(Baonghean) - Việc luân chuyển cán bộ Đoàn về cơ sở không chỉ để hỗ trợ cho phong trào Đoàn, thanh thiếu nhi ở cơ sở mà còn là giải pháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp cán bộ Đoàn được cọ xát thực tiễn, trưởng thành hơn nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ Đoàn.
Trải nghiệm để trưởng thành
Năm 2013, thị xã Hoàng Mai được thành lập. Lúc đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy lấy ý kiến Tỉnh đoàn Nghệ An để giới thiệu cán bộ về giữ chức Bí thư Thị đoàn của thị xã non trẻ này. Sau đó, anh Lê Văn Lương (SN 1984) về công tác tại Tỉnh đoàn từ năm 2008 và thời điểm năm 2013 đang giữ chức Phó ban Đoàn kết, tập hợp thanh niên được điều động về đảm nhận vị trí người đứng đầu Thị đoàn Hoàng Mai từ tháng 6/2013.
Trong bối cảnh chung rất nhiều khó khăn của một thị xã mới thành lập, anh Lê Văn Lương đã cùng tập thể cán bộ thị xã tập trung kiện toàn bộ máy, trong đó có bộ máy của tổ chức Đoàn từ thị xã đến cơ sở để nhanh chóng đi vào hoạt động sau khi chia tách từ huyện Quỳnh Lưu. Tháng 8/2016, anh được Tỉnh đoàn điều động về lại đơn vị cũ để giữ chức Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học. Chia sẻ về thời gian hơn 3 năm gắn bó với công tác Đoàn ở thị xã Hoàng Mai, điều đọng lại với anh Lê Văn Lương không chỉ là niềm vui sau bao ngày vất vả, cống hiến, gây dựng, phong trào Đoàn của thị xã dần đi vào ổn định, phát triển và được Tỉnh đoàn Nghệ An đánh giá là một trong những đơn vị xuất sắc mà chính bản thân anh trưởng thành rất nhiều qua cọ xát thực tiễn.
“Cũng nhờ thời gian ở cơ sở mà cá nhân mình trưởng thành hơn về tư duy kiến thức, kỹ năng làm việc. Điều đó giúp ích cho bản thân rất nhiều trong chặng đường công tác sau này như nắm vững hơn những đặc thù, thuận lợi, khó khăn của phong trào Đoàn, thanh thiếu nhi ở cơ sở để có những hoạt động, chương trình sâu sát hơn”, anh Lương chia sẻ.
Từ thực tiễn sinh động của những cán bộ Đoàn được luân chuyển, điều động như anh Lê Văn Lương cho thấy, việc luân chuyển cán bộ Đoàn đóng vai trò rất quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ. Do đó, thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Tỉnh đoàn nhiệm kỳ 2012 - 2017 và nhu cầu công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành Kế hoạch cử cán bộ đi đào tạo thực tế tại cơ sở vào tháng 6/2016.
Sau khi lấy ý kiến và được sự thống nhất của Thường trực Huyện ủy Tân Kỳ và Kỳ Sơn cũng như Ban Thường vụ Huyện đoàn các địa phương trên, Tỉnh đoàn đã luân chuyển anh Cao Xuân Thảo - Phó Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Tỉnh đoàn Nghệ An và anh Chu Quang Huy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn về làm việc lần lượt tại Huyện đoàn Tân Kỳ và Huyện đoàn Kỳ Sơn và chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Phó Bí thư các Huyện đoàn này kể từ tháng 6/2016.
Cả hai cán bộ Đoàn được luân chuyển đã nhanh chóng hòa nhập, tham mưu cùng tập thể cán bộ Huyện đoàn tích cực xây dựng và triển khai nhiều hoạt động. Phó Bí thư Huyện đoàn Kỳ Sơn, Chu Quang Huy cho biết: Anh đã tham mưu thực hiện cải cách hành chính trong hoạt động Đoàn như: rà soát, lập hộp thư điện tử, trang facebook với các tổ chức Đoàn để tuyên truyền phù hợp với giới trẻ; qua đó góp phần tiết kiệm, giảm thời gian đi lại từ bản xa ra thị trấn của đoàn cơ sở.
