Giấc mơ "miền đất hứa"


(Baonghean) - Một trong số hàng trăm gương mặt ngơ ngác bắt xe khách vào Nam trên Quốc lộ 1 vào ngày 16 tháng Giêng vừa qua mà chúng tôi gặp là Nguyễn Văn Dương ở xã nổi tiếng với nghề làm nồi đất (Trù Sơn, Đô Lương).

Em vừa 18 tuổi, "đến tuổi đi làm rồi" - Dương nói. Em bắt xe khách vào Bình Dương với lời hứa của một người quen xin cho làm công nhân. Em kể: Ngoài làm ruộng ở quê thì phần đông thanh niên và những cặp vợ chồng trẻ đều tìm cách đi xa lập nghiệp, chủ yếu vào các tỉnh phía Nam. Có người ăn nên làm ra lắm, nhưng cũng có những người thấy mấy năm chưa về nhà, con cái đang gửi ông bà chăm nom. "Nhưng dù sao cũng phải đi, cũng phải thử sức thôi! Trong ánh mắt của cậu thanh niên trẻ, là rất nhiều hy vọng đang nhen nhóm.


Không "Nam tiến" như lựa chọn của Dương, chúng tôi gặp anh Hà Văn Thuận tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh và được biết, anh lại có giấc mơ ở miền đất khác: Thái Lan. Anh nói: "Mấy năm nay, dân quê tôi (Thanh Tùng - Thanh Chương) lại rộ "mốt" làm ăn ở Lào, ở Thái. Nhiều người sang Lào trồng cao su, về lấy vợ rồi đưa vợ, đưa em út sang đó làm ăn. Một số khác đi Thái làm nghề may mặc. Lương hàng tháng của mỗi người cũng chừng 6 đến 8 triệu đồng, còn hơn ở nhà làm ruộng".

772937_small_71211.jpg

Bố mẹ đi làm ăn xa, ông ở nhà kèm cháu học bài


Chính vì vậy, cũng thật dễ hiểu khi không chỉ những chuyến xe vào Nam chật khách sau Tết, sau Rằm, mà tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh cũng tấp nập không kém. Có những thôn xóm được mệnh danh là "xóm nước ngoài" với lượng ngoại tệ thu về hàng năm khá lớn, làm thay đổi bộ mặt quê hương như xóm Bình Minh, xóm 17 ở Phúc Thọ, Nghi Lộc có tới 70-80% số hộ có con, em đi xuất khẩu lao động. Nhà chị Võ Thị Hà ở xóm 17 có 4 con thì có tới 3 đứa đi làm việc tại Đài Loan.


Mang theo giấc mộng đổi đời, nhưng cũng không ít người vẫn trở về với đôi tay trắng, chưa kể mang theo những bi kịch đau lòng. Nhiều đôi vợ chồng chia tay do nghi kỵ lẫn nhau, nhiều cô gái đi làm công nhân trở về với đứa con nhỏ mà không có chồng, nhiều người thì mang theo bệnh tật, cá biệt có những người bị tai nạn lao động và trở thành gánh nặng suốt đời cho bố mẹ già. "Đúng là có sướng, có khổ, nhưng tâm lý thanh niên bây giờ là thế, không muốn bám lấy cái cày, con trâu ở quê đâu. Nghe cái tên nhà máy, xí nghiệp vẫn "oai" hơn, thêm nữa có điều kiện ra ngoài mở mang đầu óc, có người còn mộng được học thêm lên" - một lãnh đạo xã Võ Liệt (Thanh Chương) cho biết.


Nỗi niềm phía quê nhà


Trong căn nhà nhỏ ở xóm 2 (Trù Sơn, Đô Lương), chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Liễu, năm nay 63 tuổi, đang lọ mọ bên bàn học cùng đứa cháu nội. Bà có tất cả 5 người con, thì cả 5 đều đi làm ăn xa, trong đó có 2 người con trai cùng con dâu đi 2 năm nay chưa về, gửi 3 đứa cháu cho bà trông nom, dạy bảo. Bà ngậm ngùi: "Thì cũng vì hoàn cảnh chúng phải đi làm ăn nên gửi con cho tôi chăm nom. Từ việc ăn ngủ, học hành đều một tay tôi. Tết mới qua ít ngày mà đứa cháu 4 tuổi nhớ cha mẹ khóc suốt, một mực đòi đi gặp cha mẹ, vậy nên dù già yếu rồi nhưng tôi vẫn lặn lội đưa cháu vào T.P Hồ Chí Minh gặp cha mẹ nó, đỡ tội."


