(Baonghean) - Thuyên chuyển, luân chuyển giáo viên là một trong những giải pháp nhằm cân đối, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên giữa các trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện cho những giáo viên đã công tác lâu năm ở vùng khó ra vùng thuận lợi. Tuy nhiên, do còn nhiều lúng túng trong cách làm, chưa có quy chế chuẩn nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn…

images903572_710._th_th__tr_n_con_cu_ng.jpgCô giáo Hoàng Thị Thành - giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Con Cuông đã 4 lần đi nghĩa vụ.

Con Cuông là một huyện vùng cao, trong đó có 8 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn nằm trong diện 135, đó là các xã Bình Chuẩn, Cam Lâm, Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn, Lạng Khê, Châu Khê, Môn Sơn. Đây là các xã thuộc diện ưu tiên của Chính phủ nên ngoài tiền lương thì tiền phụ cấp, thu hút của giáo viên ở các xã này thường cao hơn giáo viên ở 5 xã thuộc vùng thuận lợi như Bồng Khê, Lục Dạ, Yên Khê, thị trấn, Chi Khê.

Đặc điểm này cũng là khó khăn của ngành Giáo dục huyện nhà trong quá trình luân chuyển giáo viên, bởi thường giáo viên vẫn thích ở vùng khó để có thu nhập cao, không bị nặng áp lực về chuyên môn. Trong khi đó, dù mang tiếng là ra vùng thuận lợi nhưng giáo viên cũng phải mất mười mấy cây số đi dạy, bởi có những điểm trường như trường Lục Dạ (điểm trường thuận lợi) lại cách điểm trường Môn Sơn 2 (điểm khó khăn) chỉ 1 - 2 cây số.

Thế nên, những năm trước ở Con Cuông mới có tình trạng, một số trường ở vùng khó, dù thiếu giáo viên nhưng không tuyển thêm mà hàng năm chỉ nhận giáo viên tăng cường về để các giáo viên biên chế không phải chuyển đi nơi khác. Do thực tế này, nên nhiều năm nay việc luân chuyển giáo viên ở Con Cuông gặp nhiều trở ngại. Thế nên, để “điều hòa” giáo viên giữa các khu vực, giữa các trường với nhau huyện đưa ra hai giải pháp. Thứ nhất là thực hiện nghĩa vụ giáo viên.

Theo đó, tất cả giáo viên ở các trường đều phải đi nghĩa vụ đến vùng khó, vùng sâu vùng xa với thời hạn nam là 3 năm, nữ là 2 năm. Sau khi hết một lượt trong trường, các giáo viên sẽ quay vòng lại. Ngoài ra, nếu luân chuyển thì chỉ luân chuyển giáo viên từ vùng khó sang vùng khó, vùng thuận lợi sang vùng thuận lợi để tránh ảnh hưởng quyền lợi của giáo viên. Quy trình này được thực hiện liên tục nhiều năm nay, tuy đa phần khi có yêu cầu phải đi nghĩa vụ các giáo viên đều nghiêm túc thực hiện, nhưng theo ý kiến của một số giáo viên, cách làm này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Ví như, nếu chỉ luân chuyển từ vùng thuận lợi sang vùng thuận lợi thì khó có thể công bằng cho tất cả các giáo viên, vì sẽ có những người mãi ở vùng khó mà không có điều kiện ra vùng thuận lợi.

Ngược lại, những người bị luân chuyển sang các trường khác thấy không phát huy được việc luân chuyển bởi nơi dạy mới không khác nhiều so với điều kiện của nơi dạy cũ, lại phải mất thời gian để làm quen với môi trường mới, học trò ở trường cũ thì bị ảnh hưởng vì phải thay đổi giáo viên. Đi nghĩa vụ quá nhiều nên gây xáo trộn trong tư tưởng và làm gián đoạn quá trình giảng dạy. Cô Hoàng Thị Thành (giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn), vào nghề 23 năm nhưng cô đã có đến 4 lần phải đi nghĩa vụ tại các điểm trường Châu Khê 3, Mậu Đức, Lục Dạ, Châu Khê 2 với tổng thời gian 6 năm. Lần gần đây nhất là khi cô đã xấp xỉ 50 tuổi. Ở Trường Tiểu học Thị trấn, có đến 36 giáo viên thì người nào cũng phải đi nghĩa vụ, người ít thì một đến hai lần, người nhiều thì 3 – 4 lần. 