Bám sát chỉ đạo của lãnh đạo huyện trong phát triển kinh tế, chỉ đạo của Tỉnh đoàn, Huyện đoàn đã tổng rà soát các mô hình kinh tế phát triển trong thanh niên toàn huyện làm căn cứ tham mưu cho Huyện ủy, Tỉnh đoàn. Qua đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã hỗ trợ 3 mô hình kinh tế với tổng mức 150 triệu đồng tại các xã Bảo Nam, Phà Đánh, Hữu Kiệm. “Trong thời gian tới, Huyện đoàn tập trung thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân. Xác định đây là mũi nhọn hoạt động, chúng tôi sẽ phối hợp với Công an huyện xây dựng kế hoạch tiến hành đồng loạt toàn huyện, đặc biệt chú trọng các xã biên giới, điểm nóng về ma túy và nạn buôn bán người”, anh Huy chia sẻ.
Còn Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Kỳ, Cao Xuân Thảo cho biết, tuy thời gian về cơ sở chưa lâu, nhưng bản thân nhận thấy đã có thêm được nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt trong cách tiếp cận, tuyên truyền, vận động thanh thiếu nhi; trau dồi thêm phương pháp làm việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả, sát với tình hình thực tế ở cơ sở. “Tôi đã vận dụng được một số kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ tích lũy được trong quá trình công tác ở cơ quan Tỉnh đoàn, để từ đó có những đổi mới, tham mưu, đề xuất những giải pháp hiệu quả khắc phục một phần khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh niên ở các địa phương, đơn vị hiện nay”, anh Thảo cho biết.
Thực hiện luân chuyển hai chiều
Tỉnh đoàn Nghệ An xác định việc luân chuyển cán bộ của tổ chức Đoàn nhằm bồi dưỡng cho cán bộ kiến thức thực tiễn về phương pháp, kỹ năng làm việc, kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo; kỹ năng tiếp xúc và đối thoại với thanh niên; tổ chức triển khai các chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Bên cạnh đó, cán bộ Đoàn còn nghiên cứu, rèn luyện và nắm bắt thực tế tình hình để phục vụ công tác nghiên cứu và tham mưu tổ chức phong trào.
Đây cũng là giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ; qua đó giúp cán bộ Đoàn trưởng thành nhanh hơn, toàn diện hơn đáp ứng yêu cầu công tác. Chủ trương này được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng tình, thống nhất trước khi thực hiện. Trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh đoàn, Chu Đức Thái cho biết: Việc ban hành kế hoạch cử cán bộ đi đào tạo thực tế tại cơ sở và thực hiện luân chuyển 2 đồng chí tháng 6/2016 của Tỉnh đoàn Nghệ An là dựa trên cơ sở thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sau khi có Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn.
Trao đổi với phóng viên, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An, Phạm Tuấn Vinh cho biết: Việc luân chuyển cán bộ Đoàn đã mang lại những hiệu quả bước đầu trong công tác đào tạo cán bộ và cả với hoạt động của cơ sở. Tuy nhiên, thời gian qua việc luân chuyển có số lượng còn hạn chế và mới chỉ triển khai theo chiều luân chuyển từ Tỉnh đoàn về cơ sở, trong khi đó luân chuyển theo chiều ngược lại vẫn chưa thực hiện được. Do đó, trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục được triển khai việc luân chuyển cán bộ Đoàn, đặc biệt là thực hiện luân chuyển cán bộ Đoàn hai chiều. Không chỉ cán bộ Tỉnh đoàn về cơ sở mà cán bộ Đoàn ở cơ sở cũng luân chuyển về công tác tại cơ quan Tỉnh đoàn trên tinh thần: “Tỉnh đào tạo cho huyện và huyện cũng đào tạo cho tỉnh”.
Tại Thông báo số 249 ngày 2/6/2016 về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đưa cán bộ Tỉnh đoàn về công tác tại các Huyện đoàn và đảm nhận các chức vụ bí thư, phó bí thư Huyện đoàn; đồng thời có thể đưa bí thư, phó bí thư Huyện đoàn nơi cán bộ luân chuyển đến về nhận công tác tại cơ quan Tỉnh đoàn. Thời gian đi đào tạo thực tế từ 12 - 24 tháng. Giao Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thống nhất với Ban Thường vụ cấp huyện về nhân sự cụ thể, sau đó báo cáo Ban Tổ chức Tỉnh ủy trước khi quyết định. |
Thành Duy
TIN LIÊN QUAN |
---|