(Baonghean.vn) - Khai thác thủy, hải sản bằng nghề lưới kéo ven biển, đăng đáy trên sông biển là đang tận diệt nguồn lợi thủy hải sản. Mặc dù Nhà nước đã cấm từ lâu, nhưng nghề này vẫn đang được ngư dân vô tư khai thác.
Tận diệt từ cửa sông...
Chưa có số liệu thống kê có bao nhiêu ngư dân làm nghề đăng đáy trên các con sông trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng dọc phần hạ lưu của con sông Lam, đoạn qua xã Hưng Hòa, huyện Hưng Nguyên dễ dàng bắt gặp những dãy cọc tre được đóng xuống lòng sông. Đó là chính là những cọc tre dùng để ngư dân làm nghề đăng đáy, tận diệt thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Châu, ngư dân xóm Thuận 1, xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh bộc bạch: Đăng đáy là nghề truyền thống của chúng tôi. Đã 67 tuổi, trên 40 năm bám nghề đăng đáy, nên ông dày dặn kinh nghiệm với nghề. Ông cho biết: Tầm 7 giờ tối, khi nước triều xuống là thả lưới đụt, đến khoảng 11 giờ khuya, ra thu sản phẩm, được bao nhiêu mang về nhà lựa ra bán cho khách hàng.
Ông Châu giải thích, nghề này mình không bỏ công sức nhiều, chỉ cần chiếc thuyền nhỏ và 3 cái lưới đụt, còn cọc bằng tre, chôn một lần có thể sử dụng được cả năm. Việc đánh bắt cũng không khó, khi triều xuống, nước sông chảy mạnh, thủy, hải sản các loại từ ngoài biển ngược sông rồi quay ra biển, dễ dàng chui vào đụt. Đụt được đan dày mắt nên con khuyết biển cũng không thoát được. Mỗi ngày như vậy, ông Châu thu hoạch được trên dưới 20 kg tôm, cá to nhỏ các loại.
Ông Nguyễn Văn Châu cho biết thêm, đây là nghề truyền thống của bà con nơi đây, nên không xin phép cơ quan chức năng nào. Được biết ở xã Hưng Hòa có làng chuyên làm nghề đăng đáy từ bao đời nay.
... đến vùng biển
Nghề lưới kéo của ngư dân vùng ven biển đang ngày càng gia tăng, khiến nguồn lợi hải sản đang bị tận diệt, ảnh hưởng đến nguồn sinh kế của con người, làm mất trật tự an ninh vùng ven biển, gây bức xúc cho cộng đồng ngư dân ven biển. Mặc dù nghề này đã được Bộ nông nghiệp - PTNT cấm từ nhiều năm trước, nhưng hàng trăm ngư dân Nghệ An vẫn bám nghề này.
Ông Trần Văn Kỳ lão ngư xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cho biết: Nghề lưới kéo của ngư dân Diễn Ngọc có từ bao đời nay, nên không mấy ai đổi nghề khai thác. Bản thân ông làm nghề này từ khi 16 tuổi, đến nay ông đã có 4 chiếc thuyền, chia làm 2 đôi (lưới kéo đôi). Nghề này đi về trong ngày nên lượng hải sản đánh bắt được không nhiều, mỗi chuyến một đôi đánh bắt được 3 - 4 tấn hải sản các loại. vì là hải sản tổng hợp, to, nhỏ đều bắt tất, nên giá trị không cao.
Vì sao ngư dân Diễn Châu ít chuyển đổi nghề khai thác hải sản, qua tìm hiểu, ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho rằng: Sở dĩ ngư dân Diễn Châu khó chuyển đổi nghề khai thác là vì đây là nghề truyền thống, hơn nữa bến Diễn Ngọc nước cạn, tàu thuyền to không ra vào được, nên ngư dân không sắm thuyền to máy lớn. Một số ngư dân đầu tư đóng thuyền to, nhưng phải đậu ở bến khác. Huyện Diễn Châu hiện có 446 tàu thuyền, thì chỉ có 140 tàu đánh bắt xa bờ, phần lớn còn lại làm nghề lưới kéo ven bờ. Mỗi năm địa phương đánh bắt được trên 30 nghìn tấn hải sản các loại.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, tính đến 30/3/2016, toàn tỉnh có 3.978 tàu thuyền đánh bắt hải sản, thì trong đó có 818 tàu làm nghề lưới kéo ven biển (trong đó có 752 tàu đã được cấp phép). Địa phương có nhiều tàu thuyền làm nghề lưới kéo nhiều nhất là huyện Diễn Châu, với hơn 300 chiếc.
Để đảm bảo nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, trên vùng biển Nghệ An, ngày 30/3/2015, UBND tỉnh ra Chỉ thị số 07/2015/CT-UBND về việc tăng cường quản lý tàu khai thác thủy sản bằng nghề lưới kéo trên vùng biển thuộc địa bàn Nghệ An. Theo đó, nghiêm cấm sử dụng nghề lưới kéo để khai thác tại tuyến bờ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo nghị định 103/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.../.
Xuân Hoàng