 
Việc đi nghĩa vụ nhiều lần trong thời gian công tác cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt, chăm sóc gia đình của các thầy cô giáo. Theo ông Phan Anh Tài - Trưởng phòng Giáo dục huyện: Về lâu dài, để nâng cao chất lượng chung cho tất cả các trường thì phải ổn định bộ máy tổ chức và nếu vậy thì việc điều chuyển giáo viên theo hình thức tăng cường hay đi nghĩa vụ 1 - 2 năm không phải là giải pháp tốt nhất, mà cần phải có phương án luân chuyển cụ thể. Xây dựng quy chế như thế nào thì cần phải thực hiện từng bước, bởi vấn đề cán bộ là vấn đề phức tạp, liên quan đến quyền lợi của mỗi cá nhân cụ thể. Về phía ngành, để xây dựng quy chế, thời gian qua cũng đã lấy ý kiến thăm dò xuống các trường nhưng vẫn đang còn một số thắc mắc nên thời điểm này chưa xây dựng được quy chế để thực hiện luân chuyển.
 
Để đưa ra phương án luân chuyển giáo viên cũng là vấn đề đang gặp phải của các phòng giáo dục hiện nay, đặc biệt là từ năm 2007, sau khi UBND tỉnh phân cấp việc tiếp nhận, tuyển dụng, hợp đồng giáo viên cho UBND các huyện và trường. Thế nên, mỗi một huyện có một quy chế, một cách làm riêng trong việc thực hiện luân chuyển. Tuy vậy, do nhiều nơi việc thực hiện chưa công bằng, thiếu nghiêm túc nên vẫn đang còn tình trạng giáo viên bất bình, xảy ra kiến nghị đơn thư vượt cấp. Như trong năm nay, thầy giáo Nguyễn Xuân Hà ở Trường THCS huyện Hưng Nguyên nhiều lần gửi đơn kiến nghị vì quyền hiệu trưởng Đặng Công Thân không công bằng trong việc thuyên chuyển, vi phạm quy định của Luật Lao động, làm sai lệch kết quả bình xét điều chuyển giáo viên.
 
Trước đó mấy năm, 119 giáo viên đồng loạt bị thuyên chuyển ở huyện Yên Thành cũng đồng loạt kiến nghị việc làm thiếu dân chủ, thiếu công bằng của huyện. Huyện Đô Lương cũng gặp phải vấn đề tương tự trong năm đầu tiên thực hiện luân chuyển giáo viên theo quy chế mới, bởi nhiều ý kiến cho rằng việc luân chuyển theo các thang điểm mà huyện đưa ra chưa thích hợp, dẫn đến tình trạng người nhiều tuổi đã từng đi nghĩa vụ thì phải đi xa, còn người trẻ, ít tuổi hơn thì được ở nơi thuận lợi. Hay nhiều người thắc mắc “hết thời hạn điều chuyển thì giáo viên có được về lại trường cũ hay không?”, hoặc cách tính điểm mà phòng giáo dục đưa ra dựa trên khoảng cách kilomet là không hợp lý, không công bằng. Nhắc lại điều đó, ông Nguyễn Tất Tây - Trưởng phòng Giáo dục huyện Đô Lương cũng rút ra nhiều kinh nghiệm như: Trong quá trình thuyên chuyển phải căn cứ vào kế hoạch, biên chế của từng năm học, cân đối nhu cầu giáo viên, nhân viên của từng môn, từng vùng, từng trường và yêu cầu công tác của toàn ngành, nguyện vọng chính đáng của cá nhân, đồng thời phải xem xét tới nghĩa vụ tại trường vùng khó, vùng miền núi trên địa bàn của huyện. 
 
