Hãy nhớ lại tất cả những gì mà bạn đã ăn vào cơ thể mình trong ngày hôm nay. Có thể bạn đã chọn cho mình một bữa trưa lành mạnh, nhưng thức ăn thì để trong hộp nhựa. Có thể bạn ăn thêm sữa chua - tốt cho sức khỏe - nhưng vỏ hộp sữa chua cũng là nhựa.
Bạn uống nước bằng cốc thủy tinh, nhưng nước được rót ra từ bình nhựa lớn. Salad hoặc hoa quả cũng được để trong hộp nhựa. Đặc biệt, nếu bạn ăn táo thì bọc nó lại bằng phim nylon là một mẹo để táo không hóa nâu.
Luôn có một tỷ lệ rất cao những gì bạn ăn ngày hôm nay được đóng gói trong túi nylon, bảo quản trong hộp nhựa, làm nóng, đựng trong bát, đĩa, thậm chí được phục vụ với thìa và đũa nhựa. Và đa phần các dụng cụ trên được làm từ nhựa polycarbonate, một số chứa các hóa chất mang hoạt tính sinh học chẳng hạn như bisphenol A (BPA) và phthalates.
Những hóa chất nhân tạo này có thể rỉ ra khỏi nhựa và nhiễm vào thức ăn, đồ uống - đặc biệt là khi chúng được đun nóng. Nghiên cứu đầu năm nay cho thấy hơn 90% nước đóng chai từ các thương hiệu hàng đầu thế giới bị ô nhiễm với hạt vi nhựa. Và phát hiện này khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặc biệt quan tâm.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Khôi, Viện Hóa học, chất lượng nhựa trên thị trường hiện nay không kiểm soát được. Những sản phẩm dùng để đựng thức ăn được làm bằng nhựa tái chế rất nguy hiểm. Dù chưa thể biết độ độc hại đến đâu, nhưng nếu sản phẩm từ nhựa rác thải thì người dùng có nhiều nguy cơ bị nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, chúng ta không kiểm soát được chất phụ gia cho vào để sản xuất nhựa tái chế như chất bột đá, chất hóa dẻo… Bên cạnh đó, nhựa làm từ rác thải có nhiều beoxit độc hại, nhiều tạp chất, mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe con người. Cũng theo ông Khôi, nhựa có thể tái sinh nhưng tái sinh với mục đích gì mới là điều quan trọng, nếu tái sinh từ rác để làm đồ dùng phục vụ ăn uống thì phải kiểm định gắt gao.
Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Các nhà khoa học đã chứng minh, chất BPA trong nhựa có thể gây ra các biến chứng về nhiễm sắc thể đối với thai nhi và dẫn đến các khuyết tật bẩm sinh.
Ngoài ra, các chất hóa học trong nhựa có thể rối loạn các hormone giới tính như estrogen, dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người sử dụng nước đóng chai chất lượng thấp có thể tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Nhiễm trùng
Thực tế cho thấy, nước đóng chai không hoàn toàn đảm bảo vệ sinh. Vi khuẩn có thể xâm nhập nếu quy trình tiệt trùng và đóng chai không đảm bảo. Thiết kế của vỏ chai cũng đóng vai trò quan trọng. Những loại chai có thiết kế cầu kỳ thường rất khó để làm sạch. Bạn nên chú ý các đặc điểm của chai nhựa khi quyết định sử dụng nước uống đóng chai thường xuyên trong gia đình.
Tăng nguy cơ gây ung thư
Các chuyên gia khuyên bạn nên tránh sử dụng chai nhựa để lưu trữ nước ấm. Nhiệt độ cao có thể xúc tác cho phản ứng hóa học giữa nước và các thành phần của vỏ chai, tạo ra các hợp chất gây ung thư. Bạn nên sử dụng chai thủy tinh hoặc chai kim loại chất lượng tốt để lưu trữ nước uống.
Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng không nên sử dụng các hộp xốp, hộp nhựa để đựng thức ăn, đồ uống đang nóng, thức ăn có nhiều dầu, mỡ, nước sôi. Đồng thời, không dùng để đựng các đồ chua như dưa muối, salad trộn dấm, nước chanh… Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, người tiêu dùng nên hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm trên để đựng thực phẩm.