Chung hoàn cảnh ấy, bà Nguyễn Thị Hoàn cũng cùng xóm với bà Liễu có 8 người con (đã mất 1) có tới 6 người đi vào miền Nam lập nghiệp. Bà tâm sự "Tết này, cả 6 đứa đều không về, tính cả dâu con là tròn 10 đứa. Chúng vẫn điện thoại hàng ngày đấy, nhưng mấy ngày Tết sum họp, cứ nghe tiếng rộn rã nói cười ở hàng xóm là lòng tôi thắt lại. Buồn thì buồn thật, nhưng ai nỡ giận. Phải hiểu cho chúng chứ, chúng cũng đắng lòng mà".


Cháu Vũ Hồng Hạnh (8 tuổi), hiện đang là học sinh lớp 2 Trường tiểu học Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu, khi chúng tôi gặp đã hồn nhiên nói : "Hiện cháu đang ở với o cho bố mẹ đi làm xa ạ." Hỏi chuyện chúng tôi được biết, mới 8 tuổi nhưng Hạnh đã nhiều năm thiếu hơi ấm cha mẹ. Lúc đang học mẫu giáo, cháu cũng đã được bố mẹ đưa theo vào Nam - nơi bố mẹ làm việc nhưng đến khi cháu học hết lớp 1 thì vì điều kiện khó khăn, bố mẹ lại đưa cháu về học tại quê nhà. Nhà có 2 chị em, Hạnh ở với o, còn em của Hạnh thì ở cùng ông bà nội. Mặc dù nhớ bố mẹ, nhưng Hạnh rất ý thức được hoàn cảnh của mình, "Cháu phải tự lập để bố mẹ ở xa được yên tâm." - Hạnh luôn nhớ câu dặn dò của ông bà.


"Cơn lốc ly hương" đã khiến nhiều địa phương vắng lặng. Trong làng, xóm toàn thấy bóng người già, trẻ nhỏ. Ra đồng cũng toàn thấy người già. "Sau Rằm là buồn hắt buồn hiu" - ông Nguyễn Văn Hùng (Quỳnh Diễn - Quỳnh Lưu) vừa quét dọn lại bàn thờ họ sau ngày tế Tổ vừa thở dài. Gia đình ông, con cái cũng đi làm xa hết, đứa ở Lạng Sơn, đứa ở T.P Hồ Chí Minh. Chỉ còn cô con gái lấy chồng về xã bên, đôi khi còn ghé qua nhà thăm vội bố mẹ được chút đỉnh. Ông Hùng nói "Vẫn biết xa quê để làm ăn, kiếm sống nhưng việc nhà, việc quê hương cũng không lấy ai ra mà lo".

Chính vì thế, nhiều phong trào đoàn thể ở địa phương tê liệt. Có những xóm rơi vào tình trạng thay Bí thư chi đoàn liên tục. Nhưng lo hơn là "phong trào" ly hương lại còn kéo theo những hệ lụy đáng báo động. Như ở Trường THCS Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) năm nào ra Tết cũng có học sinh bỏ học đi miền Nam. Ông Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Năm ngoái ra Tết có 5 trường hợp bỏ học đi làm, năm nay số lượng tăng lên đến 8 em, chủ yếu là học sinh khối 8, khối 9, trong đó có những em học lực rất khá. Nhà trường cũng tìm biện pháp vận động, giáo viên đến từng nhà, nhưng cũng không thay đổi được nhiều.


Thay lời kết


Những thôn, xóm trời vừa tối đã im lìm vắng lặng. Đôi vạt đèn hắt ra ở bàn học nhỏ nghiêng nghiêng bóng đứa trẻ với một ông già, hay bà lão mắt đã đục mờ. Bức tranh ấy dễ dàng gặp ở nhiều làng quê xứ Nghệ. Dường như ai cũng đang cố gắng, đang hy vọng, phấp phỏng đợi mong một cái Tết sum vầy cho niềm vui mái nhà dột được lành lặn, tấm áo mới xúng xính với nắng xuân, những câu chuyện xa xôi kể rộn rã một góc làng... Không biết có ai ở nơi xa, đã trải qua phút giây "ngẩng đầu ngắm trăng sáng" để "cúi đầu" nhớ một quê hương đau đáu tim mình?


Nhóm pvtt