Chuyên gia Robert Manning, thành viên Hội đồng Atlantic về Chiến lược và An ninh ở Washington nhận xét: “Có một số nhân tố hỗn hợp” đằng sau việc Triều Tiên thay đổi thái độ bất ngờ.
Đồng quan điểm, chuyên gia Lee Suk thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) nhận định: “Tác động của các lệnh trừng phạt dường như chưa rõ rệt trên thị trường, song có khả năng Triều Tiên có thể chịu sự thụt lùi hơn nữa trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và tiêu dùng, làm suy giảm đáng kể phúc lợi của các nhân tố kinh tế”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng còn quá sớm để kết luận các biện pháp trừng phạt thực sự có ảnh hưởng.
Một số chuyên gia nhận xét các hành động gần đây của ông Kim không có gì đáng bất ngờ mà nằm trong chiến lược lâu dài của vị lãnh đạo trẻ tuổi này, bởi hiện nay Triều Tiên đang nắm giữ con bài mặc cả quyền lực, đó là chương trình vũ khí hạt nhân mà ông Kim tuyên bố đã hoàn tất hồi tháng 11 năm ngoái.
Còn có luồng ý kiến cho rằng chính Trung Quốc là nhân tố khiến Triều Tiên có thái độ hòa giải. Giáo sư Park Won-gon thuộc Đại học Handong nhận định: “Tôi nghĩ Trung Quốc đóng vai trò trong việc dẫn dắt Triều Tiên quay lại bàn đàm phán. Bắc Kinh cảnh báo nước này không còn có thể bảo vệ Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục gây ra hành động khiêu khích hạt nhân và tên lửa. Đối với Triều Tiên, nước này không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc được nữa”./.