065239-1.jpgChuyên gia Muller và các thành viên trong nhóm nghiên cứu. Ảnh: CNA

Theo trang Channelnewsasia, kỹ thuật trên có thể giúp giảm tiếng khóc của các em nhỏ tại phòng khám bác sĩ, giúp những người bị ám ảnh bởi ống tiêm khỏi sợ hãi và cách mạng hóa y học.

Ngoài ra, việc vận chuyển các miếng dán trên da sẽ dễ dàng hơn vì không cần bảo quản lạnh và thậm chí có thể nâng cao hiệu quả của vắc xin.

Nghiên cứu mới áp dụng trên chuột đã cho thấy những kết quả hứa hẹn, bài viết đăng tải trên tạp chí Science Advances cho biết. Theo đó, một nhóm nghiên cứu Mỹ và Australia đã sử dụng miếng dán có kích thước 1cm vuông chứa hơn 5.000 chiếc gai siêu nhỏ.

“Nó nhỏ tới mức bạn không thể nhìn thấy”, David Muller, một chuyên gia về virus tại Đại học Queensland và là đồng tác giả bài báo cho biết.

Các mũi gai này được phủ một lớp vắc xin thử nghiệm và miếng dán được bấm vào người bằng một dụng cụ giống như quả bóng khúc côn cầu. “Nó giống như việc bạn chạm nhẹ vào da”, ông Mueller cho hay.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một loại vắc xin gọi là “tiểu đơn vị”, có khả năng tạo các gai chấm trên bề mặt của virus corona. Chuột được tiêm vắc xin bằng ống tiêm hoặc qua miếng dán trong vòng 2 phút.

Hệ miễn dịch của những người được dán miếng dán vắc xin sẽ tạo ra lượng kháng thể trung hòa sau khi dùng hai liều. Đây là yếu tố quan trọng để ngăn chặn Covid-19 và miếng dán có tác dụng tốt hơn ống tiêm.

Theo ông Muller, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng một nhóm nhỏ những con chuột chỉ tiêm một liều vắc xin có chứa chất bổ trợ dùng để thúc đẩy phản ứng miễn dịch, không hề bị ốm. Chuyên gia này giải thích, vắc xin thường được tiêm vào cơ nhưng các mô cơ không chứa nhiều tế bào kháng thể cần thiết để phản ứng với thuốc. Ngoài ra, các gai nhỏ làm chết da cục bộ và điều này đã cảnh báo cơ thể có vấn đề và kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn.

Đối với các nhà khoa học, việc vận chuyển miếng dán vắc xin cũng tiện lợi hơn so với những loại vắc xin khác. Đầu tiên, khi được phủ khô trên miếng dán, vắc xin ổn định trong ít nhất 30 ngày ở 25 độ C và trong 1 tuần ở nhiệt độ 40 độ C. Trong khi đó, vắc xin do Moderna và Pfizer sản xuất chỉ để được vài giờ ở nhiệt độ phòng. Miếng dán vắc xin mang lại lợi thế to lớn đặc biệt cho các quốc gia đang phát triển.

Thứ hai, miếng dán vắc xin rất dễ sử dụng, không cần các nhân viên y tế được đào tạo mới sử dụng được, ông Muller nói.

Miếng dán được dùng trong nghiên cứu trên do Công ty Vaxxas của Australia sản xuất. Các thử nghiệm trên người được lên kế hoạch từ tháng 4. Hai công ty khác của Mỹ cũng đang tham gia cuộc đua tạo miếng dán vắc xin là Micron Biomedical và Vaxess.