Ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến tăng trưởng mạnh; xuất nhập khẩu xác lập kỷ lục mới... đã tạo động lực cho GDP năm 2017 tăng 6,81%.
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, ngày 27/12, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, GDP năm 2017 của cả nước tăng 6,81% so với 2016, vượt kế hoạch 6,7% và là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2016.
Thu nhập bình quân mỗi người Việt tăng 170 USD
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt hơn 5 triệu tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước 53,5 triệu đồng một năm, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.
"Mức tăng GDP 6,81% là kết quả tính toán hoàn toàn tin cậy", ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.
Con số này, theo ông Lâm, được tổng hợp từ báo cáo hàng tháng và có số liệu thống kê đầy đủ, chi tiết và tính toán theo cách tính khoa học của thế giới.
Động lực khiến GDP đạt mức tăng vượt kế hoạch 6,7% năm nay, ông Dương Mạnh Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia phân tích, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với mức tăng 2,90% đã góp 0,44 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp vào mức tăng chung là 2,87 điểm phần trăm.
Bức tranh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng có nhiều khởi sắc khi cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 1,3 triệu tỷ đồng.
Một yếu tố khác là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung 9,4% toàn ngành công nghiệp. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây của ngành này nhờ phần lớn từ sự đóng góp của Samsung và Formosa.
"Cả Samsung và Formosa đóng góp 4,02 điểm phần trăm vào mức tăng 9,4% của ngành công nghiệp trong năm 2017", Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp nói.
Lý giải thêm về con số tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Bích Lâm đề cập tới con số xuất nhập khẩu với kim ngạch kỷ lục trên 400 tỷ USD, trong đó 5 tháng liên tiếp, kim ngạch này đạt hơn19 tỷ USD, đặc biệt tháng 10/2017 trên 20 tỷ USD. Những con số này được Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê gọi là "kỳ tích thương mại Việt Nam".
Dù nền kinh tế còn phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu của nước ngoài, do nhập hơn 91% tư liệu sản xuất, song vẫn xuất siêu 2,1 tỷ USD nhờ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá. Trong con số 213 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam năm nay, có tới 28 nhóm hàng hoá xuất khẩu trên một tỷ USD, trong đó, 5 nhóm hàng hoá xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
"Trong thành tích này, phải kể đến Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã rất năng động khi tìm kiếm thị trường xuất khẩu, điển hình là mặt hàng rau củ", ông Lâm nói.
Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn cả Lào
Tăng trưởng năm 2017 đạt mức tăng ngoạn mục 6,81%, nhưng năng suất lao động Việt Nam đang rất thấp, thấp hơn cả Lào. Thách thức này cũng là một trong những rào cản với nền kinh tế năm 2018.
Theo ông Bích Lâm, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước đạt 93,2 triệu đồng một lao động (khoảng 4.159 USD). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất năm 2017 tăng 6% so với 2016, và bình quân giai đoạn 2011 - 2017 tăng 4,7% một năm.
Thế nhưng năng suất lao động Việt Nam hiện thấp hơn các nước trong khu vực. Tính toán của Tổng cục thống kê theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia và bằng 87,4% Lào. Cụ thể, trong vòng 10 năm (2006 - 2016) mức chênh năng suất lao động của Singapore và Việt Nam là 16.246 USD; Malaysia là 6.384 USD và khoảng cách với Lào là 1.202 USD.
"Năng suất lao động Việt Nam hiện thấp hơn Lào và mức chênh lệch với các nước tiếp tục gia tăng", ông Lâm cảnh báo.
Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, năm 2018 nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là việc thích ứng cuộc cách mạng 4.0 và kéo gần khoảng cách năng suất lao động với các nước.
Để đạt mục tiêu năm 2018 GDP tăng 6,5-6,7%, lạm phát bình quân 4%, các giải pháp căn cơ vẫn được cơ quan thống kê khuyến cáo là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động và linh hoạt chính sách tiền tệ, tăng cường kỷ luật tài chính...
Theo VNE