Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy
 
(Baonghean) - Ngày 30 tháng 7 năm 2013, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An vui mừng đón nhận một sự kiện đặc biệt quan trọng: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông là một hướng ưu tiên phát triển, tạo cơ sở và góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác của tỉnh.
 
Trong thời gian gần đây, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông ở Nghệ An đã có bước phát triển nhanh chóng: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và truyền thông được chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển: Năm 2013, có 3.670 trạm BTS; cáp quang đến 100% trung tâm huyện, bưu cục III; 404/480 xã, phường, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa xã; 100% các xã có điểm phục vụ bưu chính, đáp ứng chỉ tiêu kỹ thuật quốc gia về bưu chính công ích. Thuê bao điện thoại ước đạt mật độ 140,8 thuê bao/100 dân; thuê bao Internet quy đổi đạt mật độ 26,7 thuê bao/100 dân. Doanh thu ngành Thông tin và Truyền thông 11 tháng năm 2013 ước đạt trên 3.376 tỷ đồng. 
 
images904406_3_dao_tao_cong_nghe_thong_tin_truong_cao_dang_day_nghe_so_4_bo_quoc_phong_pn.jpgĐào tạo CNTT ở Trường Cao đẳng dạy nghề số 4 - Bộ Quốc phòng. Ảnh: Phan Văn Toàn
 
Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành của tỉnh luôn đảm bảo thông suốt, kịp thời. Hoạt động bưu chính, viễn thông ngày càng được tăng cường và quản lý tốt, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và người dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước được đẩy mạnh, đồng bộ. Các đề án lớn như: Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở; dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng được chú trọng triển khai. Nghệ An đứng thứ 3 cả nước về các chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin.
 
Các cơ quan thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Nghệ An trở thành trung tâm báo chí của khu vực với 44 cơ quan báo chí của Trung ương, của ngành và địa phương; trong đó 38 cơ quan thường trú của báo Trung ương và báo ngành, 6 cơ quan báo chí của tỉnh và 2 nhà xuất bản. Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh được đầu tư phát triển, trở thành những cơ quan báo chí mạnh của cả nước. Công tác quản lý báo chí, xuất bản thường xuyên được quan tâm; thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thông tin, tuyên truyền theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
 
Thực hiện định hướng Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, hiện nay tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều nội dung phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, trọng tâm là:
 
1- Tập trung triển khai các quy hoạch đã có và tiếp tục xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông đến năm 2020. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử. 
 
2- Xây dựng và thực hiện Đề án phát triển Nghệ An thành trung tâm công nghệ thông tin vùng Bắc Trung bộ. Trình cấp có thẩm quyền đưa vào quy hoạch và triển khai xây dựng Công viên công nghệ thông tin Nghệ An thành một trong các khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin đầu tư vào Nghệ An, nhằm đưa công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. 
 
3- Tập trung đào tạo và thu hút nhân lực có trình độ cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghệ thông tin của tỉnh trong những năm tới. Quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng, phát triển các trường đại học, trường dạy nghề chất lượng cao, trong đó có lĩnh vực công nghệ thông tin; khuyến khích, tạo điều kiện để nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo của ngành công nghệ thông tin trong các trường đại học trên địa bàn tỉnh; mở rộng hợp tác với các trường đại học trong nước và quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao.
 
4- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn, nhằm tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành, thu hút đầu tư. Để thực hiện được điều này, tỉnh đã có chương trình hợp tác với Tập đoàn FPT gồm nhiều nội dung, trước mắt là hợp tác thực hiện Đề án “Xây dựng chính quyền điện tử Nghệ An”. Theo đó, sẽ xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu; hoàn thiện mạng diện rộng đến cấp xã; hoàn thiện kênh giao tiếp nội bộ; mở rộng các kênh giao tiếp đến người dân và doanh nghiệp; cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; và nhiều nội dung quan trọng khác.
 
5- Phát triển hệ thống thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh: xây dựng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh ngang tầm đài phát thanh và truyền hình khu vực. Củng cố cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống đài truyền thanh và truyền hình cấp huyện, hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Xây dựng các cơ quan thông tin, báo chí, xuất bản của tỉnh trở thành các đơn vị mạnh và tạo điều kiện để các cơ quan thông tin, báo chí của Trung ương, của ngành đóng trên địa bàn phát triển và được quản lý chặt chẽ. Qua đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá quê hương, con người xứ Nghệ; góp phần phát triển Nghệ An thành một trong những trung tâm văn hóa - du lịch của cả nước và phát triển đi lên giàu mạnh trên tất cả các lĩnh vực theo định hướng Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị./.