Tổng cộng có hơn 41GB dữ liệu ước tính khoảng 1,4 tỷ tài khoản sử dụng thư điện tử và mật khẩu trên thế giới đã bị lộ.

VNCERT cho biết, qua theo dõi các sự cố trên không gian mạng, VNCERT đã ghi nhận được số lượng lớn tài khoản sử dụng thư điện tử và mật khẩu bị lộ lọt thông tin trên toàn thế giới từ các mạng xã hội và dịch vụ trực tuyến như: Bitcoin, Pastebin, LinkedIn, MySpace, Netflix, Last.FM, Zoosk, Badoo, RedBox…

Tổng cộng có hơn 41GB dữ liệu ước tính khoảng 1,4 tỷ tài khoản sử dụng thư điện tử và mật khẩu trên thế giới đã bị lộ. Trong đó, VNCERT đã phân tích và phát hiện số tài khoản sử dụng thư điện tử tại Việt Nam có đuôi ".vn" là 437.664 tài khoản, bao gồm các tài khoản sử dụng thư điện tử của cơ quan nhà nước có đuôi "gov.vn" là 930 tài khoản và rất nhiều tài khoản sử dụng thư điện tử của các tập đoàn, doanh nghiệp hạ tầng quan trọng của Việt Nam.

1514427435950.jpg

Theo cơ quan điều phối ứng cứu sự cố quốc gia, việc lộ các thông tin tài khoản sử dụng thư điện tử và mật khẩu sẽ tạo điều kiện cho tin tặc sử dụng tài khoản, mật khẩu đó để dò thông tin và đăng nhập nhiều hệ thống thông tin. Nếu thành công, tin tặc sẽ chiếm đoạt tài khoản và sử dụng vào việc tấn công, đánh cắp và phá hủy hệ thống thông tin, dữ liệu.

Trước nguy cơ, VNCERT đã yêu cầu các đơn vị và khuyến cáo người dùng cả nước thực hiện khẩn cấp việc kiểm tra, rà soát hệ thống, tăng cường chính sách mật khẩu và giải pháp xác thực nhiều lớp; thay đổi mật khẩu các tài khoản đăng nhập; không sử dụng email của đơn vị để đăng ký tài khoản cá nhân sử dụng trên mạng xã hội, dịch vụ trực tuyến.

"Việc lộ lọt thông tin tài khoản sử dụng thư điện tử và mật khẩu tạo ra các nguy cơ nguy hiểm, VNCERT đề nghị các đơn vị và người dùng nghiêm túc thực hiện để đảm bảo an toàn không gian mạng", công văn của VNCERT nhấn mạnh.

Việt Nam mất 540 triệu USD do virus

Kết quả trên được đưa ra từ chương trình đánh giá an ninh mạng do Bkav thực hiện vào tháng 12/2017. Mức thiệt hại tại Việt Nam đã đạt kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Bức tranh toàn cảnh về an ninh mạng tại Việt Nam trong năm qua còn có các điểm nóng: gia tăng tấn công trên thiết bị IoT, các công nghệ sinh trắc học mới nhất liên tục bị qua mặt, bùng nổ tin tức giả mạo, mã độc đào tiền ảo.

Về xu hướng 2018, Bkav cho biết, sẽ tiếp tục là năm chứng kiến sự bùng nổ các cuộc tấn công phát tán mã độc nhằm thu lợi bất chính như mã độc mã hóa tống tiền ransomware, mã độc đào tiền ảo…

Theo Bkav, bên cạnh việc phát tán mã độc để tạo ra mạng lưới botnet đào tiền ảo, hacker cũng sẽ nhắm mục tiêu tấn công trực tiếp vào các sàn giao dịch tiền ảo.

Hiện nay hầu hết các sàn giao dịch tiền ảo đều không có sự đảm bảo từ các chính phủ, do vậy nếu xảy ra tấn công, người tham gia sàn giao dịch sẽ chịu mọi rủi ro, mất tiền.

Facebook tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho các hành vi lừa đảo và tin tức giả mạo. Tấn công vào thiết bị IoT sẽ có xu hướng cài đặt phần mềm gián điệp nằm vùng, thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích APT mang màu sắc chính trị.

Theo Tri thức trẻ

TIN LIÊN QUAN