng tiến công chiến lược giải phóng Phnom Penh, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, trong đó có Tiểu đoàn 21 được giao nhiệm vụ giải phóng các tỉnh ven biển Campuchia và 44 hòn đảo nằm rải rác trên Vịnh Thái Lan. Đồng thời, tiêu diệt toàn bộ lực lượng Hải quân của Khơ Me Đỏ.

Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Ảnh tư liệu

“Đêm 5/1/1979, dưới sự yểm trợ của pháo binh và tàu mặt nước, tiểu đoàn thủy quân lục chiến 21 đổ bộ lên đất Campuchia, thực hiện nhiệm vụ giải phóng các tỉnh ven biển. Hai ngày sau, cùng lúc đại quân của ta tiến vào giải phóng Phnom Penh, Tiểu đoàn 21 tiến công giải phóng Kom Pong Som, rồi Koh Kong” - Trung tá Trần Văn Dụ nhớ lại.

Tiếp đến, Tiểu đoàn 21 do ông làm Tiểu đoàn trưởng tiến hành truy quét tàn quân Khơ Me Đỏ, chống trả các cuộc tập kích và giúp nhân dân nước bạn khôi phục sản xuất. Đã 40 năm trôi qua, người chỉ huy của tiểu đoàn này vẫn không nguôi ám ảnh về những bộ xương nằm rải rác dọc bờ ruộng, những “thành phố chết” không có một bóng người và những người dân chỉ còn da bọc xương hay mặt mũi phù nề.

Những hình ảnh ấy đã đủ nói lên tính chất man rợ và chính sách diệt chủng của chế độ Pol Pot đối với người dân Campuchia và nhân dân các tỉnh biên giới Tây Nam của nước ta. Từ đó, nỗi căm thù dâng lên tột độ, thúc giục Đoàn quân tình nguyện Việt Nam quyết tâm chiến đấu, sớm giành thắng lợi để lật đổ chế độ diệt chủng, đưa đất nước Campuchia trở lại hòa bình.

Sau khi giành thắng lợi và giải phóng các tỉnh ven biển, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 21 lên rừng tìm những người dân bị Pol Pot dồn lên đây để lao động sản xuất. Ai cũng gầy tong teo vì đói khát và lúc đầu tỏ ra sợ hãi khi thấy quân tình nguyện Việt Nam. Nhưng khi được giải thích thấu đáo, người dân ở đây lập tức tin tưởng và bày tỏ sự biết ơn.

Trung tá Trần Văn Dụ (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: NVCC

Để cứu đói cho dân, chỉ huy Tiểu đoàn 21 ra lệnh phá kho lương thực và chuồng trại, mổ lợn, gà rồi chia đều cho từng người. Còn trâu, bò được đưa về các xóm làng, chia cho từng hộ gia đình để chăn nuôi và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cuộc sống ngày một ổn định trở lại, xóm làng từng bước hồi sinh, việc sinh sống và làm ăn được bảo vệ. Vì thế, nhân dân nước bạn gọi bộ đội tình nguyện Việt Nam là “Đội quân nhà Phật”.

Trung tá Trần Văn Dụ cho biết thêm: “Suốt gần 10 tháng chiến đấu và đóng quân trên đất Campuchia, ban đêm đơn vị toàn phải ở dưới hầm để tránh sự quấy nhiễu của tàn quân Khơ Me Đỏ. Xong nhiệm vụ, đơn vị được lệnh về nước để chi viện cho chiến trường biên giới phía Bắc. Tiểu đoàn 21 chúng tôi luôn tự hào được nằm trong “Đội quân nhà Phật”, góp phần giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng”.