Thực tế, từ năm học 2010 – 2011, năm đầu tiên thực hiện quy chế điều chuyển giáo viên đến nay, huyện Đô Lương đã phải nhiều lần sửa đổi quy chế để phù hợp với điều kiện mới, hoàn cảnh mới, như trước đây miễn việc điều chuyển cho người nuôi con nhỏ dưới 36 tháng nhưng nay sửa lại là 12 tháng, giáo viên nam từ 50 tuổi trở lên và nữ từ 45 tuổi nay không còn phải đi nghĩa vụ. Bên cạnh đó, những giáo viên có chồng đi công tác vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên cũng được hoãn điều chuyển.
 
Qua 3 năm, nhờ công tác điều chuyển, việc thiếu giáo viên ở 5 xã khó khăn là Hiến Sơn, Nhân Sơn, Mỹ Sơn, Trù Sơn, Đại Sơn đã không còn, chất lượng học sinh của các vùng này đã nâng lên rõ rệt. Chẳng hạn như ở Trường THCS Hiến Sơn, năm học 2010 – 2011 kết quả thi vào lớp 10 của trường đứng thứ 284 của tỉnh thì năm học này đã vươn lên thứ 35; Trường THCS Đại Sơn từ xếp thứ 185 đã vượt lên đứng thứ 60, Trường THCS Trù Sơn từ thứ 203 lên thứ 57 trên tổng số 433 trường của cả tỉnh… Nhưng, cũng như các huyện khác, hiện Đô Lương hiện đang gặp khó khăn và chưa tìm được giải pháp thích hợp khi thời hạn 3 năm điều chuyển của 156 giáo viên đầu tiên sắp hết, nhưng sắp xếp họ như thế nào sau khi hết nghĩa vụ đang là một vấn đề, trong khi tâm lý chung của giáo viên muốn được trở về gần nhà… 
 
Tại huyện Tân Kỳ, khó khăn trong quá trình luân chuyển là vấn đề đảm bảo công bằng, khách quan cho 70% cán bộ giáo viên hiện đang công tác ở vùng thuận lợi. Từ năm 2001 huyện Tân Kỳ đã tiến hành xây dựng quy chế luân chuyển giáo viên và mỗi năm đều sửa đổi để phù hợp với từng hoàn cảnh, từng giai đoạn. Quá trình chấm điểm cho giáo viên được thực hiện công khai, nếu có kiến nghị bức xúc giáo viên có thể trao đổi trực tiếp với lãnh đạo trường. Nhờ cách làm này nên việc luân chuyển ở Tân Kỳ tuy còn có ý kiến này ý kiến khác nhưng nhìn chung là “yên” và được nhiều huyện học tập, rút kinh nghiệm.
 
Trước những tồn tại này mới thấy, việc điều chuyển, luân chuyển giáo viên không phải là vấn đề đơn giản dù không thể phủ nhận đây là việc hết sức cần thiết. Nhờ thực hiện luân chuyển nên giải quyết được sự bất hợp lý về tỷ lệ giáo viên, nhân viên nói chung, tỷ lệ giáo viên bộ môn nói riêng; tạo nên mặt bằng về số lượng và cơ cấu giáo viên hợp lý; từng bước giải quyết điều chuyển các trường hợp đã công tác lâu năm tại vùng khó khăn về vùng thuận lợi, phù hợp với hoàn cảnh gia đình; tạo động lực phấn đấu để nâng cao chất lượng giáo viên, nhân viên, chất lượng giáo viên ở các vùng khó, vùng miền núi... Thiết nghĩ, trong sự “khó” này, Sở Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản chỉ đạo hướng dẫn, xây dựng mô hình điểm, có sự giám sát, theo dõi, tránh để tình trạng “mỗi huyện một phách”, “thả nổi” như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, theo dõi số lượng giáo viên đi – đến qua các năm học để có hướng dẫn điều chỉnh thích hợp, đảm bảo công bằng, dân chủ và quyền lợi cho giáo viên.
 
Mỹ Hà