CHÚ TRỌNG CHỌN NGƯỜI
Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 15/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020” đặt ra yêu cầu là nhằm tạo điều kiện cho cán bộ có triển vọng, nằm trong quy hoạch được đào tạo, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn khác nhau, tạo nguồn cán bộ lâu dài; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, khó khăn; từng bước điều chỉnh việc bố trí cán bộ hợp lý, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong từng ngành, địa phương, đơn vị... và
Thực tiễn theo dõi công tác luân chuyển của tỉnh và các địa phương, cho thấy, các cấp ủy rất thận trọng trong lựa chọn cán bộ để thực hiện luân chuyển.
Ở huyện Thanh Chương, trong 6 cán bộ luân chuyển về đảm nhận chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều thuộc diện quy hoạch chức danh Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, có trình độ chuyên môn đại học trở lên và cao cấp chính trị; đồng thời có năng lực công tác tốt, hàng năm được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Riêng 12 cán bộ được luân chuyển ngang giữa khối Đảng, chính quyền và MTTQ, các đoàn thể là những cán bộ đảm nhận vị trí công tác 2 nhiệm kỳ cần thay đổi môi trường công tác; hoặc cán bộ năng lực yếu, tín nhiệm thấp; hoặc chưa bố trí đúng năng lực, sở trường cần phải điều chuyển phù hợp. Với việc tuân thủ nguyên tắc lựa chọn đó, mà theo đồng chí Nguyễn Trọng Anh - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương, thì những cán bộ được luân chuyển đều phát huy hiệu quả công tác ở các đơn vị, cơ sở được luân chuyển.
Đối với huyện Nam Đàn, công tác luân chuyển cũng được triển khai khá bài bản, vừa chọn cán bộ trẻ, có năng lực để luân chuyển, vừa chọn “điểm đến” phù hợp với năng lực, bản lĩnh và ý chí của cán bộ luân chuyển. Bởi vậy, trong 9 cán bộ huyện được luân chuyển về cơ sở từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều có sự trưởng thành về mọi mặt thông qua việc được tôi luyện trong khó khăn và các địa phương đó đều có chuyển biến tốt. Điển hình như xã Xuân Lâm - đơn vị từng ở tốp cuối trong phong trào nông thôn mới ở Nam Đàn, sau hơn 1 năm cán bộ huyện tăng cường về đã vươn lên về đích NTM và đang tiếp tục đà phát triển.
Là địa phương được đánh giá làm tốt công tác luân chuyển, ngoài luân chuyển từ cấp huyện về cơ sở, xã lên huyện và luân chuyển ngang giữa các khối cấp huyện, Đô Lương cũng đã thực hiện luân chuyển 4 cán bộ chủ trì giữa các xã. Và việc xác định nơi đến của cán bộ luân chuyển dựa trên cơ sở đánh giá năng lực, khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, quy tụ sức mạnh tập thể của cán bộ được luân chuyển. Và quá trình thực hiện luân chuyển, cán bộ luôn được cấp ủy theo dõi, giám sát thường xuyên để bổ cứu và nhắc nhở kịp thời, đồng thời tháo gỡ vướng mắc để cán bộ phát huy hiệu quả công tác.
Theo đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, để đảm bảo hiệu quả công tác luân chuyển, bên cạnh chú trọng lựa chọn kỹ cán bộ luân chuyển, thời gian qua, Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành với cán bộ luân chuyển, nhất là trong việc giải quyết các khâu khó, khâu yếu tại các địa phương. Các cấp ủy cũng đã có sự chủ động xây dựng phương án “đường về” cho cán bộ luân chuyển, tránh bị động trong việc sắp xếp cán bộ sau luân chuyển, đồng thời tạo sự yên tâm, động lực cho cán bộ luân chuyển.
"Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành với cán bộ luân chuyển".
NHẬN DIỆN HẠN CHẾ
Phần lớn cán bộ luân chuyển đã phát huy được năng lực, trách nhiệm, sự trăn trở vì phong trào chung, được cán bộ, đảng viên và nhân dân mong muốn được giữ lại, thì vẫn có một số cán bộ chưa phát huy vai trò và tạo được dấu ấn rõ nét tại đơn vị được luân chuyển đến. Nguyên nhân, do cán bộ có tâm lý “đi nghĩa vụ” hoặc “cực chẳng đã”, nên chưa thật sự trăn trở, đổi mới về phương pháp công tác, tâm huyết lăn xả với công việc. Bên cạnh đó, có khi cán bộ luân chuyển đang từ chuyên sâu một lĩnh vực sang lãnh đạo, chỉ đạo chung nhiều lĩnh vực, cộng với chưa có kinh nghiệm thực tiễn...
Cùng với hạn chế trên thì việc luân chuyển cán bộ là đảng viên, nghĩa là người không giữ chức vụ và cán bộ chủ chốt xã này sang xã khác, cho đến thời điểm này vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện.
Mặt khác, việc luân chuyển cán bộ cơ sở lên huyện còn rất ít, theo phản ánh của cơ sở, một mặt do quy định về tiêu chuẩn; một mặt đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện cơ bản được “đóng khung” nên khó có vị trí “trống” để luân chuyển; mặt khác, những cán bộ có năng lực ở cơ sở đang là hạt nhân dẫn dắt các phong trào ở cơ sở đó, nên rất khó tìm người thay thế. Điều này vô hình trung dẫn tới cản trở động lực và cơ hội trưởng thành của cán bộ cơ sở, và về mặt tổ chức thì trong xây dựng đội ngũ cán bộ thiếu người có năng lực thực tiễn.
Đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện cơ bản được “đóng khung” nên khó có vị trí “trống” để luân chuyển.
Nhiều ý kiến cũng băn khoăn, mặc dù Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy quy định rõ: Hết thời hạn luân chuyển, điều động, nếu cán bộ được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ sẽ được đề nghị bố trí ở chức vụ cao hơn; tuy nhiên trong thực tế chưa có phương án bố trí cụ thể cho cán bộ sau luân chuyển. Mặt khác, việc đánh giá cán bộ luân chuyển cũng chưa có các tiêu chí rõ ràng mang tính định lượng...